Hơn 200 lao động Việt Nam ở Libya sẽ về nước trước ngày 2-8

ANTĐ - Trao đổi với báo chí chiều 30-7, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cùng ngày Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án bảo vệ an toàn cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Hiện tất cả lao động Việt Nam ở Libya vẫn an toàn nhưng nhiều người tâm lý lo lắng, muốn về nước.

Hơn 200 lao động Việt Nam ở Libya sẽ về nước trước ngày 2-8 ảnh 1
Đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước năm 2011 do chiến sự căng thẳng


- PV: Xin ông cho biết tình hình lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya trong bối cảnh chiến sự tại nước này đang leo thang, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Tripoli và Bengazi?

- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tháng 7-2012, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan đã đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp thí điểm đưa lao động trở lại Libya làm việc. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc phải có các điều khoản hợp đồng chặt chẽ hơn về lương bổng, đặc biệt là điều kiện đảm bảo an toàn lao động cũng như trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động trong trường hợp tình hình có diễn biến xấu.  

Đến tháng 7-2014, có tổng cộng 1.750 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, tất cả đều là nam giới và gần như toàn bộ làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Trong số này, khoảng hơn 200 lao động làm việc tại 2 thành phố đang có chiến sự leo thang là Tripoli và Bengazi. Còn lại hơn 1.500 lao động ở các địa phương khác không bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự, điều kiện lao động vẫn được đảm bảo tốt. Trước tình hình chiến sự ở Libya, một số nước có khuyến cáo công dân rời Libya, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các doanh nghiệp của họ đang làm ở Libya phải rút về nước. Có 206 lao động Việt Nam đang làm việc cho một nhà thầu xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya cũng được nhà thầu này đưa rời khỏi Libya bằng đường thủy về Thổ Nhĩ Kỳ. Đến sáng 30-7, có 79 lao động trong số này đã được đưa về đến Việt Nam an toàn. Số còn lại sẽ tiếp tục được tổ chức đưa về Việt Nam trước ngày 2-8 tới.

- Tâm lý của những lao động Việt Nam còn lại ở Libya hiện nay như thế nào. Bộ LĐ-TB&XH có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho họ?

- Từ khi chiến sự tại Libya diễn biến phức tạp, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya; các công ty đưa người lao động sang Libya làm việc cũng liên hệ chặt chẽ với các chủ sử dụng lao động tại Libya để nắm tình hình, từ các biến động chiến sự đến vấn đề đảm bảo an toàn cho lao động. Do lao động Việt Nam ở Libya làm việc khá tập trung nên việc giám sát, nắm tình hình, biến động trong người lao động khá thuận lợi. Hiện tất cả các lao động vẫn an toàn, điều kiện làm việc tốt, song có nhiều lao động tỏ ra khá hoang mang, lo lắng và mong muốn được đưa về nước.

Hiện ở các nơi chưa bị ảnh hưởng bởi chiến sự, các doanh nghiệp chưa muốn đưa lao động về nước. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động vẫn muốn về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng các doanh nghiệp sẽ xem xét, tổ chức đưa người lao động về nước an toàn. 

- Khá nhiều lao động Việt Nam vừa được các chủ sử dụng lao động Libya tuyển dụng, đã có visa và chuẩn bị được đưa sang Libya làm việc. Bộ LĐ-TB&XH giải quyết vấn đề này thế nào?

- Về vấn đề này, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Libya vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tạm thời dừng việc đưa lao động mới sang Libya làm việc.

Sẽ xem xét đền bù cho người lao động ở Libya về nước do khách quan

Về vấn đề đền bù, hỗ trợ cho những lao động ở Libya về nước do tình hình chiến sự leo thang, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, sẽ xem xét giải quyết vấn đề này theo đúng quy định và tùy từng trường hợp cụ thể. Theo quy định thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ tiền cho những lao động làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro như: tử nạn trong quá trình lao động, ốm đau phải về nước hay về nước trước thời hạn vì lý do khách quan. Việc hỗ trợ này cũng đã được quy định khá chặt trong hợp đồng giữa người lao động với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm hợp đồng.