Hội thảo về Huyền Trân công chúa, làm rõ cuộc đời và giai thoại nhân vật lịch sử thời Trần

ANTD.VN -Ngày 30 -11, tại Nam Định, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Huyền Trân công chúa: Cuộc đời và Giai thoại”.

Huyền Trân công chúa sinh năm Đinh Hợi (1287) mất ngày 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1340), là con gái út của vua Trần Nhân Tông và Hoàng hậu Khâm Từ Bảo Thánh.

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm vương quốc Champa. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành […]. Mùa đông, tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về” .

Trong thời gian thăm viếng Champa, ngài đã hứa gả Công chúa Huyền Trân. Năm 1305, vua Chế Mân sai Chế Bồ Đài và phái đoàn mang vàng, bạc… và hai châu Ô, Lý làm sính lễ cầu hôn.

Năm 1306, hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và Chế Mân được cử hành long trọng và Huyền Trân công chúa về làm dâu Champa, được vua Chế Mân sủng ái, phong làm hoàng hậu, hiệu Paramecvari.

Năm 1307, vua Chế Mân đột ngột qua đời. Triều đình Champa sai người sang Đại Việt báo tin. Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang viếng và tìm cách đưa Huyền Trân công chúa về Đại Việt.

Trở về Thăng Long, Huyền Trân công chúa xuất gia theo di mệnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Công chúa được Quốc sư Bảo Phác thụ Bồ tát giới ở núi Trâu Sơn, pháp danh Hương Tràng.

Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Huyền Trân công chúa: Cuộc đời và Giai thoại

Năm 1311, Ni sư Hương Tràng cùng với thị nữ lập am tranh dưới chân núi Hổ tu hành. Sau đó, am tranh thành chùa Hổ Sơn (Quảng Nghiêm Tự). Năm 1340, ni sư Hương Tràng viên tịch tại đây.

Sau khi Ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân đã tôn bà làm Thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn. Ngoài ra, ở nhiều địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa. Nhà Nguyễn đã sắc phong cho bà là “Trai Tĩnh trung đẳng thần”.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài nhấn mạnh, Nam Định là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Đặc biệt, Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp của Vương triều Trần, một triều đại hùng mạnh trong lịch sử.

Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, Huyền Trân công chúa là một nhân vật nổi bật. Là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bà được gả cho vua Chế Mân của Champa nhằm duy trì bang giao. Tuy cuộc hôn nhân chỉ kéo dài một năm do vua Chế Mân qua đời, nhưng Huyền Trân công chúa vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.

"Mặc dù có nhiều truyền thuyết xoay quanh cuộc đời Huyền Trân, nhưng ghi chép lịch sử về bà vẫn còn thiếu sót, đặc biệt là giai đoạn bà tu hành ở Đại Việt. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ cuộc đời và đóng góp của Huyền Trân công chúa không chỉ giúp hiểu rõ về một nhân vật lịch sử quan trọng mà còn góp phần tôn vinh những đóng góp của bà đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài khẳng định.

Chùa Hổ Sơn, nơi Huyền Trân công chúa tu hành và hoá thân (ảnh: Chu Minh Khôi)

Những ghi chép về cuộc đời Huyền Trân công chúa trong chính sử không nhiều, lại có một số điểm chưa tỏ tường. Vì thế, câu chuyện về cuộc đời, những sự kiện liên quan đến Huyền Trân công chúa được thêu dệt, nhất là trong thời gian từ Champa trở về Đại Việt làm ảnh hưởng đến nhân cách, cuộc đời và làm mờ đi những đóng góp của Huyền Trân công chúa với quốc gia, dân tộc và với Phật giáo Việt Nam.

Sau khi trở về Đại Việt năm 1308, Huyền Trân công chúa xuất gia và tu hành ở Hổ Sơn cũng ít được ghi chép… Chính vì vậy, Hội thảo "Huyền Trân công chúa: Cuộc đời và Giai thoại” được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tôn giáo... Thông qua các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, tư liệu Hán Nôm; thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cơ sở thờ tự liên quan đến Công chúa Huyền Trân… các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần làm rõ hơn về cuộc đời, những đóng góp của Huyền Trân công chúa – Ni sư Hương Tràng cho đạo pháp, dân tộc.

Đồng thời, qua hội thảo này có thể đưa ra nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về Huyền Trân công chúa – Ni sư Hương Tràng. Từ đó, đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến Huyền Trân công chúa. Tôn vinh một cách xứng đáng hơn đối với những đóng góp của bà đối với dân tộc, với Phật giáo Việt Nam.

Hội thảo khoa học tập chung vào 03 chủ đề chính: Cuộc đời Huyền Trân công chúa: lịch sử và những giai thoại: Nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân công chúa ở Đại Việt và Champa; Những nơi mang dấu ấn của bà và gắn kết những nơi này; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc: làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo: Quá trình xuất gia tu hành (thụ Bồ tát giới, pháp danh Hương Tràng, thời gian tu hành ở chùa Hổ Sơn….) và những cơ sở thờ tự thờ phụng Công chúa Huyền Trân hiện nay.