Hồi ức những ngôi nhà thân yêu làm trụ sở tòa soạn An ninh Thủ đô - một “đơn vị chiến đấu đặc biệt”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ căn phòng rộng chỉ chừng 10m2 vào những ngày đầu mới thành lập, Báo An ninh Thủ đô đã trải qua 5 lần chuyển trụ sở tòa soạn và hiện giờ đang tọa lạc tại ngôi biệt thự ở địa chỉ số 82 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc CATP Hà Nội đã từng nói, trên đất nước này chỉ có 2 tờ báo được nằm dưới bóng đa cổ thụ là Báo Nhân dân và Báo An ninh Thủ đô. Nhân kỷ niệm 45 năm Báo An ninh Thủ đô xuất bản số đầu tiên (15-8-1976/ 15-8-2021), chúng tôi đã tìm gặp Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô để nghe ông kể lại những kỷ niệm khó quên về những ngôi nhà đã từng nuôi dưỡng biết bao thế hệ những người làm Báo An ninh Thủ đô từ những ngày đầu ấy!
Thủ tướng Phạm Hùng, luôn dành tình cảm và sự quan tâm tới Báo An ninh Thủ đô từ khi còn là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Thủ tướng Phạm Hùng, luôn dành tình cảm và sự quan tâm tới Báo An ninh Thủ đô từ khi còn là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Nhớ lần được đón Bộ trưởng Phạm Hùng tới thăm

Năm 1976, đất nước vừa im tiếng súng cũng là lúc tờ bản tin An ninh Thủ đô được ra đời vào ngày 15-8-1976, thuộc Đội Tuyên truyền của Phòng Công tác Chính trị, bên cạnh tờ bản tin của Công an Hà Nội. Đối tượng phục vụ của tờ bản tin này khi ấy là lực lượng Công an và bảo vệ dân phòng, dân phố coi như một tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Vừa mới ra đời, An ninh Thủ đô đã được sắp xếp trong một gian phòng rộng chừng 10m2 của một dãy nhà mái bằng nằm trong trụ sở của Công an Hà Nội (địa chỉ số 87 phố Trần Hưng Đạo). 5 người làm cho An ninh Thủ đô những ngày đầu tiên ấy gồm đồng chí Quốc Toán, Song Hỷ, Mạnh Cường, Mỹ Khánh và Đào Lê Bình được điều từ Công an huyện Thanh Trì về do đã có thời gian cộng tác với tờ bản tin Công an Hà Nội từ trước đó. Do vật tư và nhân lực quá ít ỏi nên tờ bản tin An ninh Thủ đô không ra định kỳ, mà lúc nào có đủ bài vở mới in trên giấy đen trắng và xin giấy phép nhất thời của Sở Văn hóa 6 tháng/lần.

Năm 1979, An ninh Thủ đô chuyển trụ sở về số 85 Trần Hưng Đạo. Đó là một biệt thự Pháp cổ nhỏ thôi, 2 tầng, tờ bản tin ở tầng trên, tầng dưới là Phòng Hậu cần phân phối bia. Lúc này, An ninh Thủ đô là một bản tin đã có sức vóc. Vì vậy, Công an Hà Nội quyết định tách ra thành một đội báo riêng không nằm trong Đội Tuyên truyền. Đồng chí Trần Đức là Đội trưởng Đội Báo. Dù mới chỉ là một bản tin nhưng An ninh Thủ đô đã được đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm. Đó là niềm vinh dự và là niềm xúc động lớn lao của những người làm An ninh Thủ đô.

Nhớ lại buổi tiếp đón ấy, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Đào Lê Bình vẫn cảm thấy rất tự hào. Ông cho biết, lần Bộ trưởng Phạm Hùng đến thăm là mùa nhãn, nên trên bàn chỉ có đĩa nhãn và ấm nước chè. Buổi nói chuyện diễn ra thân mật, đầm ấm. Thời điểm đó vừa đổi tiền, tình hình khá khó khăn, Bộ trưởng Phạm Hùng nhắc ngành Công an phải đặt công tác hộ khẩu lên số 1. An ninh Thủ đô phải làm công tác tuyên truyền chung, phòng ngừa tội phạm, hướng dẫn lực lượng bảo vệ dân phố, đặc biệt là hướng dẫn công an các quận, huyện, Cảnh sát khu vực nắm hộ khẩu cho tốt.

Số 85 phố Trần Hưng Đạo (1976-1985)

Số 85 phố Trần Hưng Đạo (1976-1985)

Năm 1989, tại trụ sở số 85 Trần Hưng Đạo, Ban Giám đốc Công an Hà Nội quyết định tách An ninh Thủ đô ra khỏi Phòng Công tác Chính trị. Tờ báo tương đương cấp Phòng trực thuộc Ban Giám đốc. Nhưng quyết định quan trọng hơn là cho An ninh Thủ đô phát hành công khai, có giá bán hẳn hoi, có tài khoản, con dấu riêng. Đây có thể nói là bước ngoặt then chốt để tờ báo bước ra thị trường. Và cũng với quyết định này, An ninh Thủ đô là tờ báo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân phát hành ra thị trường. Khi đó, anh Huỳnh Bá Thành, Phó Tổng Biên tập Báo Công an TP.HCM còn ra Hà Nội hỏi kinh nghiệm phát hành công khai.

Số 2 phố Hàng Giấy (1985-1997)

Số 2 phố Hàng Giấy (1985-1997)

Thời gian khó của tờ báo

Năm 1990, An ninh Thủ đô một lần nữa chuyển trụ sở về địa chỉ số 2 phố Hàng Giấy. Thời Pháp, trụ sở số 2 Hàng Giấy chính là bốt Hàng Đậu. Trụ sở này chia làm đôi, một nửa của Công an phường Đồng Xuân, một nửa của báo. Ngôi nhà được làm trụ sở tòa soạn tờ báo có 2 tầng, tầng dưới có 2 phòng. Phòng ngoài vừa tiếp khách, vừa là phòng họp.

Tầng 2 là nơi làm việc của Ban Phóng viên và Ban Tòa soạn. Nhớ lại thời gian ở trụ sở này, nguyên Tổng biên tập Đào Lê Bình cho biết, thời đó khổ lắm, thiếu thốn đủ bề. Trụ sở dột những lúc mưa và mùa hè nóng bức vì trần nhà làm bằng cót ép. Nhưng cái khổ nhất ở trụ sở số 2 Hàng Giấy là... không có nhà vệ sinh. Muốn đi vệ sinh, tất cả cán bộ Công an phường Đồng Xuân và cán bộ Báo An ninh Thủ đô phải vòng ra Công an phường Hàng Mã, hoặc là gần bốt Hàng Đậu có nhà vệ sinh công cộng. Chính vì thế, sợ nhất mỗi lần khách đến chơi mà lại có nhu cầu... đi vệ sinh.

Về số 2 Hàng Giấy, An ninh Thủ đô đã phát hành công khai 1 tuần/kỳ 4 trang in đen trắng. Giấy in rất khó khăn, được Bộ Văn hóa cấp theo chỉ tiêu theo quý. Ở số 2 Hàng Giấy, có một kỷ niệm rất quan trọng là Báo An ninh Thủ đô đã mua 4 dàn máy vi tính 386. Vào những năm 1990, công việc viết báo thường là viết tay rồi ra nhà in sắp chữ nhưng bên nhà in kêu nhiều vì không phải chữ ai cũng đẹp.

Rồi tiến lên một bước nữa là viết bài trên giấy rồi có người gõ bằng máy chữ. Tuy nhiên, cũng rất bất tiện. Chính vì thế, việc An ninh Thủ đô trang bị 4 máy vi tính thời điểm ấy được coi là “khủng khiếp” và phải là tờ báo uy tín lắm mới đủ kinh phí trang trải. Cũng tại trụ sở này, tờ báo đã được đón đồng chí Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội tới thăm và khen ngợi một tờ báo của Công an thành phố đã đón nhịp xu thế hiện đại.

Lúc Thiếu tướng Phạm Chuyên làm Giám đốc Công an Hà Nội đã xác định “An ninh Thủ đô là một đơn vị chiến đấu đặc biệt”. Từ đấy, tập thể Đảng ủy - Ban Giám đốc nhìn nhận và đầu tư cho tờ báo bằng cơ chế hoạt động thông thoáng. Dù chỉ là một Trưởng phòng nhưng Tổng Biên tập tờ báo được phép họp cùng Thường vụ Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an thành phố. Lần nào họp, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô cũng được yêu cầu phát biểu với tư cách là nhà báo như nhân dân đánh giá lực lượng Công an như thế nào, bạn đọc, xã hội đánh giá như thế nào về lực lượng Công an Thủ đô…

Năm 1997, An ninh Thủ đô đã được chuyển về trụ sở ở địa chỉ số 136 phố Nguyễn Khuyến. Đó là một biệt thự của Pháp rộng gấp 3 lần chỗ Hàng Giấy, có 4 phòng to và một số phòng nhỏ để Ban Biên tập họp. Lúc này, tờ báo đã vươn tầm, có 21 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 3 ban là Ban Thư ký Tòa soạn, Ban Phóng viên và Ban Trị sự, một tuần ra 2 kỳ, 8 trang. Một năm sau đó lên 12 trang mỗi kỳ.

Số 136 phố Nguyễn Khuyến (1997-2004)

Số 136 phố Nguyễn Khuyến (1997-2004)

Khát vọng vươn lên phục vụ bạn đọc

Năm 1998, Báo An ninh Thủ đô bắt đầu thi tuyển phóng viên và đã có những phóng viên trẻ như đồng chí Thanh Bình, Vinh Hương, Tường Lâm, Công Tiến… được tuyển chọn từ hàng trăm thí sinh. Thời điểm ấy, không gì cản bước tiến của An ninh Thủ đô.

Ban Biên tập đặt ra tiêu chí phải là một tờ báo mang tính chuyên ngành sâu sắc nhưng phải mở rộng tính xã hội. Bởi vì lúc này bạn đọc không chỉ quan tâm tới các tin tức an ninh trật tự, mà cần nâng cao chất trí tuệ văn hóa Hà Nội. Chúng ta là báo của Thủ đô nên văn hóa phải thấm đẫm trong từng bài, nằm trong tôn chỉ mục đích của tờ báo, hoạt động nằm lòng của phóng viên trước các sự việc, hiện tượng đều phải rất nhân văn, nhân đạo và có tình người. Để làm được điều đó, tờ báo cần chuyên biệt hóa hơn bằng việc thành lập các Ban Nội chính, Văn hóa - Thể thao, Kinh tế - Xã hội, Bạn đọc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000 - 2006) luôn dành sự quan tâm tới Báo An ninh Thủ đô

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000 - 2006)

luôn dành sự quan tâm tới Báo An ninh Thủ đô

Nhờ sự chuyên biệt này, các phóng viên đã đi theo tuyến chuyên môn chia mảng của họ và nhờ đó, bài vở rất phong phú, được bạn đọc đón đợi. Họ có thể đọc Văn hóa - Thể thao, Pháp luật, Kinh tế - Xã hội…. trên cùng một tờ báo. Đặc biệt, An ninh Thủ đô còn tới tay các văn nghệ sĩ, trí thức. Tờ báo có nhiều người bạn là các văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng như nhà văn Phong Thu, nhà văn Chu Lai, Ma Văn Kháng, Trần Lê Văn, Ông Văn Tùng, Hòa Vang, Bảo Ninh, Đỗ Phấn, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Anh Vân, họa sĩ Đinh Quân…

Số 82 phố Lý Thường Kiệt (2004 đến nay)

Số 82 phố Lý Thường Kiệt (2004 đến nay)

Năm 2004, với sự lớn mạnh không ngừng của An ninh Thủ đô, để “y phục xứng kỳ đức”, tờ báo đã được chuyển về trụ sở số 82 Lý Thường Kiệt. Trụ sở này trước đây là một khách sạn mini của Công an Hà Nội, dưới tầng hầm có nhà hàng Thái Lan. Cũng tại trụ sở này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết kịch bản về chiến công của Công an Hà Nội giải cứu cháu bé người Nhật, nhạc sĩ Hồng Đăng viết nhạc cho bộ phim.

Đây là một biệt thự cổ của Pháp. Tính ra trên cả nước, có lẽ chỉ có Báo An ninh Thủ đô và Báo Nhân dân là có trụ sở tọa lạc dưới bóng đa già. Khi về trụ sở mới, tờ báo đã lần lượt tăng lượng phát hành và ra hàng ngày. Trước xu hướng phát triển của Internet, tờ báo đã ra mắt Báo Điện tử và chương trình Truyền hình An ninh ATV. Nguyên Tổng Biên tập Đào Lê Bình cho rằng, điều quan trọng nhất trong bước đường phát triển của An ninh Thủ đô là Ban Biên tập đã biết chớp lấy thời cơ, dám dấn thân và có khát vọng vươn lên để phục vụ bạn đọc.

Đồng chí Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đón tiếp đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2003

Đồng chí Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đón tiếp đồng chí Nguyễn Quốc Triệu,

Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2003

Ở ngôi nhà thân yêu này, An ninh Thủ đô được đón đồng chí Phùng Hữu Phú, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (năm 2014 là Thứ trưởng Bộ Công an) tới thăm. Còn văn nghệ sĩ, bạn đọc thì không thể kể xiết.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng Báo An ninh Thủ đô, ngày 15-8-2016

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

tặng Báo An ninh Thủ đô, ngày 15-8-2016

Vững một niềm tin và kiêu hãnh về nghề

Cơ quan nào cũng thế thôi có chuyện nọ chuyện kia, lúc buồn lúc vui nhưng An ninh Thủ đô có một nguyên tắc bất di bất dịch là tôn trọng tối đa ý kiến khác biệt và sự sáng tạo. Làm báo mà không sáng tạo và không có sự khác biệt thì không làm được. Tất cả trong một không khí một nền nếp, một thái độ công tác nghiêm túc để cùng xây dựng thương hiệu chung - An ninh Thủ đô.

Lãnh đạo Bộ Công an chúc mừng các thế hệ Ban Biên tập An ninh Thủ đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày Báo An ninh Thủ đô xuất bản số đầu

Lãnh đạo Bộ Công an chúc mừng các thế hệ Ban Biên tập An ninh Thủ đô nhân kỷ niệm

40 năm ngày Báo An ninh Thủ đô xuất bản số đầu

Báo An ninh Thủ đô luôn nhận được sự tin cậy rất lớn của lãnh đạo Bộ Công an như tham dự Hội nghị Công an toàn quốc bao giờ cũng có Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô góp mặt bên cạnh Giám đốc CATP Hà Nội và một đồng chí Chánh Văn phòng. Thành ủy Hà Nội cũng rất coi trọng tờ báo, đi đâu các đồng chí lãnh đạo cũng nhắc nhân viên cử phóng viên An ninh Thủ đô đi cùng. Có lần, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gọi điện cho Tổng Biên tập Đào Lê Bình: “Này ông Bình ơi, An ninh Thủ đô hôm nay có chỗ này viết được đấy!...”.

Chính vì thế, ở An ninh Thủ đô, các cán bộ, chiến sĩ hạnh phúc được làm việc, được cống hiến và thực hiện những mong muốn của mình, thấm đẫm trong tình cảm của nhân dân. Sự tin cậy của bạn đọc là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm Báo An ninh Thủ đô. Cho dù, báo chí đang gặp khó khăn, An ninh Thủ đô vẫn vững một niềm tin và kiêu hãnh về nghề báo và sự cống hiến. Nguyên Tổng biên tập Đào Lê Bình nghiệm ra qua 5 lần chuyển trụ sở, An ninh Thủ đô đều có những bước tiến vượt bậc!