Hơn 3 năm được ưu đãi thuế, ô tô nội vẫn chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% từ tháng 11/2017 nhưng đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như chỉ mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi...

Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng

Về Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mới đây, Bộ Tài chính cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước phát triển trong những năm trở lại đây. Tính từ năm 2016 đến năm 2020, xe nhập khẩu đạt 557.000 xe và xe sản xuất lắp ráp trong nước là 1.346.703 xe. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ...

Hiện nay, trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (như Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino), đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ ngồi.

Tổng công suất lắp ráp xe thiết kế đến nay khoảng 755.000 chiếc mỗi năm, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài là 35%, trong nước là 65%.

Theo Bộ Tài chính, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thời gian qua cũng đã tạo ra các nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Số lượng các doanh nghiệp tham gia cung ứng linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước ngày càng tăng; ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Về Chương trình ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu khi đủ điều kiện (áp dụng từ tháng 11/2017 đến hết tháng 12/2022 theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện cả nước có 9 doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về quy mô, năng lực để tham gia chương trình.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong thời gian này, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2018 đạt 287.586 chiếc, năm 2019 đạt 339.151 chiếc, năm 2020 là 323.892 chiếc.

Bộ Tài chính đánh giá việc triển khai Chương trình về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng dây chuyển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để tận dụng ưu đãi thuế

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng dây chuyển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để tận dụng ưu đãi thuế

Chương trình đã giúp thu hút được các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư mở rộng sản xuất. Ví dụ như Công ty Ford đã tăng vốn đầu tư từ 102 triệu USD lên 184 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp; Công ty Honda và Công ty Mitsubishi cũng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới và được vận hành vào quý II.2020;

Công ty Thaco đầu tư nhà máy mới sản xuất xe ôtô cao cấp trị giá 4.000 tỉ đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới năm 2021; Công ty Thành Công đầu tư thêm một nhà máy tại Ninh Bình, công suất sản xuất 100.000 xe/năm;

Công ty Vinfast đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Hải Phòng, rộng 335 hecta với tổng vốn đầu tư đạt 3,5 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 3.600 lao động năm 2020.

Các doanh nghiệp cũng đã nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng sản xuất trong nước...

Chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Bộ Tài chính thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như chỉ mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Theo đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Cùng với đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ còn thấp.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô trong nước còn đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) và trong vòng 7 - 10 năm tới là các sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Bên cạnh đó, một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó khiến cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị dịnh 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP trong hơn 3 năm qua cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Chương trình những năm qua đã bộc lộ một số vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới.