Hòn đảo của những phận người

ANTĐ - Khát khao làm lại cuộc đời đã đưa rất nhiều người dân ở đảo Hòn Cò (Vân Đồn - Quảng Ninh) cùng đi đến một quyết định: giũ bỏ quá khứ, đứng lên làm lại cuộc đời mình. Trong mênh mông sóng nước, trong sự khắc nghiệt của mưu sinh, những con người trở về từ ma túy tự tin nói rằng mình đã thoát khỏi quãng đời u tối.

Bến đỗ đời lầm lỗi

Mỗi người lầm lỡ có cách ăn năn hối lỗi của riêng mình. Người dân Hòn Cò cũng vậy, họ sống trên hòn đảo, tưởng như cuộc sống tách rời với thế giới bên ngoài, nhưng họ luôn muốn nỗ lực làm lụng để không những làm cho cuộc sống dần trở nên no ấm, mà họ còn tiếp tục “làm giàu con người”. Tức là sạch tệ nạn, sạch thói hư tật xấu đã làm hại đời mình. Hạnh phúc được nhen lên khi họ quyết tâm làm lại cuộc đời, và có con, có ước mơ. Thoạt nhìn, hẳn nhiều người không nhận ra đa số người lớn ở đảo đều là những người trở về từ cuộc đời lầm lạc bởi ma túy, bởi tù tội và không ít người trong số họ nhiễm HIV.

Khoảng chục năm về trước, Hòn Cò tưởng như là “điểm đến” của những con người dưới đáy xã hội, những tay giang hồ, trộm cắp “rửa tay gác kiếm”. Trai thì nghiện hút, gái thì cave. Kẻ nghiện hút tìm đến đây để cắt cơn, đoạn tuyệt ma túy, những cô gái làng chơi đến đây để trốn đời, để hối cải sau quãng thời gian buôn phấn bán son nhan sắc tàn phai. Hòn Cò còn thu nạp cả dân từng là đàn anh đàn chị xã hội, hay những người bị căn bệnh thế kỷ hoành hành muốn một chốn yên thân. Một nơi tưởng chỉ có nắng, gió và mênh mông biển nước, lúc này thật sự lại đủ bao dung để ôm chứa lấy biết bao phận người, từng phiêu bạt, quăng quật sống với các tệ nạn xã hội.

Vậy Hòn Cò có gì đặc biệt mà được nhiều người từng lầm lỡ lại tìm đến nơi đây? Không, Hòn Cò chẳng có gì, ngoài một phần điều kiện tự nhiên giúp bà con chăn nuôi cá lồng, khai thác và đánh bắt cá biển. Hơn thế một chút, Hòn Cò có điều kiện ở xa đất liền, xa các cạm bẫy. Nơi đây cũng giàu có nỗi buồn và sự vất vả, đủ để tạo cho mỗi con người một sự quyết tâm vượt thoát, để tránh xa búa rìu dư luận và những ánh mắt miệt thị ghẻ lạnh của người đời. Không ít những người từng trải ở đất liền khẳng định thế. Họ còn khẳng định, việc “quy tụ” nhau về đảo này sống và lập nghiệp là một việc làm đúng. Và chắc chắn, cũng chỉ những con người có cùng cảnh ngộ ấy mới có thể hiểu và thông cảm cho nhau, sống và giúp đỡ lẫn nhau. “Chứ người bình thường, họ chưa chắc hiểu chúng tôi, và nghĩ chúng tôi khó mà giũ bỏ quá khứ giang hồ được. Nhưng chúng tôi đã thay đổi thật sự rồi”, người đàn ông tên Năm tâm sự.

Gặp những người đã từng lầm lỡ, hỏi về quá khứ, nhiều người mở lòng kể lại và cũng cất lên tiếng nói chia sẻ của mình. Ông Trần Văn Kiếm và bà Nguyễn Thị Yên, cơn bão ma túy đã làm tan nát gia đình ông bà. Vốn là một cô giáo trường huyện, như bao người đàn bà khác, bà Yên yêu con hết mực nên khi biết con trai là Trần Văn Hưng cũng đã vướng vào ma túy, thấy mình chẳng còn nỗi đau nào hơn thế, đau đớn, đắn đo nhiều, ông bà quyết định đưa con… ra đảo Hòn Cò, làm một căn nhà nhỏ, bằng tre nứa, giúp con cai nghiện. Đã từng là người lính, ông Kiếm dặn vợ quyết tâm đưa con vào khuôn khổ, giúp con thoát được ma túy. Nhưng hạnh phúc đã chẳng mỉm cười khi Hưng đã mắc căn bệnh thế kỷ, xót xa nhân đôi vì vợ Hưng cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác ấy. Nước mắt của vợ chồng ông đã “chai” theo những lầm lạc của đứa con. Giờ ông bà chỉ có niềm vui an ủi và đặt hy vọng vào đứa cháu nội, may sao cháu Trần Huy Khánh không bị nhiễm HIV. 

Sau khi chồng trở về từ trại giam, chị Nguyễn Thị Năng đã quyết định đưa anh ra Hòn Cò sống và giúp anh làm lại cuộc đời, đến nay đã được gần 6 năm. Người đàn bà ngoài 40 tuổi gầy nhỏ, với làn da đã sạm vì nắng gió biển khơi. Nhìn chị, khó ai nghĩ rằng chị đã là bà chủ của một “cơ đồ tiền tỷ” nuôi trồng thủy sản. Nhớ về những ngày tháng cũ, nhiều người nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà bé nhỏ đã hơn chục năm ròng đắng lòng chịu đựng những “cơn khát thuốc” của chồng. Hai đứa con trai lần lượt sinh ra và lớn lên trong khi người chồng vẫn ngày ngày u mê với ma túy. Dấn thân vào vòng xoáy nghiện ngập mấy năm trời, anh Long bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Vợ con ở nhà rau cháo nuôi nhau, cuộc sống bần hàn, nhưng người vợ vẫn mong đợi ngày anh trở về, cùng nuôi dạy con cái. Chồng ra tù, hạnh phúc chưa kịp nhen lên thì hiểm họa lại rình rập khi chồng chị vẫn vướng vào ma túy. Chị Năng thương chồng, đã vận động chồng ra Hòn Cò lập nghiệp bằng nghề nuôi cấy tu hài. Chị kể, từ 2 triệu đồng trong tay, vợ chồng chị đã chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng vay được 100 triệu. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, tu hài bị mất mùa, vợ chồng chị lỗ gần hết số vốn đã bỏ ra. Nhẫn nại khởi nghiệp từ đầu và chịu khó học hỏi, đến vụ thứ 2 trở đi, vợ chồng Năng - Long đã thu hoạch được những vụ tu hài bội thu và có của ăn, của để. Có việc làm, anh cũng tránh xa ma túy.

Khát vọng vươn lên

“Tôi cũng mong mọi người hãy tránh xa ma túy, để hỏi phải chuốc lấy tai họa. Tôi từng biết nhiều hoàn cảnh khuynh gia bại sản vì ma túy. Nếu cứ chú tâm làm ăn lương thiện, họ đã rất giàu và sống hạnh phúc”, chị Năng chia sẻ với chúng tôi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc đưa những người nghiện ngập, lầm lỡ ra Hòn Cò là sự cố gắng của huyện Vân Đồn và Dự án Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV của tổ chức Sức khỏe - Gia đình thế giới (FHI). Bước đầu, mô hình đạt hiệu quả, bà con được hỗ trợ giống tu hài theo từng năm để chăn nuôi. Ngoài ra, dự án cũng thành lập CLB Vạn hoa trên “đảo hoàn lương”, do ông Hoàng Văn Liêm làm chủ nhiệm. Ban đầu, CLB hoạt động vô cùng khó khăn, bởi đa số các thành viên đều rất nghèo, không tiền bạc, nhà cửa, thậm chí không vợ con. Ông Liêm cho biết: “Xác định CLB Vạn Hoa là mái nhà chung của anh em ở giữa vùng biển mênh mông này, nên chúng tôi cùng bảo nhau khắc phục khó khăn. Hơn 20 hộ gia đình và một số người đơn thân ở đây từng có quá khứ đau buồn, khủng hoảng về tinh thần, làm sao để họ nguôi ngoai quá khứ, hướng về tương lai là điều chúng tôi hằng trăn trở…”

Hiện nay, đảo chưa có chợ, mà việc đưa hàng hóa ra vô cùng khó khăn. Các gia đình phải cử người thỉnh thoảng về đất liền mua lương thực, đồ dùng trong sinh hoạt. Khi chưa có tàu lớn về đất liền, họ phải mất chừng 2 giờ chèo mủng trên biển. Vất vả nhưng nhiều người thấy nguôi ngoai nỗi đau, tìm được niềm vui trong công việc của mình. Nhất là ở nơi hòn đảo xa xôi này, họ đã tìm ra cách nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế. Hàng tháng vẫn có những chuyến tàu từ đất liền ra thu mua. Thật đúng là biển cả bao la luôn rộng lòng bao dung đối với những đứa con khát khao hướng về nẻo thiện. Và thật mừng là cuộc sống của các gia đình giờ đây đã khá hơn mấy năm trước rất nhiều.