Hội sách mùa thu 2016: Quy mô nhỏ hơn thì cần "chất" hơn

ANTD.VN - Nhìn lượng người đến công viên Thống Nhất trong buổi sáng hôm qua  9-9, có thể thấy, Hội sách đã phần nào thỏa mãn thị hiếu người yêu sách. Chỉ có điều, độc giả vẫn kỳ vọng, Hội sách không chỉ để trao đổi - mua bán sách mà còn là địa điểm văn hóa thân thiện dành cho tất cả người yêu sách.   

Đông đảo bạn trẻ có mặt trong ngày đầu khai mạc Hội sách

Không “ngại” nhiều hội sách

Đó là khẳng định của ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành tại buổi họp báo chuẩn bị cho Hội sách mùa thu 2016. Bởi theo lời ông Chu Văn Hòa, nếu như ở các mặt hàng khác nếu “dày” quá sẽ khủng hoảng thừa, nhưng riêng với sách, tổ chức càng nhiều sự kiện càng có lợi cho xã hội, vì nó sẽ “hâm nóng” thói quen đọc sách.

Mặc dù, quy mô khiêm tốn hơn mọi năm, khoảng gần 70 gian hàng (ít hơn nhiều so với khoảng 200 gian hàng ở Hội sách Quốc tế được tổ chức vào thời điểm này năm trước), cộng thêm lần đầu được triển khai theo phương thức xã hội hóa, Ban tổ chức vẫn tự tin sẽ thu hút đông đảo độc giả đến với Hội sách. Dù rơi vào ngày thường nhưng trong ngày đầu khai mạc Hội sách mùa thu 2016, có khá đông độc giả, nhất là độc giả trẻ.

Bạn Nguyễn Ngọc Bích (sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại ngữ) cho biết: “Mỗi lần có Hội sách ở Hà Nội tôi đều đến, miễn là không trùng vào lịch học ở trường. Riêng với Hội sách mùa thu được tổ chức vào thời điểm bắt đầu năm học mới, tôi thấy rất hợp lý vì học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội để chọn mua những đầu sách thiết thực cho mình. Cách đây rất lâu, khi chưa có những hội sách như thế này tôi thường lên Đinh Lễ, Nguyễn Xí, nhưng giờ có Hội sách thường xuyên, tôi có thể chọn mua tùy ý”.  

Theo quan sát, dù thiếu vắng một vài tên tuổi quen thuộc như NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ… nhưng số lượng độc giả quan tâm Hội sách không vì thế mà giảm sút. Đông nhất vẫn phải kể đến gian hàng của Tiki và Nhã Nam - hai đơn vị có số lượng đầu sách và văn hóa phẩm phong phú với giá ưu đãi đến 50% cùng nhiều chương trình quà tặng.  

Cần quan tâm đến những độc giả đặc biệt 

Xã hội hóa, hoàn chỉnh quy chế để dần tiến tới xây dựng mô hình liên kết giữa các nhà xuất bản tự tổ chức hội sách, tạo thành phong trào “đến hẹn lại lên” rõ ràng là kỳ vọng của ban tổ chức tại Hội sách mùa thu năm nay. Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện chức năng là nơi giới thiệu - trao đổi - mua bán sách, Hội sách cũng cần hoàn thiện để phát triển thành không gian văn hóa dành cho người yêu sách. 

Ngọ Thị Lý (20 tuổi, quê ở Bắc Giang) có lẽ là một trong những độc giả đặc biệt nhất có mặt tại Hội sách sáng 9-9. Đặc biệt vì dù không thể đứng trên đôi chân của mình nhưng Ngọ Thị Lý vẫn rất hào hứng đi dự hội sách. Lý tâm sự: “Trước đây, tôi chỉ hay mua sách online, nhưng gần đây tôi hay đến các Hội sách ở Hà Nội. Thực ra cũng không bất tiện lắm vì tôi có thể nhờ mọi người chọn sách giúp. Chỉ có điều bậc thềm trước gian hàng sách hơi cao, xe của tôi không tới được”.

Nghe Lý bộc bạch, chắc ai cũng mong rằng, từ lần sau, ban tổ chức có thể thiết kế các gian hàng thân thiện hơn để những độc giả như Lý có thể đến gần với những cuốn sách mà Lý yêu thích. 

Với nhiều độc giả ở Hà Nội, việc Hội sách một năm tổ chức vài lần chẳng có gì là lạ nhưng với những độc giả không có điều kiện để tiếp xúc với sách thì những dịp như thế này thật là đáng quý. Đào Phương Nhung và Tạ Thị Hằng là 2 tân sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hai bạn cho biết, đây là lần đầu tiên được dự một Hội sách ở Hà Nội.

Vừa nghe có hội sách, hai bạn đã đi ngay vì nhà ở Kiến Xương, Thái Bình, muốn tìm một hiệu sách với những đầu sách cần cho việc học rất khó: “Sách ở quê chúng tôi bán giá khá đắt, lại không có nhiều sách để chọn. Ở đây có nhiều sách, giá hợp lý”.

Khi hỏi về việc mong muốn gì ở hội sách, Hằng cho biết, nếu có thêm chỗ nghỉ chân, hay quầy giải khát thì tốt, vì mọi người đều mong muốn có được một chỗ để xem những cuốn sách vừa mua. Hằng bày tỏ ước muốn có thêm những tuyến xe buýt dành riêng cho độc giả để những người ở xa sẽ không chỉ một lần, mà nhiều lần có cơ hội quay lại Hội sách.