Hội thảo của người Việt Nam tại Pháp: Khởi nghiệp xanh

ANTĐ -Từ nhiều năm nay, vấn đề về môi trường đã trở nên rất nóng bỏng. Giới trẻ Việt Nam tại Pháp cũng như rất nhiều các cộng đồng khác đã có chung một suy nghĩ về vấn đề này và mong muốn đem lại một hành động cụ thể để giảm bớt sự biến đổi khí hậu mà nó đã trở nên rất rõ ràng ở Việt Nam hiện nay.

Mới đây, qua Hội nghị COP 21 (Hội thảo quốc tế về môi trường) cho thấy vấn đề này đã chuyển sang một bước tiến mới. Và đây có lẽ cũng đã đến lúc mà mỗi người dân Việt Nam cần làm một động tác cụ thể tốt hơn cho môi trường của thế giới nói chung và đặc biệt là cho Việt Nam.

Trước ý tưởng này, ngày 4 tháng 6 năm 2016, trước thềm ngày Quốc tế môi trường 5-6, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam, số 19 phố Albert thuộc quận 13, thành phố Paris, Pháp đã diễn ra cuộc Hội thảo về môi trường với tên Khởi nghiệp xanh.

Hội thảo do hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp và Hội các bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp SPRINGUP đồng tổ chức. Với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, hội Người Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và ông Ngô Minh Đường, Giám đốc công ty Thanh Bình Jeune, cùng sự ủng hộ từ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tới môi trường, xã hội…

Khởi nghiệp xanh mong muốn đưa vấn đề môi trường cũng như biến đổi khí hậu vào một phần trong các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ ở Pháp cũng như ở Việt Nam. Khởi nghiệp xanh mang ý nghĩa sáng tạo và tuổi trẻ.

Hội thảo bắt đầu với những câu hỏi đáp khá dễ và dễ nhận thấy để nêu thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường do biến đối khí hậu trên thế giới và Việt Nam. Việt Nam hiện tại xếp thứ 3/10 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Mỗi năm, tỉnh Cà Mau bị nước biển xâm lấn trên 100m. Ước tính theo đà biến đổi khí hậu hiện như nay, đến năm 2050 toàn bộ phía Đông tỉnh Cà Mau sẽ ngập trong nước biển. Các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang. Rồi cả đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ bị chìm trong nước biển.

Nhà báo Mc Kenzie Funk – người đã khảo sát biến đổi khí hậu trên 5 châu lục - đã viết trong cuốn sách của mình: Theo tốc độ biến đổi khí hậu như hiện nay thì một phần lớn thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều thành phố trên thế giới sẽ ngập trong nước biển trong một thời gian Hội thảo tổng hợp, trình bày và giới thiệu các dự án khởi nghiệp cùng với môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam.

Tập trung trên ba chủ đề chính: Thực phẩm, rác thải và nước biển dâng. Từ phương pháp Max Havelaar tạo dựng một nhãn hiệu về đảm bảo chất lượng thực phẩm, cho đến những dự án Kiến trúc trú trọng các giải pháp tạo dựng vườn cây trên mái nhà nhằm hướng đến một quy trình kiến trúc thụ động tự cung tự cấp.

Đến các dự án sử dụng đồ thải nhựa để tạo ra điều hòa ở Bangladesh. Rồi các dự án còn đang phôi thai ở mức độ ý tưởng như Plastique 2.0, nhằm hướng tới gom rác thải nhựa nổi lênh phênh trên biển rồi tái chế để phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Dự án JCDecaux làm biển quảng cáo để thu hút khách hàng là các công ty, qua đó sử dụng nguồn trài trợ nhằm làm sạch môi trường.

Thương hiệu túi xách Freitag là nhờ tái chế đồ phế thải như lốp, săm xe… bằng cao su để tạo ra sản phẩm có thương hiệu chất lượng trên thị trường Quốc tế. Giải pháp kè đê ở Hà Lan với kinh nghiệm hàng thế kỉ qua những lần chống lũ lụt. Và mô hình nhà ở của các chiến sỹ ngoài hải đảo cùng với nhiều dự án rất thiết thực đem đến cho những người tham gia một lượng thông tin trong nhiều khía cạnh khởi nghiệp rất thú vị…

Tiếp đến, ban tổ chức Hội thảo giới thiệu một Ban mang tên Người kế thừa. Ban này hoạt động với mục đích là cầu nối, cũng như là sân chơi cho tất cả những ai quan tâm đến môi trường và sự biến đổi khí hậu, trong hoạt động khởi nghiệp của mình.

Qua đó Người kế thừa muốn thu hút các bạn trẻ tâm huyết và những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để thực hiện các dự án. Có dự án đào tạo kết hợp với hội Khoa học Chuyên gia, các hội thảo, Workshop, và Atelier.

Người kế thừa hướng đến những cuộc thi, tìm hiểu và giải pháp cho vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu nhằm có được những hành động cụ thể thiết thực tác động tích cực đến môi trường sống của người dân Việt Nam.

Phần cuối Hội thảo, khách tham dự được thăm cuộc triển lãm nhỏ với những hình ảnh đời thường liên quan đến sự tái chế, mô hình phát triển những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Qua những ví dụ cụ thể như vậy để mọi người thể hiện bằng hành động, trao đổi các ý tưởng, hay chỉ đơn giản là trực tiếp phân loại rác thải đúng với quy định…

Anh Trần Trọng Triều Minh – Kiến trúc sư, người Việt tại Pháp (đồng tổ chức Hội thảo) cho biết: Qua cuộc hội thảo này, chúng tôi muốn gửi đi bức thông điệp rằng người Việt thì ở đâu cũng vẫn là người Việt, chúng ta sẽ cùng làm những điều tốt nhất có thể để khiến cho môi trường Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn.

Chúng tôi mong muốn thành lập một ban Người kế thừa, với ý nghĩa là tất cả người Việt Nam đều là những Người kế thừa. Kế thừa giá trị truyền thống, kế thừa môi trường, xã hội mà mình đang xây dựng. Vì vậy, ai cũng đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quê hương mình. Mong rằng ban Người Kế Thừa sẽ là một sân chơi, nơi mà mọi mong muốn về cải thiện môi trường sẽ được thực hiện hóa… 

Anh cũng cho biết Hội thảo này như là một bước đầu tiên, Hội thảo mong muốn nó sẽ gắn bó toàn bộ cộng đồng người Việt tại Pháp và còn có thể mở rộng kết nối toàn bộ người Việt trên toàn thế giới nhưng: "Hiện tại, chúng tôi thấy khả năng của mình còn hạn chế nên sẽ bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ cụ thể". Anh nói thêm: "Với giới trẻ, sự khởi nghiệp là vấn đề luôn được bàn cãi sôi nổi, thế nên nếu như chúng ta có thể dùng sức mạnh khởi nghiệp của mình để song hành cùng lúc làm thay đổi môi trường thì sẽ là một điều rất tốt…"

Không gian Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp hôm nay thực đã có một buổi trò chuyện vui vẻ và có ý nghĩa. Qua Người kế thừa, những người tham gia cảm nhận được gần hơn những thảm họa về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Hi vọng các chuyên gia có mặt sẽ cùng với ban Người kế thừa suy nghĩ để tìm ra một hướng đi chung, tìm ra giải pháp kết nối được nhiều tổ chức hoạt động liên quan, và hơn nữa đây sẽ hẳn là một hoạt động bền bỉ, và kiên trì để hướng đến một thế giới tươi đẹp hơn, một môi trường trong lành cho thế hệ trẻ, cho thế hệ con cháu của chúng ta.