Người nước ngoài lưu trú trong nhà dân

Homestay - Cần có quy định rõ ràng

(ANTĐ) - Homestay là một hình thức không còn xa lạ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Người nước ngoài đến homestay tại Việt Nam ngoài các du khách còn có tình nguyện viên (TNV) và những người đến Việt Nam công tác, làm việc. Sự giao lưu giữa các nền văn hóa là cần thiết nhưng cũng cần có quy định rõ ràng với những người nước ngoài khi đến homestay tại Việt Nam.
Homestay - Cần có quy định rõ ràng ảnh 1
Homestay được hiểu nôm na là người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm các hoạt động tình nguyện hay công tác được một số gia đình Việt Nam đón về sinh hoạt cùng. Việc làm này không mới, cách đây hơn 10 năm Hà Nội là thành phố đầu tiên được Ban Bí thư cho phép đón khách quốc tế đến homestay. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội thực hiện và được bạn bè quốc tế đánh giá tốt. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khi nhiều tổ chức tình nguyện hay thậm chí kể cả cơ quan Nhà nước đưa người nước ngoài vào làm việc muốn được homestay thì cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Trong khi đó xung quanh các câu chuyện về homestay trên các diễn đàn cũng có nhiều điều cần phải suy nghĩ. Sự không thống nhất về quy định dẫn đến việc có nơi cơ quan công an đồng ý cho người nước ngoài homestay nhưng cũng có nơi không đồng ý, bắt buộc phải lưu trú tại khách sạn. Gia đình chị Nguyễn Kim Oanh - quận Ba Đình đã từng dở khóc dở cười khi đồng ý cho một người nước ngoài sang làm việc 6 tháng tại một cơ quan Nhà nước ở tại nhà mình. Sau 2 ngày ở gia đình, bọn trẻ trong gia đình chị rất quý người nước ngoài này và chị mang hộ chiếu, giấy mời sang làm việc của cơ quan chủ quản đi đăng ký tạm trú nhưng đã không được. Chị cũng thừa nhận mình không tìm hiểu kỹ quy định về vấn đề này và đã phải trả người nước ngoài đó về nhà hát để tìm gia đình homestay khác. Theo Đại tá An Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định của Nhà nước, người nước ngoài vào Việt Nam, làm việc du lịch mà ở tại nhà dân thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Thứ nhất phải có quan hệ nhân thân với gia đình, là vợ hoặc chồng, con cái, cha mẹ. Thứ hai là người cho thuê nhà. Đối với người cho thuê nhà thì phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với cơ quan Nhà nước, như thuế, khai báo tạm trú như với khách nghỉ lại. Còn đối với các hình thức khác, người nước ngoài muốn đến ở trong các gia đình Việt Nam phải thông qua các tổ chức, có sự bảo lãnh và quản lý của cơ quan Nhà nước. Nếu là các tổ chức tình nguyện thì phải thông qua các tổ chức xã hội như Hội chữ thập đỏ từ cấp thành phố đến quận huyện và phải có sự phối hợp với các cơ quan công an để quản lý nhân thân. Tất cả các trường hợp khác không thông qua các cơ quan Nhà nước mà cho người nước ngoài đến ở tại gia đình dù có giấy tờ và khai báo tạm trú tạm vắng đều không được phép và bị coi là vi phạm pháp luật. Tất cả các trường hợp homestay tại Hà Nội đều phải có sự bảo lãnh của các cơ quan có thẩm quyền, làm thủ tục với cơ quan công an chứ không thể tùy tiện nhập cảnh và đến bất cứ gia đình nào rồi đăng ký tạm trú như người dân với cảnh sát khu vực. Đây cũng là điều dễ hiểu vì người nước ngoài khi vào Việt Nam phải chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, mở rộng quan hệ quốc tế khiến nhiều người nước ngoài thông qua các tổ chức tình nguyện trong nước và quốc tế đến Việt Nam và được các gia đình Việt Nam đón về nhà với mục đích hai bên cùng có lợi. Gia đình Việt Nam nếu có trẻ nhỏ sẽ được rèn luyện thêm ngoại ngữ còn người nước ngoài có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, đất nước con người Việt Nam. Theo bà Vũ Thị Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội thì homestay là hoạt động hiệu quả để quảng bá văn hóa Việt Nam gia đình truyền thống Việt Nam nên đã được bạn bè yêu mến và đã lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Liên hiệp có một câu lạc bộ homestay và thường đón những đoàn là thành viên nằm trong tổ chức hữu nghị chứ không đón Tây ba lô hoặc những đoàn không nằm trong tổ chức. Tổ chức lớn nhất và đến thường xuyên nhất là Câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị có trụ sở chính ở Mỹ nhưng có chi nhánh trên toàn thế giới. Vì thế khách đến có thể là Mỹ, Nhật, Australia và nhiều quốc tịch khác. Khi họ vào VN là có giấy phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Liên hiệp đón và chúng tôi lại phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố như công an để bảo đảm an ninh trật tự. Loại hình này bạn bè các nước rất thích vì nếu đến Việt Nam chỉ ở khách sạn thì không hiểu được gia đình truyền thống Việt Nam với những nét văn hóa. Thông qua việc ở nhà dân bạn bè quốc tế đã thay đổi quan điểm về Việt Nam và yêu Việt Nam hơn. Có người sang nhưng cũng có người sang vài lần và còn giới thiệu cho người thân của họ sang nữa.
 Luôn phối hợp với cơ quan công an
Là một tổ chức chính trị xã hội, khi có người nước ngoài sang homestay tại Hà Nội chúng tôi đều quản lý được khách vì có chương trình, thường chỉ đón từ 3-7 ngày và được lên kế hoạch từ rất lâu, hôm nay đi đâu, làm việc gì ai là người tiếp đón, dẫn đoàn đều rất cụ thể và chu đáo cho nên hầu như không có đáng tiếc xảy ra.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình chính trị ở các nước khiến chúng ta cũng cần cảnh giác. Các tổ chức tình nguyện nếu muốn đưa người vào hoạt động homestay thì phải có sự chọn lọc, bảo lãnh của các cơ quan Nhà nước thì yên tâm hơn. Còn nếu đi theo con đường không kiểm soát được mà lại không phối hợp với chính quyền thì có lẽ cũng phải lo lắng họ vào đây với mục đích gì ngoài thăm quan, tìm hiểu văn hóa. Còn nếu đi theo tổ chức thì bao giờ cũng rất an toàn và hiệu quả. Hiệu quả nhất là các bạn được ăn, được ngủ nghỉ, được hòa nhập với cộng đồng với không khí gia đình Việt Nam, được đi chơi với các gia đình Việt Nam. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội bao giờ cũng cho đi chơi những nơi danh lam thắng cảnh ở Hà Nội hay các di tích được thế giới công nhận như thế họ hiểu rất nhanh. Liên hiệp làm đối ngoại nhân dân nên để nhân dân với nhân dân hiểu nhau, từ đó có sự đồng cảm chia sẻ ủng hộ Việt Nam trong quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Homestay - Cần có quy định rõ ràng ảnh 2
Bà Vũ Thị Hải
(Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội)

Cần sự giúp đỡ của các gia đình Việt Nam
Tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Hà Nội nên thường xuyên làm cầu nối cho các bạn tình nguyện viên đến làm việc tại Việt Nam sống trong các gia đình người Việt. Vì thời gian các TNV ở lại Việt Nam khá lâu, kinh phí hỗ trợ cho mỗi gia đình ít nên chúng tôi thường không quay lại những gia đình đã đến. Vì vậy để giúp đỡ được TNV, chúng tôi cần rất nhiều gia đình đồng ý cho người nước ngoài homestay. Tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi nên chúng tôi thường nhờ những gia đình quen biết với các thành viên trong tổ chức.
 Có một lần, đăng thông tin lên diễn đàn, nhiều gia đình đồng ý nhận nhưng khi TNV đến sống tại gia đình thì không hiểu vì lý do gì mà sau 2 ngày, gia đình trả TNV về cho tổ chức. Lãnh đạo của cơ quan đã không hài lòng về việc này vì nó làm mất đi hình ảnh thân thiện của Việt Nam và ảnh hưởng đến tư tưởng của TNV khi sang Việt Nam làm việc. Đó chỉ là một trường hợp cá biệt còn nói chung TNV nước ngoài khi đến Việt Nam đều hòa nhập nhanh, nên sống trong các gia đình không gặp nhiều khó khăn mặc dù khác xa nhau về văn hóa, phong tục tập quán. 

Homestay - Cần có quy định rõ ràng ảnh 3
Anh Nguyễn Hùng Cường
(Nhân viên Tổ chức Phi Chính phủ NCC Mỹ tại Việt Nam)

Được giao lưu giữa các nền văn hóa
Được đón những người khách nước ngoài đến sinh hoạt chung với gia đình là một điều khá thú vị. Sự trao đổi giữa hai nền văn hóa khác nhau khiến hình ảnh Việt Nam được bạn bè biết đến, đặc biệt là sự thân thiện. Có những người sang đây làm việc ở nhà tôi trong thời gian dài, nói chung cũng không có nhiều bất tiện ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ. Song đã là gia đình đồng ý cho người nước ngoài homestay thì mình cũng phải chấp nhận, dung hòa cách ứng xử văn hóa giữa 2 quốc gia khác nhau. Nhưng trước đó, chúng tôi cũng phải tìm hiểu thông tin và phải thông qua sự giới thiệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới dám cho người nước ngoài vào gia đình mình. Vì thực tế cũng đã có trường hợp tự phát và không được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Tôi nghĩ quản lý chặt về mặt hành chính với người nước ngoài cũng không có vấn đề gì nhưng cần tuyên truyền cho người dân biết thủ tục quy định để người dân thực hiện theo.

Homestay - Cần có quy định rõ ràng ảnh 4
Chị Hoàng Bích Điệp (Quận Đống Đa, Hà Nội)