Hội thảo "Sưu tầm, phục dựng và phát triển múa cổ truyền Hà Nội trong thời đại mới"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Với hơn 20 ý kiến đóng góp, hội thảo "Sưu tầm, phục dựng và phát triển múa cổ truyền Hà Nội trong thời đại mới" do Hội Múa Hà Nội tổ chức, đã bàn đến những vấn đề thiết thực để múa cổ Thăng Long đi vào đời sống.

Ngày 17-12, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức hội thảo "Sưu tầm, phục dựng và phát triển múa cổ truyền Hà Nội trong thời đại mới" với sự tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết của đông đảo nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nghệ thuật múa Thủ đô.

Các đại biểu đã tập trung phân tích về giá trị của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong đời sống xưa và nay; nêu thực trạng múa cổ truyền; những nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân và địa phương để giữ gìn các điệu múa; điều kiện, chính sách để gìn giữ múa cổ truyền trong thời đại mới; giải pháp để bảo tồn và phát huy múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội...

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích khẳng định, múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội là một thành tố văn hóa đặc trưng của đất Thăng Long, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Việc gìn giữ và bảo tồn múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội lâu dài là vinh dự, trách nhiệm và tình cảm của nghệ sĩ múa Thủ đô.

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Từ năm 2000, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong hành động chính của hội là sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi những điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Hội đã sưu tầm, phục dựng, có tài liệu nghiên cứu khoảng gần 70 điệu múa cổ truyền ở Thủ đô.

Tuy nhiên, trong đời sống vẫn còn nhiều điệu múa nữa cần được tìm hiểu, sưu tầm. Nhiều điệu múa đã dần mai một, cần được tổ chức tìm kiếm, phục hồi và phát triển bền vững trong thời đại mới.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh - chủ biên cuốn sách "Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội", cho rằng, cần khẩn trương xây dựng và triển khai công trình "Sưu tầm, phục dựng, phát triển múa cổ truyền Hà Nội trong thời đại mới", huy động những nghệ sĩ tâm huyết, có tình yêu với nghệ thuật múa, cùng thế hệ trẻ phát huy kinh nghiệm, vượt khó khăn để điền dã, tìm kiếm, các điệu múa cổ truyền mới, phục dựng và đưa chúng trở lại cộng đồng.

Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh nhận định, việc bảo tồn và phát triển múa cổ truyền hiện nay cần được thực hiện bài bản, khoa học và có chiến lược đầu tư xứng đáng. Trong đó, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cần tập trung vào việc thống kê, lập bản đồ di sản múa cổ truyền Thăng Long; nghiên cứu, sưu tầm mở rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn; phối hợp với các nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy...