Hợp đồng viết tay

ANTĐ - Không hiểu bắt đầu từ chuyện gì, hôm nay vợ tôi nói nhiều và liên tục, toàn những chuyện không đâu vào đâu, đến nỗi tôi phải ôm đầu hét lên:

- Em không yên lặng một phút được à?

- Vì sao tôi lại phải im lặng trong khi ở cái nhà này đầy rẫy những việc làm mà không qua tay con này cơ chứ. Còn anh chỉ ngồi một chỗ, đọc sách và xem tivi. Lại còn giảng giải cho tôi điều này điều nọ. Anh lấy quyền gì…

- Thôi! Tôi nhăn nhó bước lại gần nói - cô tha cho tôi, đừng nói lắm thế. Ờ thế thì được rồi từ lúc này, tôi không thèm nói với anh nửa lời nữa. Việc ai nấy làm. Nhá! Không ai phải lo cho ai nữa. Nhá!

- Có thật không?

- Tôi thề đấy!

Tôi gật đầu lia lịa và mừng thầm trong bụng rằng, có lẽ mình sẽ thoát nạn trong ngày hôm nay. Dù chỉ một ngày cũng coi là ước mong được toại nguyện. Cũng may, cậu con trai quý tử đi học ở nước ngoài nên không bị “hưởng” cái lộc lắm nhời của mẹ nó.  

 Tôi có đối sách rồi. Im lặng. Đọc sách báo. Quét nhà. Tự nấu mì ăn. Ngủ trưa. Đi bộ dạo quanh phố. Tối đến lại nấu mì. Xem tivi và im lặng… Cứ thử xem thi gan mèo nào chịu mỉu nào? Cô ta hậm hực lao xuống bếp khua loạn cái chảo rán còn dính mỡ thơm ngào ngạt. Con chó Tomy tưởng chủ cho ăn, xoắn xuýt đến gần. Cô ta cáu điên đạp cho nó một cái. Nó kêu ăng ẳng đau đớn. Thế là tôi bật đầu DVD lên để nghe ca nhạc. Tôi bật to hết cỡ. Dường như tôi muốn làm như thế để quên đi cái đạp của cô ta lên đầu con chó. Bỗng nhiên tiếng cánh cửa đóng sầm một cái. Tôi quay ra thì nhìn thấy trên tay khóa có treo một tờ giấy ghi một dòng chữ to:

- “Điếc tai!”.

Tôi vẫn tức khí nên mở cửa ra và còn vặn to hơn.  

Lại một tiếng đóng cửa đánh rầm và có thêm một tờ giấy ghi khá dài dòng:

- “Cảnh cáo anh! Không nói không có nghĩa là im lặng. Nhớ rằng đừng để tôi gõ nồi ở ngay cửa phòng anh. Tôi gõ tín hiệu từ 1 đến 3 tiếng, để anh vặn nhỏ tiếng nhạc lại. Nếu không tôi cũng gõ”.

Thấy có lý, tôi nhẹ nhàng vặn nhỏ ampli lại. Vừa yên được một chút thì có tiếng gõ cửa. Một bàn tay của cô ta thò vào với một tờ giấy trắng. Tôi nhổm lên với tờ giấy đọc:

- “Hôm nay muốn ăn gì để tôi đi chợ. Kể ra chi tiết chứ đừng ậm ờ như mọi hôm, rồi lại chê không hợp khẩu vị. Ghi ra mặt sau. Một phút sau tôi quay lại”.

Tôi vớ vội cây bút ghi một chữ duy nhất: “Tùy”.

Cũng chỉ được một phút. Lại có tiếng gõ cửa. Một cánh tay và một tờ giấy. Tôi đọc:

“Không thể tùy được. Tôi mua theo ý tôi. Anh lại không ăn. Anh phải ghi cụ thể ra đây dù chỉ một món anh thích. Tôi sẽ quay lại”.

Tôi lại đành ghi: “Tôi sẽ ăn mì. Cô cứ tự lo cho mình. Cám ơn”.

Tôi vừa mới đưa tờ giấy ra thì ngay lập tức đã có tờ giấy khác xuất hiện với dòng chữ: 

“Thế thì anh lo cho cả con Tomy nữa. Cả hai cùng ăn mì. Nhá! Xin tạm biệt. Hẹn gặp vào bữa trưa ở dưới bếp”.

Quả nhiên đến trưa chúng tôi gặp nhau ở dưới bếp thật. Tôi bày bát mì thịt xào hương thơm nghi ngút lên bàn ăn. Trong khi đó, cô ta bày ra đến bốn năm đĩa thức ăn. Nhất là các món, tim sào mướp đắng mà tôi rất thích ăn. Thêm nữa còn có một bát canh hến chua làm tôi cũng thèm rỏ dãi ra. Nhưng tôi cố làm ra vẻ không quan tâm và gọi con Tomy ra rồi xẻ xuống bát của nó một ít mì. Vừa ngồi vào bàn, thì có một miếng giấy nhỏ đưa sang phía tôi với hai chữ: “Xin mời”. Tôi liếc sang nhìn cô ta gật đầu cười tỏ ý cám ơn lời mời rồi cúi xuống xì xụp ăn bằng hết bát mì. Nhưng vừa ngẩng lên, lại có một miếng giấy nhỏ đẩy sang trước mặt. Tôi đọc: “Ăn phải nhai. Nói phải nghĩ chứ không nên vội vàng. Đấy là nguyên tắc, anh đã từng dạy con trai. Im lặng không phải là không giao lưu. Anh có thể ăn thêm những món mà tôi đã nấu. Tất nhiên. Cứ im lặng mà ăn. Tự nhiên cho”.

“Ơ! Cái cô này”, suýt nữa tôi định kêu lên. Nếu như mọi khi là tôi phản ứng ngay khi cô ta cất tiếng như những bữa ăn trước đó. Cô ta luôn nhắc nhở tôi và lục vấn mọi chuyện. Nhiều khi cô ta biến bữa ăn là một dịp để xả hơi. “Giời đánh còn tránh miếng ăn”, nhưng cô ta không hề chùn miệng. Nói, nhắc nhở và dặn dò. Bữa ăn luôn luôn căng thẳng mất cả ngon… Cho nên, bữa ăn hôm nay, đúng là tôi được im lặng và ăn theo ý mình và thấy thực sự ngon miệng. Tôi nhẹ nhàng định đứng lên, nhưng đột nhiên vợ tôi lại đẩy sang một tờ giấy có dòng chữ:

“Anh quên uống nước. À mà tôi cần phải bàn với anh một việc cần về con trai mình”.

Thế đấy, chắc lại ngứa mồm lắm rồi đây. Tôi tức tốc đi ra bàn tợp một cốc nước lọc, rồi lấy bút ghi lên tờ giấy để sẵn ở trên bàn “Hãy giữ lấy lời hứa. Im lặng. Không bàn cãi gì cả. Hãy để tôi yên”.

Ngay lập tức cô ta đọc rồi ghi nhanh lên tờ giấy khác đưa sang chỗ tôi ngồi.

“Tôi nhớ chứ. Nhưng chuyện thằng con phải bàn ra nhẽ. Gọi nó về hay để mất nó?”.

Tôi lại ghi với sang “Vì sao cơ chứ?”.

- “Tôi nghe người ta nói nó dùng tiền vợ chồng mình gửi sang để đi vào Casino chứ chẳng chịu học hành gì”.

- “Cô nghe ai nói?”.

- “Con ông Hào mới về kể hết mọi chuyện”.

- “Tôi không tin. Con nó vẫn nói là học tốt cơ mà”.

- “Anh thật vô trách nhiệm”.

- “Phải tin con mình chứ. Nó ngoan tôi biết”.

- “Tại sao anh nhìn sự vật bất biến thế nhỉ. Tư duy logic anh để ở đâu. Không ai người ta bịa đặt cho nó cả”.

Tôi đọc đến đây bỗng dồn lên cơn tức, định quát lên, rồi lại đành phải đặt bút đối thọai tiếp:

- “Logic ư? Đó là lòng tin”.

- “Tin phải có căn cứ chứ”.

- “Sao lại không có. Nó ngoan, hiền, chăm chỉ và có bản lĩnh”.

- “Anh lại lẩm cẩm rồi. Chỉ nghĩ một chiều”.

Đến đây tôi lại tức. Mọi khi cô ta đều phủ đầu tôi một câu mở đầu là lẩm cẩm rồi mở máy nói. Tôi thấy cứ viết thế này cũng đã mệt lắm nhưng không thể không tiếp tục. Tôi viết:

- “Thôi ai vào việc nấy! Tôi đã ăn mì. Tôi đã uống nước. Tôi đã buồn ngủ. Xin chào!”.

Cô ta ngay lập tức đập bàn đứng phắt dậy. Có lẽ cô ta sẽ hét lên như mọi khi nhưng không, cô ta lại với bút ghi:

- “Đây là việc hệ trọng. Đừng vô trách nhiệm. Anh phải có ý kiến cuối cùng”. 

Tôi vẩy tay viết:

- “Tùy”.

Viết rồi, tôi đi thẳng vào phòng khóa trái cửa lại. Con Tomy không theo vào kịp chỉ kêu ăng ẳng bên ngoài. Thế là cô ta mượn cớ nổi giận cứ thế quật tới tấp vào lưng con Tomy. Nó kêu loạn lên như cầu cứu tôi. Tôi  kiên trì im lặng vì giờ đây là một dịp hiếm có để không phải nghe lời vợ nói. Nhưng đâu có yên. Tiếng đập cửa thình thình. Tôi đành phải bước ra mở cửa. Tôi cau mặt trợn tròn mắt nhìn cô vợ đang chống nạnh thở phì phò ở ngoài. Cô ta khua tay định nói điều gì đó nhưng lại dúi vào tay tôi một bức thư. Biết sao được tôi đành đọc:

“Từ nay, anh gửi tiền cho con. Tôi coi như không có trách nhiệm gì nữa - vĩnh biệt”.

Tôi lại vạch thêm một chữ “Tùy” ngay bên góc thư. Rồi định đóng cửa. Bất ngờ cô ta đứng chặn ở cửa, rú lên, rồi vò nát tờ giấy. Lần này, cô ta không thể nhịn được nữa rồi và há mồm thật to. Tôi đoán cô ta sẽ la lên một tiếng Trời! như mọi khi, nhưng không, có lẽ nhớ đến lời thề, nên cô ta để tờ giấy lên cửa viết:

“Không thể tùy được. Cùng chịu trách nhiệm chứ. Con cái là của để dành của chúng ta. Ra quyết định đi. Có gọi về hay không?”.

Tôi cố nín cơn tức, nhẹ nhàng viết:

- “Đã bảo tùy cô mà”.

- “Tức là gọi về chứ gì?”.

- “Phải!”.

- “Thế là công cốc, lãng phí tiền của mất hai năm”.

- “Tại cô chứ!”.

- “Sao lại tại tôi. Đồ vô trách nhiệm”.

- “Lại lắm lời!”.

Lúc này cô ta lên tiếng thật sự chứ không ghi giấy nữa vì cô ta rất ghét hai chữ lắm lời và quát lên: 

- Lời nào. Không nói thì cứ ì ra đấy. Cái gì cũng tùy con gái già này à? Thử hỏi trong cái nhà này…

Tôi nhún vai định nhắc đến lời thề buổi sáng của cô ta. Nhưng lại thôi và ngồi thừ ra giường. Thế là tôi biết rằng cái máy nói lại bắt đầu, lời thề đã bị phản bội. Cô ta không thể im lặng được nữa. Nhưng phải nói cái chuyện cho con trai về học ở trong nước là cần thiết thật. Mà cũng chỉ nhờ nói bằng giấy thế này hai chúng tôi mới thoại được lâu thế. Chứ bình thường, chỉ nói được đôi câu là cãi nhau liền. Và cứ thế cái máy nói được nhấn vào phím “Power”. Lúc này cũng vậy. Tôi đã tự bấm vào cái phím đó bằng hai chữ lắm lời. Phím Power. Bởi nếu không kích động cô ta thì may ra còn được hưởng sự im lặng vài tiếng nữa. Thôi đành vậy. Tôi nghe!