Hôm nay, khai mạc Kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV

ANTD.VN - Hôm nay, 20-10, tại Hà Nội, kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc.

Hôm nay, khai mạc Kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội

Dự kiến, tại phiên khai mạc sáng 20-10 (được truyền hình, phát thanh trực tiếp), sau khi làm lễ chào cờ và nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. 

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017...

Kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài trong 26 ngày làm việc, bế mạc vào 23-11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết và bàn bạc, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động thảo luận tại hội trường, nhất là tăng tính tranh luận tại các phiên họp. 

Đổi mới việc tranh luận trên nghị trường Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho tranh luận về các báo cáo kinh tế. Đồng thời, các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình bày các dự án luật sẽ tranh luận trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau; trong quá trình thảo luận, các đại biểu muốn tranh luận với các đại biểu khác hoặc với các Bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể đăng ký phát biểu, để quá trình thảo luận tại Hội trường đạt kết quả cao hơn. 

Trong quá trình chất vấn, trao đổi tại nghị trường, nếu còn nhiều câu hỏi vào cuối buổi chiều thì phiên chất vấn sẽ kéo dài thêm, nếu vào buổi trưa thì cho tất cả các đại biểu Quốc hội hỏi hết, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ trả lời, nếu chưa trả lời hết thì sẽ trả lời đầy đủ bằng văn bản sau, do còn phải chuẩn bị cho nội dung làm việc buổi chiều của Quốc hội.