Hỗn mang kiến trúc làng Hà Nội: Khi làng không “hướng nội”

ANTĐ - Những ngôi làng nổi tiếng với dấu ấn sâu đậm như làng Cự Đà, làng Cựu, làng Đông Ngạc… đang chứng kiến sự thay đổi chóng mặt. Bài toán về quy hoạch kiến trúc nông thôn, trong đó nổi bật vẫn là vấn đề nhà ở cần có thêm những lời giải thỏa đáng.

Nửa thành thị, nửa thôn quê

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, có gần 280 xã được sáp nhập vào đại gia đình chung của Thủ đô. Dấu ấn văn hóa làng quê đậm đà của xứ Đoài làm phong phú, giàu có thêm cho diện mạo kiến trúc xứ kinh kỳ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những ngôi nhà có kiến trúc nhất quán, tạo nên hình ảnh làng quê bình dị và gần gũi xưa kia ngày một vắng bóng. Theo KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chưa bao giờ những ngôi nhà ống, những ngôi nhà hẹp mọc lên nhiều như vậy. Những nếp nhà ngăn nắp, khuôn viên mở, giao hòa với cảnh quan thiên nhiên, điển hình ở những làng thuần nông dần dần bị xóa sổ, thay vào đó là những kiến trúc hỗn mang, thiếu quy củ. Rồi thì hình thành “phố trong làng, nửa đô thị, nửa nông thôn…”. Nếu trước kia  làng quần tụ khép kín với những công trình xoay quanh đình làng, triền đê, bao bọc bởi những cụm tre thì nay các ngôi làng có xu hướng “hướng ngoại”.  Nhà ở mọc lên san sát, bám dọc theo các tuyến đường giao thông, hướng đến các thị tứ, thị trấn một cách tự do. Rồi những ao, hồ, không gian nhiệt đới tạo nên hồn cốt văn hóa làng quê cũng dần bị san lấp. Làng Tó, làng Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì)… xưa kia là nơi tập trung nhiều ao, hồ nay cũng không còn dấu tích. 

Theo KTS Vũ Đình Thành - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn: “Không gian kiến trúc phản ánh rõ nét hình thái kinh tế - xã hội. Khi sản xuất phát triển, nhiều người nghĩ đến việc xây nhà to, đẹp, nghĩ phải sử dụng bê tông, cốt thép để xây nhà mới là tốt, là tối ưu, rồi cóp nhặt hình mẫu từ nơi khác về… Họ không nghĩ thế là rập khuôn máy móc, mà chưa chắc đã hiệu quả. Trên thực tế, cách xây nhà bằng nhiều vật liệu truyền thống, tuy kết hợp đơn giản nhưng vẫn tạo nên những công trình bền vững, đồng thời giữ được giá trị nhân văn, sự giao hòa với thiên nhiên lại đang bị bỏ qua. Ngày nay, chỉ còn số ít gia đình ở làng quê Hà Nội giữ được nếp truyền thống, đó là giữ từng câu đối, sập thờ, bậu cửa…, những ngôi nhà ngói ri, nền đất… Họ ý thức giá trị tinh thần cha ông để lại,  truyền lại cho con cháu, cố gắng bảo vệ, giữ gìn nhưng rồi có lẽ một ngày cũng chẳng thể chống lại sự đổi thay đang diễn ra ồ ạt”.

“Cập nhật” một cách có chọn lọc 

 KTS Nguyễn Địch Long, người có nhiều năm nghiên cứu về cổng làng – cho rằng, vật nắm giữ linh hồn, tiếng nói cha ông đang phải trải qua nhiều cuộc tàn phá dữ dội. Ông trầm tư: “Nhiều người coi nó như một “di sản phong kiến”, thẳng thừng đập đi, phá bỏ. Rồi thì các làng nghề phát triển với tốc độ chóng mặt, với những nhu cầu sản xuất phát sinh đưa xe tải,    ô tô container… băng băng vào tận làng. Không đi qua được, đành phải phá. Rồi thì đến đô thị hóa…”. Nhìn những chiếc cổng làng dấu tích hàng trăm tuổi, ghi dấu biết bao biến đổi, thăng trầm của làng quê biến mất, ai cũng xót xa. KTS Ngô Doãn Đức, bồi hồi kể lại câu chuyện về nghi thức “tiễn biệt” chiếc cổng làng tại làng Khê Hồi (xã Hà Hồi, Thường Tín). Khi trục đường giao thông mới được quy hoạch chạy qua nơi đây, người dân buộc phải phá bỏ chiếc cổng làng hơn 200 tuổi. “Tôi nhìn thấy cụ ông già nhất làng dùng một chiếc búa đập một cái tượng trưng vào chiếc cổng, sau đó thanh niên trai tráng mới được dỡ xuống. Tôi cảm nhận được sự trân trọng, gắn bó và tình cảm của họ với cổng làng như thế nào”. 

Không thể “bảo tàng hóa” nông thôn, níu giữ sự tồn tại những ngôi nhà nguyên si như chục năm về trước, khi người dân nông thôn cũng có nhu cầu chính đáng được ở trong những ngôi nhà khang trang, văn minh như người dân thành phố. Do đó việc tạo ra không gian khoáng đạt, để phục vụ cho hoạt động sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi… đảm bảo nhịp độ sống của dân làng là vấn đề cần thiết. Cái quan trọng phải “đánh thức” suy nghĩ của người dân, đừng “học mót” đô thị, đem nhà liền kề mang dáng dấp thành thị về đặt trong làng, trong xóm. Nhà ở thuộc sở hữu tư nhân, không thể bắt thay đổi một ngôi nhà cao tầng thành mái ngói. Do vậy, với những công trình công cộng như cây đa, giếng nước, sân đình… việc bảo vệ và giữ gìn có phần đơn giản hơn so với xây dựng nhà ở. 

Nhận định về vấn đề này, KTS Vũ Đình Thành, cho rằng nhà ở vẫn là bài toán nan giải nhất trong việc giữ gìn cảnh quan nông thôn Hà Nội. Đi tìm lời giải cho bài toán này, những cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn được mở ra. Theo ông, các thiết kế phải đưa ra những kiểu nhà phục vụ, thỏa mãn nhu cầu của người dân, phải gợi ý, hướng cho họ lựa chọn. Trước khi thiết kế, kiến trúc sư trò chuyện với người dân, tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của họ, chứ không áp đặt. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch và cấp phép cũng phải phù hợp từng tuyến làng. “Cần phải có tính bao trùm và phạm vi” - KTS Ngô Doãn Đức khẳng định. “Chẳng hạn như ở từng khu vực, định ra một kích thước bề rộng tối thiểu là bao nhiêu mét cho một ngôi nhà. Tránh sự chia năm xẻ bảy, xây tự phát, “chia lô”… Nhà ở nông thôn không thể rập khuôn thành phố. Cốt lõi là phải đảm bảo cân bằng giữa con người, kinh tế và tự nhiên. Tôi tin rằng như vậy sẽ hạn chế được phần nào sự lúng túng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay”.