Hơn 20 tỷ đồng tu bổ chùa Cầu Hội An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dự án tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) tại thành phố Hội An, Quảng Nam sẽ diễn ra từ năm 2021-2023 với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định giao cho TP.Hội An (Quảng Nam) làm chủ đầu tư, chọn đơn vị tư vấn lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu.

Chùa Cầu do người Nhật xây dựng vào thế kỷ XVII. Năm 1653, phần chùa được dựng thêm, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là chùa Cầu.

Sau nhiều lần được trùng tu, chùa Cầu mang các đặc trưng kiến trúc cổ của Hội An thế kỷ 18-19. Chùa Cầu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17/2/1990, đây cũng là cây cầu cổ duy nhất ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Theo dòng thời gian, tình trạng xuống cấp ở chùa Cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay, các hạng mục được làm từ gỗ xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ gấp.

Vì vậy, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.

Theo đó, nội dung tu bổ là chống đỡ, gia cố cấu kiện có nguy cơ bị phá hủy, tu bổ, gia cố hệ nền, móng, mố, trụ.

Chùa Cầu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17/2/1990
Chùa Cầu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17/2/1990

Cụ thể, phần móng sẽ chống đỡ tăng cường ổn định cho trụ, sau đó vệ sinh, nạo vét bùn, hữu cơ, tạp chất dưới chân mố trụ cầu.

Đồng thời đổ bê tông gia cố móng mố trụ cầu dày 1 m xung quanh móng, nhằm ổn định móng theo phương ngang, không tác động nguyên bản kết cấu, không ảnh hưởng đến dòng chảy và cảnh quan khi mực nước ở vị trí thấp nhất.

Ngoài ra, nền hai nhịp đầu cầu bảo tồn tối đa các viên đá cũ, bổ sung các viên đá tại các vị trí khiếm khuyết đã được trám vá bằng xi măng.

Hệ thống mái ngói sẽ được làm vệ sinh, phân loại và tái sử dụng tối đa, thay thế khoảng 30% ngói đã bị sứt vỡ, mục hỏng.

Đặc biệt, toàn bộ công trình chùa Cầu sẽ được chống mối bằng phương pháp đào hào xung quanh bên ngoài di tích, xử lý phun thuốc mối quanh hào; xử lý phun thuốc mối tại vị trí lát cải tạo nền…