Hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản: Hiệu ứng domino

ANTĐ - 500 là con số doanh nghiệp (DN) đăng ký giải thể chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm tại TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu tính từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 50.000 DN làm ăn thua lỗ, phá sản - một con số đáng lo ngại. Nhưng chưa hết, thực tế số doanh nghiệp đang trong tình trạng ngắc ngoải “chết lâm sàng” còn rất nhiều  và dự báo con số này  còn tiếp tục khốc liệt trong thời gian tới. Vậy đằng sau sự thua lỗ, phá sản của hàng chục nghìn doanh nghiệp  này là gì?
Hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản: Hiệu ứng domino ảnh 1
Minh họa Internet

Phá sản hàng loạt

Doanh nghiệp phá sản tại hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng đột biến. Điều này khiến cho các chuyên gia lo ngại về sự khó khăn kéo dài của nền kinh tế. Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, trong hai tháng qua Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm thủ tục giải thể cho 169 DN, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. “Thông thường sau Tết rất ít khi DN xin giải thể, các năm trước rất hiếm, nay số liệu lớn như thế cho thấy tình hình các DN đặc biệt khó khăn”, ông Tứ nói. Tại TP HCM, số DN xin giải thể tính đến tháng 2 là 327 đơn vị. Như vậy tính riêng Hà Nội và TP HCM đã có khoảng 500 DN đăng ký giải thể trong hai tháng qua. Nhưng con số có thể lớn gấp nhiều lần. 

Nếu tính từ năm 2011 đến nay, thì con số DN giải thể lên tới 50.000. Đầu tiên là các DN nằm trong lĩnh vực xây dựng, khi hàng loạt dự án bị đắp chiếu, cắt giảm. Nó kéo theo các DN sản xuất vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng…) cũng bị đình trệ, rồi lan tỏa sang các lĩnh vực và mặt hàng khác. Do lạm phát tăng cao, từ đầu năm 2011, Chính phủ đã có chủ trương thắt chặt tín dụng. Hạn mức tín dụng cho phép trong năm 2011 tăng không quá 20%.  Nhiều DN mặc dù đã được các ngân hàng chấp thuận, phê duyệt cho vay vốn và đã được giải ngân một phần, đang thực hiện dở dang phải dừng lại do ngân hàng đã chạm ngưỡng hạn mức dẫn đến dự án bị ngưng trệ, đình đốn... Với những DN này, khi không thể tiếp tục vay vốn, dự án dở dang sẽ nằm bất động. Trang thiết bị, máy móc cũng trở thành sắt vụn.

Lãi suất quá cao, doanh nghiệp kiệt sức

Doanh nghiệp Việt Nam có đặc điểm là không có tiền, 80-90% vốn của doanh nghiệp là đi vay ngân hàng. Tuy nhiên trong thời gian qua, lãi suất mà các DN vay ngân hàng có thời điểm lên tới 24%. Nhiều DN cho rằng, với lãi suất như vậy thì tốt  nhất là không hoạt động, không kinh doanh, không đầu tư. 

Ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thạch Bàn cho rằng: Công ty chúng tôi gặp những khó khăn mà các DN khác gặp phải. Đầu năm 2011, chi phí đầu vào tăng cao. Chính sách thắt chặt tín dụng khiến các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn hoặc có tiếp cận được vốn thì với lãi suất rất cao, hiện công ty đang phải vay với lãi suất 23%/năm. Chúng tôi cũng không được vay tín chấp nữa mà tất cả là thế chấp. Trong khi đó, thị trường giảm sút khiến hàng hóa khó bán. Khi hàng loạt DN bị phá sản thì hệ thống ngân hàng luôn báo lãi với mức khổng lồ. 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Những DN khó khăn nhất và đang đình trệ và phá sản chủ yếu là DN dựa vào vốn ngân hàng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng với lãi suất cao như vừa qua DN làm ăn không có lãi, thậm chí lỗ. Lợi nhuận của các DN thường khoảng từ 10 - 15%, nếu DN hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận rơi hết vào ngân hàng. Tại cuộc họp báo mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng có thể đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 14,5-16,5% một năm nhưng mức này vẫn còn cao so với năng lực của DN Việt Nam. Không chỉ phải chịu một mức lãi suất ngất ngưởng, các DN Việt Nam còn phải chịu những thủ tục phiền hà, chi phí nhũng nhiễu cũng gần như nhất thế giới. DN mất nhiều cơ hội, thời cơ của mình.

Tại hội thảo “Ngân hàng - Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”, tổ chức tại TP HCM, Thạc sĩ Bùi Văn, chuyên gia kênh đầu tư tài chính (FBNC), cụ thể hóa thực trạng đó bằng 5 tình thế hiện nay là lạm phát, lãi suất cao nhất khu vực, chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường chứng khoán ảm đạm, trong khi các dự báo liên tục thay đổi. Gánh nặng này đang đè lên các DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ. Nhưng tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, việc phá sản DN nhỏ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng coi là chuyện bình thường. Như Nhật Bản có tới 70.000 DN phá sản mỗi năm, “đó là hệ quả của cạnh tranh...”. Tuy nhiên, nếu đào thải theo thị trường thì không có gì để nói, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp phá sản hiện nay thể hiện sự không công bằng khi khối DN Nhà nước được hưởng các khoản vay ưu đãi, làm ăn không hiệu quả vẫn tồn tại, trong khi DN ngoài Nhà nước lại không thể sống sót. 

Lãi suất là nguyên nhân rất quan trọng nhưng không phải hoàn toàn quyết định đến việc doanh nghiệp phá sản. Nó là cộng dồn của nhiều yếu tố như: khủng hoảng kinh tế thế giới, nội lực của các doanh nghiệp yếu và kém, chính sách quản lý không phù hợp… Nói như một chuyên gia kinh tế là do các doanh nghiệp thiếu nhiều thứ: Tiền, Tài (cầm trịch, điều hành doanh nghiệp), Thông tin (đầu ra – đầu vào của sản phẩm), Tình, Tín và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong tình trạng không có vốn, hoàn toàn đi vay. Quản lý doanh nghiệp yếu kém, chạy theo lợi ích trước mắt, ít quan tâm đến phát triển thị trường lâu dài. Năng lực cạnh tranh gần như không có. 

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng: Tình hình đang diễn ra rất không bình thường, số lượng DN phá sản quá lớn và đang tiếp tục gia tăng. Phải nói rằng đây là vấn đề lớn của đất nước, không những của doanh nghiệp, và của cả nền kinh tế. Hệ thống doanh nghiệp bị phá sản nhiều, vấn đề thu ngân sách gặp khó, ngân hàng gặp rủi ro, người lao động thất nghiệp - vấn đề an ninh, trật tự xã hội cũng bị ảnh hưởng… tất cả những hệ lụy đó sẽ tác động lên tiến trình phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp phá sản - Nhiều hệ lụy

Trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng khi DN lâm vào tình trạng này, những tác động mà nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. DN thì nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước, nợ ngân hàng... Chẳng hạn, khi Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải ngừng sản xuất thời gian qua, thì hơn 2.000 lao động hiện không có việc làm, phải nghỉ việc, bị nợ lương. Vạn Lợi hiện đang nợ tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, DN này đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 DN phá sản, giải thể. Năm 2011 đã lên tới 50.000 DN. Điều này cho thấy  tình hình “sức khỏe” của DN đang xấu đi, số phá sản giải thể vẫn tăng. Đây thực chất cũng có thể coi là sự thanh lọc nghiệt ngã sẽ diễn ra trên thương trường. Trong thời kỳ này, DN nào có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tại, dồn nguồn lực cho các DN có năng lực hơn. Tuy nhiên, nếu phá sản, vốn vay của ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi. Nhiều ngân hàng hiện nay không dám siết nợ doanh nghiệp. Đơn cử tại Hải Phòng, các doanh nghiệp thép đang nợ 4000 tỷ đồng nhưng ngân  hàng cũng không dám siết nợ vì nếu làm cũng không biết bán những dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu cho ai?  Những khoản nợ này sẽ phải chuyển thành nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu tăng sẽ liên quan đến an toàn của các ngân hàng và là kẻ thù của nền kinh tế.

 Trong cuộc họp Chính phủ, chiều 6-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải giảm ngay lãi suất vì đã có nhiều cơ sở để giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Điều đó cho thấy quyết tâm “cứu doanh  nghiệp” của Chính phủ đã rất rõ ràng và quyết liệt. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, lãi suất đã giảm nhưng vẫn cao, đặc biệt những yếu tố tác động khiến DN tiếp tục gặp khó và đình trệ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy mà số DN phải giải thể trong thời gian tới có thể sẽ còn tăng cao.