Hội đồng Tiền lương Quốc gia:

Họp "chung kết" quyết mức tăng lương tối thiểu năm 2016

ANTĐ -Sau 2 cuộc họp thương lượng bất thành trong tháng 8 vừa qua, sáng nay, 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bước vào phiên họp cuối cùng để chốt phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. 

Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm đại diện của 3 bên thành viên là Bộ LĐ-TB&XH (đại diện cho Chính phủ), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN – đại diện cho người lao động), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho giới sử dụng lao động).

Phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia vẫn hết sức căng thẳng

Ở phiên họp sáng nay, phía LĐLĐVN đã chấp nhận giảm mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 16,7% như ở 2 cuộc họp trước đó xuống mức 14,3%, tức bằng mức tăng của năm 2015. Trong khi đó, phía VCCI chỉ chấp nhận mức tăng nhích hơn một chút so với phương án mà họ đã đưa ra ở cuộc họp trước, từ 10% lên 10,7%.

Trao đổi với báo chí giữa giờ giải lao phiên họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, thông tin mới nhất từ Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31-8 vừa qua một lần nữa khẳng định nền kinh tế của nước ta năm nay đã phục hồi mạnh mẽ hơn, tăng trưởng sáng sủa hơn so với năm 2014. Thực trạng này được thể hiện qua tất cả các chỉ số từ tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư đến doanh nghiệp hoạt động mới tăng, doanh nghiệp phải giải thể giảm…

“Kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thì không thể chấp nhận việc lương tối thiểu tăng thấp hơn năm trước, trong bối cảnh đời sống của người lao động mới chỉ đáp ứng được trên dưới 80% nhu cầu sống tối thiểu, nghĩa là lương chưa đủ sống. Do vậy, phương án cuối cùng mà chúng tôi chấp nhận là mức tăng lương tối thiểu 2016 ít nhất phải bằng mức tăng năm 2015, ở mức 14,3%.

Với mức tăng theo tỷ lệ này thì mức tăng lương tối thiểu thực tế năm 2016 sẽ là 300.000-450.000 đồng/người/ tháng tùy theo từng vùng, tức tăng hơn 50.000 đồng so với mức tăng thực tế của năm 2015. Với công nhân, tăng hơn được 50.000 đồng/ tháng cũng rất có ý nghĩa cho cuộc sống của họ” – ông Mai Đức Chính nói.

Ông Mai Đức Chính chia sẻ với báo chí

Bình luận về việc phía VCCI cho rằng năng suất lao động của ta thấp nên nếu tăng lương tối thiểu cao sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, ông Mai Đức Chính cho biết, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần rất nhiều giải pháp đồng bộ khác của Chính phủ chứ không phải vì khó khăn mà cắt giảm đồng lương vốn còm cõi của người lao động.

Hơn nữa, lập luận năng suất lao động thấp để tăng lương tối thiểu thấp là cách đặt vấn đề không đúng bởi lương tối thiểu của ta chưa đủ sống, công nhân của ta chủ yếu làm gia công lại phải tăng ca liên tục nên không thể đổ lỗi năng suất lao động thấp là do người lao động được. Muốn tăng năng suất lao động thì cần đồng bộ với các yếu tố dây chuyền công nghệ, đào tạo… và năng suất lao động thực chất liên quan đến tiền lương trung bình chứ không phải tiền lương tối thiểu.

Theo quy chế của Hội đồng, tại cuộc họp “chung kết” diễn ra sáng nay, nếu phương án của 2 bên thành viên của Hội đồng đề xuất vẫn chưa xích lại gần nhau để tiến hành bỏ phiếu, các bên chưa thể thống nhất được phương án chung thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia là ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết định chọn lựa phương án điều chỉnh cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Như ANTĐ đã đưa tin, ở 2 cuộc họp trước đó vào ngày 5 và 25-8, trong khi phía LĐLĐVN kiên quyết đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 phải tăng 16,7% để đảm bảo tốt hơn phần nào nhu cầu sống của người lao động thì ngược lại, phía VCCI chỉ đồng ý mức tăng tối đa không quá 10% với lý do các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn.

Do phương án giữa 2 bên có mức chênh lệch khá cao và cả 2 bên đều đưa ra những lý lẽ riêng có tính thuyết phục để bảo vệ phương án của mình, không bên nào chịu nhượng bộ nên 2 cuộc họp thương lượng trước đó đều phải dừng lại giữa chừng.