Hợp nhất thu thuế và bảo hiểm xã hội?

ANTD.VN - Việc cơ quan thuế đồng thời thu thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với các đơn vị sử dụng lao động được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.

Bộ Tài chính đề xuất thu đồng thời thuế và bảo hiểm xã hội

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý. Trong đó, có nội dung đáng chú ý là cơ quan thuế sẽ thực hiện thu thuế đồng thời thu cả tiền đóng BHXH bắt buộc của chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Giảm chi phí quản lý

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHXH ở Việt Nam vẫn rất thấp. Cụ thể, chỉ hơn 13 triệu lao động trên tổng số 54 triệu lao động tham gia đóng BHXH. Thực tế cho thấy, số lượng đơn vị sử dụng lao động do cơ quan thuế quản lý cao hơn nhiều so với số lượng đơn vị sử dụng lao động do cơ quan BHXH quản lý (năm 2016, cơ quan thuế quản lý khoảng 600.000 đơn vị, trong khi BHXH quản lý khoảng 300.000 đơn vị).

Hiện nay, cơ quan thuế và cơ quan BHXH đang phối hợp quản lý và thu BHXH theo quy chế đã ký giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do giữa thuế và BHXH hiện nay còn có nhiều sự khác biệt như thời gian khai, nộp, căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân và căn cứ tính BHXH… Điều này dẫn đến sự phối hợp không triệt để giữa các bên.

Việc cơ quan thuế thực hiện thu thuế và BHXH là phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, cũng như đáp ứng yêu cầu của xã hội là phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Hiện nay, một số quốc gia ở châu Âu đã và đang thực hiện mô hình này. Nếu hợp nhất việc thu thuế và BHXH không những cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng tờ khai, thời gian, chi phí… đối với doanh nghiệp mà còn giảm chi phí quản lý của cơ quan chức năng.

Cụ thể, thay vì phải nộp 2 tờ khai thuế và BHXH cho 2 cơ quan khác nhau, nay chỉ cần nộp 1 tờ khai cho 2 khoản phải nộp. Đồng thời, với việc hợp nhất thu thuế và BHXH, mã số thuế của cá nhân có thể dùng làm mã quản lý BHXH, số sổ BHXH, số thẻ bảo hiểm y tế. Điều này có thể giúp đơn giản hóa trong công tác quản lý cũng như khai, nộp thuế và BHXH. Cùng với đó, do chỉ còn một đầu mối thu cả 2 khoản tiền, nên cũng chỉ cần một đơn vị thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động về thực hiện chính sách thuế và BHXH.

Phải nghiên cứu, áp dụng thí điểm

Về vấn đề này, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: “Lâu nay, doanh nghiệp luôn có 2 sổ lương. Một sổ lương doanh nghiệp kê khai đóng BHXH rất thấp, chủ yếu tương đương mức lương tối thiểu vùng. Một sổ lương khác, doanh nghiệp thực trả cho người lao động cao hơn, thông qua nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải tiến tới liên thông cơ quan thuế và BHXH, để thu BHXH theo tiền lương doanh nghiệp kê khai thuế. Doanh nghiệp quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế bao nhiêu sẽ phải đóng BHXH bấy nhiêu, như vậy sẽ không còn chuyện 2 sổ lương nữa”.

Cùng quan điểm, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Đúng là cơ quan thuế có nhiều ưu thế trong việc thu BHXH. Tuy vậy, nếu chuyển đổi, sáp nhập chức năng thu BHXH vào cơ quan thuế cần phải tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hai cơ quan”.

Hơn nữa, việc tận dụng nguồn lực sẵn có của cơ quan thuế có thể giảm chi phí quản lý nhưng không đảm bảo rằng cán bộ cơ quan thuế nắm vững nghiệp vụ thu BHXH. Do đó, các cơ quan quản lý cần có nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể trước khi áp dụng. Để giải quyết cốt lõi vấn đề nợ đọng, trốn đóng hay mở rộng đối tượng tham gia BHXH không thể chỉ bằng cách chuyển việc từ cơ quan nọ sang cơ quan kia mà phải làm sao để doanh nghiệp không “lách luật” trốn đóng BHXH.