Hơn 220.000 lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội trong quý I-2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 3/2021, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm qua.

Đáng lo ngại, trong quý I/2021, số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh. Cả nước có 226.503 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và tình hình kinh tế - xã hội.

Việc người lao động nhận do lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến 2020, lao động nghỉ việc chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng trung bình 9% mỗi năm. 97% trong số này là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội. Tình trạng xảy ra chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ, từ 26 đến 29 tuổi, ngoài khu vực nhà nước.

Luật hiện hành quy định tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.

Người lao động có yêu cầu sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; người mắc các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS...