Hồi quang ngày Tết

ANTĐ - Tết Nguyên đán ở nước ta có nguồn gốc gọi là Tết Cơm mới từ thời các vua Hùng Vương dựng nước và giữ nước (Cùng nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay).
Hồi quang ngày Tết ảnh 1

Từ ngày vui mừng cơm mới để tạ ơn Trời Đất, được nghỉ ngơi ít hôm sau bao nhiêu ngày tháng chân lấm tay bùn được tổ chức đơn sơ, mộc mạc, cho đến ngày nay có tên gọi là Tết Nguyên đán thì đã có rất nhiều quy ước, phong tục, nếp sống chứa đựng những nội dung, sức sống cao cả và đẹp đẽ, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam xung quanh ngày Tết, dịp Tết. Nho nhỏ như: Ba ngày Tết, ai nấy chỉ vui vẻ, tươi tỉnh, không cáu kỉnh, nhăn nhó, nói năng nặng lời, người lớn không đánh mắng trẻ em. Con cháu trong nhà phải ngoan ngoãn, lễ phép, không nói tục, không nghịch bẩn, nghịch dại…

Thiêng liêng nhất trong ngày Tết là phong tục Thờ cúng tổ tiên - nhớ về cội nguồn. Ngày Tết, con cháu quy tụ về quê hương. Trong một số gia đình nhỏ cho tới hai ba đời cùng chung sống dưới một mái nhà, thì ngày Tết là ngày họp mặt, người đi xa thì nhớ về thăm quê. Không về được thì thắp hương bái vọng (từ xa hướng về…)…

Ngày Tết từ những năm xa xưa, trải qua những biến thiên, thời cuộc, thể chế xã hội, qua từng thập kỷ, thế kỷ đã luôn luôn biến đổi về hình thức, nội dung, phong tục Tết mà tạo ra nếp phong vị mới của ngày Tết. Chỉ có các ý nghĩa chứa nội dung tinh thần dân tộc là không thay đổi như: Thờ cúng tổ tiên, hướng về nguồn cội, giữ gìn vẻ đẹp của nếp sống, cung cách ứng xử văn minh, thanh lịch chứa chan tình người, lòng nhân ái của người Việt Nam.

Tạm kể từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, đến ngày Tết năm Ất Mùi (năm 2015) này, phong vị Tết nói chung ở nước ta từ các vùng, miền, tỉnh, thành phố, khu vực cho tới từng nhà, từng lớp người, thành phần dân số đã và đang dần dần có những sự thay đổi tới từng người, từ già đến trẻ, trẻ em, nam giới, nữ giới khi vào Tết, hưởng Tết, điểm tô cho ngày Tết.

Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ cuộc sống mới, hoạt động xã hội xây dựng đất nước, tác động của môi trường sống, điều kiện sống, trình độ, phương tiện sống mà nhu cầu sống của mọi người ngày một nâng cao. Và còn đấy những khó khăn trong mọi mặt của đời sống, xã hội. Nên, ngày Tết hôm nay không còn và không thể như những ngày Tết năm xưa về hình thức, cách thức đón và vào Tết. Mâm cỗ Tết bây giờ có cả món ăn nguội, ăn nhanh. Cây nêu chỉ còn trong viện bảo tàng. Pháo cấm từ lâu rồi. Bánh chưng có quanh năm. Mừng tuổi trẻ em bây giờ, túi phong bao từa tựa như phong bì “bôi trơn” lót tay của người lớn. Trẻ em không phải chờ đến Tết mới được mặc quần áo mới. Không ít nhà ngày Tết ai cũng có nhu cầu riêng mà không ở nhà…

Ngày Tết bây giờ, hương vị Tết có khác xưa. Mâm cỗ có thể khác. Giao tiếp, thăm hỏi trong ngày Tết cũng có khác. Giải trí trong ngày Tết rất nhiều vẻ. Ngồi một chỗ bấm máy tính, điện thoại di động, Tết hiện ra ngay! Sự thay đổi ấy có làm nhạt giá trị Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền không nhỉ?

Vẫn là Tết cổ truyền khi vẫn còn đây là Tết thờ cúng tổ tiên, Tết tìm về cội nguồn, đã có quê thì nhớ về thăm quê. Là con, cháu thì nhớ về thăm ông bà, cha mẹ. Ngày Tết, học sinh đến chúc các thầy giáo, cô giáo. Ba ngày Tết ấy là dịp đón nhận ánh hồi quang của những phong tục đẹp mang bản sắc dân tộc Việt: “Con chim có tổ, con người có tông”. Như con chim kia khi bay ra khỏi lãnh thổ - vùng trời - vùng biển Việt Nam, đã chọn cành cây ngả về phía Nam mà đậu…