Hơn 3.000 túi thuốc điều trị sốt xuất huyết hết hạn, chờ tiêu hủy trong khi các bệnh viện đang thiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng số mắc thì tại một số cơ sở đã có tình trạng thiếu thuốc điều trị, song ngược lại ở một số cơ sở đang tồn hàng nghìn túi thuốc hết hạn…
Số mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh

Số mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành và các đơn vị cung ứng thuốc trên cả nước về việc cung ứng dịch truyền Dextran 40 trong điều trị sốc trên bệnh nhân SXH Dengue.

Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của một số bệnh viện và các Sở Y tế về việc khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốc trên bệnh nhân SXH Dengue nặng.

Bộ Y tế đánh giá, các loại thuốc điều trị SXH Dengue, dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốc SXH Dengue là Dextran 40 hoặc Dextran 70, hydroxyethyl starch (HES) 200.000 dalton đều rất ít nguồn cung do nhu cầu sử dụng ít. Hiện tại chưa có công ty nào có Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực đối với các thuốc này.

Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp này, một cơ sở nhập khẩu cho biết, số lượng thuốc thực tế mà cơ sở đã nhập là 9.000 túi (trên tổng số 50.000 túi được cấp phép vào Việt Nam). Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng lớn nhưng số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thực tế thấp hơn rất nhiều, thậm chí là không lấy hàng theo kế hoạch.

Đây là lý do dẫn đến số lượng thuốc còn tồn tại kho của công ty kể trên là 3.476 túi. Hiện nay toàn bộ số lượng thuốc tồn kho này đã hết hạn sử dụng và phải chờ hủy, điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị nhập khẩu.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, đơn vị cung ứng thuốc tiếp tục nhận được các đơn đặt hàng thuốc Dextran 40 từ các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng công ty lo ngại nếu tiếp tục nhập khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự nêu trên. Do đó, hiện nay các đơn vị cung ứng thuốc chưa có kế hoạch nhập khẩu tiếp.

Ngoài ra, mặt hàng này không sẵn nguồn nguyên liệu nên cần đặt hàng với nhà sản xuất trước ít nhất 6-9 tháng. Hàng có hạn sử dụng 18 tháng, các bệnh viện chỉ nhận hàng còn hạn dùng trên 3 tháng và điều này gây khó khăn cho đơn vị cung ứng thuốc, vì từ lúc đặt hàng nhà sản xuất đến khi hàng về đến Việt Nam hạn dùng còn nhiều nhất khoảng 15-16 tháng.

Hơn nữa, việc đấu thầu, mua sắm tại bệnh viện diễn ra từ 5 - 6 tháng dẫn đến tình trạng thuốc đã được nhập về kho của đơn vị cung ứng nhưng phải đợi bệnh viện làm thủ tục đấu thầu (sau khoảng 5 tháng) mới ký được hợp đồng. Như vậy, hạn dùng của thuốc còn khoảng 10 tháng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch SXH tăng cao trở lại dẫn đến nhu cầu sử dụng thuốc Dextran 40 tăng trong khi cơ sở nhập khẩu không cung cấp được do thuốc đã hết hạn từ 28/4/2022…

Trước thực trạng trên, để chủ động, kịp thời cung ứng dịch truyền Dextran 40 phục vụ điều trị, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hoặc chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm theo quy định để đảm bảo kịp thời cung ứng được dịch truyền Dextran cho nhu cầu điều trị.

Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo việc ký hợp đồng giữa các đơn vị cung ứng thuốc dịch truyền Dextran 40 với các cơ sở khám, chữa bệnh cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng và thời gian giao hàng cụ thể, đồng thời nêu rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Dextran sản xuất tại Việt Nam.