Hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động

ANTD.VN - Tính đến ngày 30/6/2024, hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động, chiếm 59% trong tổng số 58 triệu ví điện tử đã kích hoạt.

Theo dữ liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính tới tháng 6/2024, Việt Nam đã đạt 9,13 triệu tài khoản Mobile-Money, 11.885 điểm kinh doanh được thiết lập, 275.575 đơn vị chấp nhận thanh toán và 128 triệu giao dịch trị giá 4.782 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thanh toán qua QR Code tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán trong đó có tới 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tính đến ngày 30/6/2024, hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động (chiếm 59% trong tổng số 58 triệu ví điện tử đã kích hoạt).

Còn theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), thị trường thanh toán tại Việt Nam năm 2023 có số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch, với tổng giá trị lên tới hơn 66 triệu tỷ đồng.

Số lượng giao dịch qua QR Code đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng trưởng mạnh mẽ 170% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch qua QR Code đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2022.

Giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecom) đạt khoảng 210 triệu giao dịch, tăng trưởng 15% so với 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. 145,79 triệu thẻ đang lưu hành với tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2023 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với 2022.

Đối với hoạt động thanh toán thẻ, giá trị giao dịch rút tiền cao hơn so với giao dịch thanh toán, tuy nhiên mức độ chênh lệch đã giảm dần theo các năm gần đây và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2023. Doanh số thanh toán thẻ tăng qua các năm, tuy nhiên, giảm trong năm 2023.

Ví điện tử đóng góp lớn vào sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, đối với các quy định mới trong lĩnh vực trung gian thanh toán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024; Ngân hàng Nhà nước có các Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán, Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Thông tư 41/2024/TT-NHNN quy định về giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Các các văn bản quy phạm pháp luật này đã định nghĩa, phân loại lại dịch vụ trung gian thanh toán, tạo cơ chế cho việc cấp phép thêm các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Hiện Napas là tổ chức chuyển mạch thẻ duy nhất trên thị trường. Trước đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ đề nghị nên cho phép thêm đơn vị cung cấp dịch vụ này để tăng sức cạnh tranh, giảm phí cho người sử dụng. Với nền tảng công nghệ hiện tại, nhiều doanh nghiệp công nghệ có đủ sức tham gia dịch vụ này.

Hiện các quy định trong Nghị định 52 đã tạo cơ chế cho việc cấp phép thêm các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Theo đó, ngoài các điều kiện chung để thành lập trung gian thanh toán về vốn điều lệ, Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhân sự, giải pháp kỹ thuật… đơn vị muốn cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử phải đáp ứng một số quy định khác.