"Hôn lễ ma" dành cho người chết trẻ

ANTĐ - Tháng 2-2012, tại quận Guangping thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chàng thanh niên Liu, 18 tuổi, qua đời vì bệnh tim đã cưới cô Wu, 17 tuổi, chết vì khối u trong não.
Tôn kính tổ tiên qua đời là một nghĩa vụ hàng đầu trong gia đình, và lễ Thanh minh diễn ra 15 ngày sau Xuân phân, là dịp sửa sang mộ phần cho người quá cố. Đó cũng là thời cơ tốt nhất cho các “hôn lễ ma” và cũng béo bở nhất cho bọn cướp mộ.  Hôn lễ ma là một truyền thống đã có từ hơn 3.000 năm qua, đặc biệt phổ biến rộng ở miền Bắc TQ. Hầu hết các gia đình có người thân chết còn độc thân đều cố đi tìm ý trung nhân cho họ.
  Kỳ lạ chuyện cả làng cưới vợ cho người chết
Lễ Thanh minh tại Trung Quốc


Huang Jichun, nhà nghiên cứu tại Thượng Hải cho biết: “Khi đó, xác của hai người chết được chôn chung với nhau trong một nghi thức nửa giống hôn lễ, nửa giống tang lễ”. Những con ma không còn cô độc nữa và gia đình có thể nhanh chóng thịnh vượng.

Tháng 2-2012, tại quận Guangping thuộc tỉnh Hồ Bắc, chàng thanh niên Liu, 18 tuổi, qua đời vì bệnh tim đã cưới cô Wu, 17 tuổi, chết vì khối u trong não. Gia đình Liu đã chi 35.000 nhân dân tệ (4.200 euro) cho gia đình Wu để lấy cái xác. Đó là một số tiền không nhỏ, khi thu nhập bình quân hàng năm khoảng 5.000 NDT cho mỗi đầu người. 

Hai người trẻ không hề quen biết nhau lúc còn sống, đã được chôn chung và bánh bao được đặt cúng trên mộ họ. Nhưng “tuần trăng mật” diễn ra thật ngắn ngủi, bởi ngôi mộ bị kẻ gian đào tung lên và xác của Wu lại được bán cho một cuộc hôn nhân diễn ra ở tỉnh khác.

Mẹ của Liu, đứng trước nền nhà bằng đất nện, tuyên bố: “Tôi hy vọng bọn cướp bị án tử hình, hay ít nhất cũng phải 20 năm tù giam”. 

Buôn bán xác chết phụ nữ nở rộ trong những vùng nông thôn nghèo khổ này. Thường chúng được cung cấp qua một trung gian và đã tăng giá đến 25% trong vòng năm năm qua. 

Năm ngoái một tờ báo Trung Quốc tố cáo các ông chủ mỏ than đã nâng giá một cô “vợ ma” lên đến 130.000 NDT. Năm 2010, một băng đảng cướp mộ bị bắt tại tỉnh Hồ Bắc. Chúng đã đào mấy chục ngôi mộ và kiếm được lợi nhuận đến mấy trăm nghìn NDT.

Các đám cưới ma luôn gây ra tranh cãi. Dưới thời Mao Trạch Đông, tục lệ này bị xem là mê tín dị đoan và nghiêm cấm. Theo nhà nghiên cứu Huang, truyền thống này bùng phát trở lại là do kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh. Các gia đình ở nông thôn giàu có lên và thừa tiền để cưới vợ cho con trai chết yểu của mình. Buôn bán xác chết từ nay là nhu cầu thường trực và liên tục gia tăng.

Gia đình Liu muốn cho những con ma của mình được yên ổn. Sau khi bắt giữ bốn trong năm tên cướp mộ, cảnh sát đã trả xác của Wu cho gia đình Liu. Nghi ngờ phong thủy của ngôi mộ trước bất ổn, họ đã xây ngôi mộ thứ nhì bằng bê-tông. Ngoài thức ăn được bày cúng, họ còn cẩn thận trồng một trụ xi-măng vấn lụa trắng để giúp hai vợ chồng ma đi thẳng lên thiên đường...