Hơn 100 ngày đêm lập án, nhổ ổ nhóm cho vay nặng lãi ven sông Đuống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dưới sự giật dây, điều hành ẩn mặt của một kẻ từng thụ án tù về tội Cố ý gây thương tích, nhóm gần 10 đối tượng cư trú ở một số xã ven sông Đuống, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã hình thành ổ nhóm chuyên cho vay lãi nặng, đòi nợ và khủng bố tinh thần của người vay tiền.
Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Sau hơn 4 tháng xác lập chuyên án đấu tranh, CAH Gia Lâm cùng với sự hỗ trợ của đội Đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội), đã bóc gỡ toàn bộ ổ tội phạm này cùng số tiền liên quan đến hoạt động phi pháp lên đến hàng tỷ đồng.

“Ông trùm” và những “chân rết”

Sáng 18-9-2021, gần 100 cán bộ chiến sỹ của 2 đơn vị nói trên đã chia làm nhiều tổ công tác, đồng loạt triển khai biện pháp tố tụng đối với 7 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm có dấu hiệu cho vay nặng lãi, hủy hoại tài sản và cưỡng đoạt tài sản.

Lê Xuân Chiên (SN 1989, có 1 tiền án về tội Cố ý gây thương tích; trú tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu) cùng 5 đàn em bị khống chế gọn ghẽ trong buổi sáng cuối tuần hôm đó, gồm: Lê Anh Việt (SN 1997), Phạm Văn Thắng (SN 1990), Nguyễn Viết Lãm (SN 1996), Nguyễn Minh Vương (SN 1995) cùng trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, và Bùi Xuân Trưởng (SN 2000, trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Một đối tượng khác đã được cơ quan công an xác định rõ vai trò, hành vi vi phạm pháp luật, nhưng đã trốn khỏi nơi cư trú.

Xã Yên Viên buổi sáng cuối tuần hôm đó, diễn biến quá trình bắt giữ các đối tượng hết sức khẩn trương, căng thẳng, song đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ cho dù súng tự chế và nhiều hung khí của ổ nhóm này đã được cơ quan công an thu giữ. Còn với người dân trên địa bàn, họ như trút được gánh nặng. Hoạt động phạm tội của ổ nhóm Lê Xuân Chiên phức tạp, nhức nhối ra sao, không nhiều người hình dung hết. Nhưng chỉ riêng tên của kẻ cầm đầu thì lâu nay, bản tính côn đồ, hung hăng đủ khiến nhiều người ái ngại. Không nghề nghiệp, lại từng đi tù, ở nơi cư trú Chiên thường kết giao với đám bạn bất hảo. Dù nhà cửa không quá “hoành tráng”, nhưng gã lắp đặt tới 2 camera bao quát toàn bộ ngõ, lối ra vào.

Cho vay nặng lãi lâu nay luôn được xác định thuộc dạng án khó. Chuyên án liên quan đến ổ nhóm Lê Xuân Chiên “hội” đủ sự khó này, và thêm yếu tố nữa, đó là thời điểm xây dựng chuyên án đúng vào lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hoạt động cho vay và đòi nợ của băng nhóm Lê Xuân Chiên có thu hẹp hơn, và cũng đầy đối phó hơn. Đây cũng là thời điểm mà sức ép lên “con nợ” nhiều hơn, do các bên đều… bí bách về tiền.

Dĩ nhiên, những kẻ có lối sống bất minh, quan hệ phức tạp như Lê Xuân Chiên không thể thoát khỏi tầm ngắm của lực lượng công an. “Đầu năm 2021, tài liệu trinh sát thu thập được nhiều thông tin về hoạt động liên quan đến việc cho vay nặng lãi của Lê Xuân Chiên. Chỉ trực tiếp ra mặt giao dịch với những “đơn hàng” lớn, còn lại, Chiên điều hành đám đàn em, phân vai rõ ràng thành các “tổ” chuyên cho vay, chuyên đòi nợ, hoạt động độc lập và có “lương cơ bản” từ 8-10 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng nóng trong những phi vụ đòi tiền lãi hiệu quả” - chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự - CAH Gia Lâm chia sẻ.

Một chiếc xe máy bị đàn em của Lê Xuân Chiên ném chất bẩn

Một chiếc xe máy bị đàn em của Lê Xuân Chiên ném chất bẩn

Xã Yên Viên giáp ranh nhiều địa bàn có sự phát triển kinh tế, đô thị mạnh ở Gia Lâm, như Yên Thường, Đình Xuyên, đặc biệt là khu Ninh Hiệp. Và nhóm Lê Xuân Chiên đã chọn vùng này làm trọng điểm cho vay tiền, với khách hàng nhắm đến là những người có điều kiện, gia đình khá giả, doanh nghiệp tư nhân cần huy động vốn làm ăn. Nguồn tin cho biết, trước khi tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi (từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 180%/ năm) “ông trùm” đã thế chấp giấy tờ nhà để lấy vốn làm ăn. Có thừa sự lọc lõi, thậm chí “rút kinh nghiệm” từ những ổ nhóm cho vay lãi từng bị cơ quan công an bóc gỡ, Lê Xuân Chiên rất ít khi trực tiếp ra mặt, giao dịch với khách hàng. Với gần 10 đàn em, Chiên phân công, đạo diễn để chúng gây sức ép với con nợ như nhắn tin, gọi điện, ném chất bẩn, ghép ảnh gắn trên nóc quan tài.

Sau mỗi phi vụ gọi điện, nhắn tin, Chiên chỉ đạo đàn em hủy ngay “sim rác” nhằm xóa bỏ dấu vết, chứng cứ phạm tội. Một vài lần bị cơ quan công an mời đến làm việc để giải trình dấu hiệu liên quan đến các vụ ném chất bẩn, đòi tiền, Lê Xuân Chiên lại được cho về… Những tính toán đối phó, cùng việc được cho về đó, càng khiến “ông trùm” tỏ ra tự tin. Song, Chiên không biết rằng, triệt phá toàn bộ ổ nhóm của gã, đã và đang là quyết tâm lớn của lực lượng Cảnh sát hình sự.

Cơ quan điều tra đấu tranh với đối tượng Lê Xuân Chiên

Cơ quan điều tra đấu tranh với đối tượng Lê Xuân Chiên

Lời cảnh tỉnh từ… những con thiêu thân

Cho vay nặng lãi lâu nay luôn được xác định thuộc dạng án khó. Thứ nhất, CQĐT phải thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc vay và cho vay có dấu hiệu của tội phạm cho vay nặng lãi. Điều này vốn không đơn giản, khi mà về mặt hình thức, giấy tờ, đối tượng cho vay tiền không mấy khi “lòi đuôi”. Thứ hai, không nhiều người vay tiền phản ánh, tố cáo đến CQĐT về đối tượng cho vay nặng lãi, trừ khi họ bị chủ nợ dồn đến đường cùng. Chuyên án liên quan đến ổ nhóm Lê Xuân Chiên “hội” đủ sự khó này, và thêm yếu tố nữa, đó là thời điểm xây dựng chuyên án đúng vào lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hoạt động cho vay và đòi nợ của băng nhóm Lê Xuân Chiên có thu hẹp hơn, và cũng đầy đối phó hơn. Đây cũng là thời điểm mà sức ép lên “con nợ” nhiều hơn, do các bên đều… bí bách về tiền.

Chị L.T.D (trú ở quận Long Biên) là một trong những “con nợ” đầu tiên phải đâm đơn kêu cứu CAH Gia Lâm vì không chịu được sức ép của “ông trùm” Lê Xuân Chiên. Khoảng tháng 11-2020, D đã 6 lần vay của Chiên với số tiền 500 triệu đồng. Nhưng thực chất, D chỉ nhận được 443 triệu đồng, số tiền còn lại Chiên tự cắt lãi. Khoản tiền lớn so với thu nhập ấy được D đầu tư chơi Bicoin và thua sạch. Do không trả được nợ nên tháng 1-2021, bác họ của D là bà N.Đ (SN 1955, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) buộc phải đứng ra trả hết tiền và yêu cầu Chiên không cho chị D vay nữa.

Tuy nhiên, tháng 7-2021, chị D tiếp tục hỏi vay Chiên 500 triệu đồng. Không bỏ qua con mồi béo bở, Chiên giao Lê Anh Việt (SN 1997, trú ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) chuyển 345 triệu đồng cho chị D vay dưới hình thức “bốc bát họ”, giữ lại 155 triệu đồng tiền lãi và “tiền giấy mực”, đồng thời giao ước hẹn chị D trong vòng 50 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, đến ngày phải thanh toán, chị D đã... bỏ trốn. Nhóm chủ nợ dùng “sim rác” liên tục nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần người thân của chị D để đòi tiền. Để tăng áp lực, các đối tượng nhiều lần ném chất bẩn gồm hỗn hợp dầu luyn, mắm tôm trộn sơn vào nhà người thân của D. Trước hành vi manh động của các đối tượng, người nhà chị D đã trình báo cơ quan công an.

Ngay khi tiếp nhận tin báo vụ việc, CAH Gia Lâm và Phòng Cảnh sát hình sự đã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh. Đây cũng là thời điểm mà cơ quan công an đã thu thập nhiều tài liệu về hoạt động bất minh của ổ nhóm do Lê Xuân Chiên cầm đầu. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập, CAH Gia Lâm cùng Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai biện pháp tố tụng đối với ổ nhóm của “ông trùm” như đã nói trên. Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ 1 khẩu súng tự chế, 2 tuýp gắn dao, 1 bình xịt hơi cay.

Hiện tại, CQĐT đang củng cố hồ sơ, điều tra mở rộng vụ án theo 3 nhóm tội danh: Cho vay nặng lãi; Hủy hoại tài sản; Cưỡng đoạt tài sản. Đáng chú ý, CQĐT xác định số tiền lên đến nhiều tỷ đồng liên quan đến ổ nhóm của Lê Xuân Chiên, trong đó có trường hợp vay số tiền 1,9 tỷ đồng nhưng mới trả được được 100 triệu đồng rồi phải… bỏ trốn vì không có khả năng chi trả. Hậu quả để lại là người nhà bị lĩnh đủ, từ hỗn hợp sơn trộn phân, mắm tôm, đến ảnh ghép quan tài. “Hãy xác định rõ mục đích vay, khả năng chi trả, tình huống xấu nhất liên quan đến bản thân và người thân. Và luôn cần nhớ, phần thiệt thòi, mất mát nhất luôn thuộc về mình” - điều tra viên CAH Gia Lâm khuyến cáo.