Hơn 1.000 y bác sĩ đang trong vùng bị phong tỏa: Sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Khi virus SARS-CoV-2 tấn công và làm bùng phát ổ dịch trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và sau đó là Bệnh viện K, đã xuất hiện không ít ý kiến nhanh chóng đổ lỗi, gán tội cho các cán bộ, nhân viên y tế và các bệnh viện, trong khi quên rằng điều cần thiết lúc này là sự động viên, kiên cường đồng lòng vượt qua “cơn bão” Covid-19 ở chính những nơi được coi là tuyến đầu, thành trì chống dịch, để giữ vững thành quả chống dịch bấy lâu nay.
Một tấm lòng sẻ chia, động viên với Bệnh viện K đang bị phong tỏa

Một tấm lòng sẻ chia, động viên với Bệnh viện K đang bị phong tỏa

Có một thực tế là lúc này hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện bị phong tỏa không có thời gian bận tâm đến những lời khen chê. Họ đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, nỗ lực để cùng đẩy lùi dịch bệnh. Hơn ai hết, họ hiểu rằng không được phép gục ngã bởi bệnh viện chính là thành trì cuối cùng trong cuộc chiến này...

“Hãy phòng dịch thật tốt, đừng lo cho chúng tôi”

“Đúng tối Ngày Quốc tế lao động 1-5, khi cả nhà đang ăn cơm tối thì vợ tôi nhận được tin nhắn triệu tập từ bệnh viện, yêu cầu toàn bộ nhân viên phải có mặt trước 21h. Bệnh viện sẽ tiến hành phong tỏa vì có ca mắc Covid-19. Vợ tôi là điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và không có lịch trực vào ngày hôm đó. Cả nhà lập tức dừng bữa cơm, cả tôi và cô ấy đều hiểu khi bệnh viện phải phong tỏa thì lần này vào viện phải ở lại ít nhất nửa tháng. Nhưng cũng không có thời gian để buồn, không có thời gian để suy nghĩ, chúng tôi cần nhanh chóng thu xếp để vào viện cho kịp giờ. Khó khăn nhất là nói thế nào để 2 đứa nhỏ không òa khóc” - anh Nguyễn Duy Hùng ở Mê Linh, Hà Nội nhớ lại.

24h ngày 1-5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên là bệnh viện đầu tiên ở phía Bắc phải phong tỏa trong đợt dịch Covid-19 này. Sửng sốt hơn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) bất ngờ thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân vào sáng 5-5 và chỉ ít giờ sau đó thì tiến hành cách ly y tế toàn bộ.

Đây là thông tin gây “sốc” bởi bệnh viện này là tuyến đầu điều trị Covid-19 trong cả nước, nơi tiếp nhận điều trị số lượng bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất, số ca nặng nhiều nhất từ khi dịch bùng phát. Ban đầu, khi lệnh phong tỏa được đưa ra, mới chỉ có thông tin 1 nhân viên của bệnh viện có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi 1 bác sĩ khác có kết quả dương tính trong chuyến công tác sang Lào.

Đến chiều cùng ngày, số ca dương tính tại bệnh viện được công bố đã lên tới 14 trường hợp và tiếp tục tăng lên hơn 20 trường hợp vào ngày hôm sau. Đa phần họ là bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại viện. Đặc biệt, đến ngày 7-5 đã ghi nhận hàng chục ca Covid-19 ở hơn 10 tỉnh/thành và đều có liên quan đến người trở về từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Hiện trong khuôn viên bị cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) có khoảng 830 người gồm bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ, bệnh nhân, người nhà, trong đó có 101 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Do thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên khối lượng công việc mà các nhân viên, y bác sĩ trong vùng phong tỏa phải thực hiện tăng hơn nhiều lần. Chỉ riêng việc phục vụ hàng nghìn suất ăn/bữa cho ngần ấy con người đã thực sự quá tải. Dù vậy, khi được hỏi, đa số y bác sĩ của bệnh viện này đều tỏ ra lạc quan. “Chúng tôi đã quen rồi! Năm ngoái đã nhiều đợt phải ở hàng tháng trong bệnh viện, chúng tôi tổ chức chia suất ăn tại khoa, đồ dùng y bác sĩ cũng đã chuẩn bị sẵn… Đợt này cách ly có đông hơn vì có thêm khối hành chính, nhưng mọi người bên ngoài hãy chú ý phòng dịch thật tốt và đừng lo cho chúng tôi” - một nữ bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết.

Với Bệnh viện K, quyết định phong tỏa vào sáng sớm ngày 7-5 được cho là khó khăn hơn nhiều. Đầu tiên, số bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân ở đây rất lớn. Ước tính ban đầu có khoảng 4.000 người sẽ bị tạm phong tỏa tại các cơ sở của bệnh viện. Mặt khác, bệnh nhân điều trị tại Viện K đa phần là ung thư, những người có bệnh lý nền rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại bệnh viện này tăng nhanh chóng lên hơn 10 ca mắc chỉ trong 1 ngày…

Y, bác sĩ bên trong khu vực phong tỏa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đón nhận đồ tiếp tế

Y, bác sĩ bên trong khu vực phong tỏa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đón nhận đồ tiếp tế

Quyết bảo vệ phòng tuyến cuối cùng chống dịch

Có thể thấy, ở đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam đang xảy ra, mức độ nguy hiểm và phức tạp lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch từng ghi nhận trước đó. Tính đến chiều 7-5, đã có 9 bệnh viện phải phong tỏa hoặc cách ly toàn bộ, tạm dừng tiếp nhận người bệnh, gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; Bệnh viện Quân y 105; Bệnh viện K; Bệnh viện Đa khoa Medlatec (cơ sở Nghĩa Dũng); Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An); Bệnh viện Phổi Lạng Sơn; Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng); Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Con số này có thể tiếp tục gia tăng bởi dịch không loại trừ bất cứ cơ sở y tế nào, thậm chí không quá lời nếu so sánh sức tấn công và độ nguy hiểm của dịch bệnh lúc này không kém gì một cuộc chiến tranh… “Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ phải đóng cửa. Thế nhưng trong chống dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã có giai đoạn phải phong tỏa. Điều đó nói lên mức độ khốc liệt của cuộc chiến với kẻ thù vô hình này” - GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từng chia sẻ.

“Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ phải đóng cửa. Thế nhưng trong chống dịch Covid-19, chúng tôi đã có giai đoạn phải chấp nhận phong tỏa. Điều đó nói lên mức độ khốc liệt của cuộc chiến với kẻ thù vô hình này”.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Khắp mạng xã hội mấy ngày nay lan truyền mạnh mẽ thông điệp “Đồng hành cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiến thắng Covid-19”. Hàng nghìn người sử dụng facebook đã thay khung ảnh đại diện, truyền cảm hứng lan tỏa sự đồng lòng quyết tâm cùng bệnh viện tuyến đầu chống dịch vượt qua giai đoạn khó khăn. Không riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bệnh viện khác cũng đang rất cần sự động viên, chia sẻ từ cộng đồng như vậy, để tiếp thêm sức mạnh cho họ. Bảo vệ các bệnh viện cũng chính là bảo vệ cho cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Nói về việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là thành trì y tế khu vực phía Bắc về điều trị Covid-19, không chỉ điều trị tại bệnh viện mà còn tăng cường hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh. Vì thế, trước việc xuất hiện các ca mắc Covid-19, Bộ Y tế mong muốn toàn lực lượng của bệnh viện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác chuyên môn, động viên cán bộ tiếp tục chiến đấu. Đề nghị các y bác sỹ thực hiện nghiêm chỉ đạo, vững lòng tin, sẵn sàng chiến thắng dịch bệnh. Bộ Y tế quyết tâm bảo vệ phòng tuyến cuối cùng trong công tác chống dịch”.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 7-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã ghi nhận, biểu dương tinh thần phòng chống dịch bệnh của lực lượng nơi tuyến đầu. Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn lực lượng cán bộ, y bác sĩ vững tâm, tiếp tục đoàn kết, đồng sức đồng lòng, vượt qua giai đoạn khó khăn này, luôn luôn đi đầu toàn quốc trong công tác phòng chống dịch bệnh, chiến đấu và chiến thắng dịch Covid-19.

“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là thành trì y tế của khu vực phía Bắc về điều trị Covid-19, không chỉ điều trị tại bệnh viện mà còn tăng cường hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh. Vì thế, trước việc xuất hiện các ca mắc Covid-19, Bộ Y tế mong muốn toàn lực lượng của bệnh viện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác chuyên môn, động viên cán bộ tiếp tục chiến đấu. Đề nghị các y bác sỹ thực hiện nghiêm chỉ đạo, vững lòng tin, sẵn sàng chiến thắng dịch bệnh. Bộ Y tế quyết tâm bảo vệ phòng tuyến cuối cùng trong công tác chống dịch”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tin cùng chuyên mục