Hội nghị Cấp cao APEC 2016: Đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ

ANTD.VN - Từ ngày 17 đến 20-11, tại Thủ đô Lima của Peru diễn ra Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang. Sự kiện này được nhìn nhận là một cơ hội tốt để các nước thành viên APEC đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh xu hướng phản đối thương mại tự do đang phát triển.

Hội nghị Cấp cao APEC 2016: Đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ  ảnh 1Địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2016 ở Lima

Những ưu tiên chính

Sự kiện lần này quy tụ các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước APEC sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển vốn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong cả năm APEC 2016. 

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm, cùng với các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng chất lượng. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các cách thức thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) trong chuỗi giá trị toàn cầu, xác định các mục tiêu chung nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ, kinh tế tri thức. 

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực. Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực, các biện pháp tăng cường các kết nối cứng, kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ là những nội dung được các nhà lãnh đạo quan tâm thảo luận.

Nền kinh tế toàn cầu đang thiếu sự lãnh đạo để ngăn chặn xu hướng phản đối thương mại tự do, trong bối cảnh các nước chủ trương thực thi các chính sách hướng nội do kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Theo nhận định của giới phân tích đưa ra trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã tạo ra thách thức đối với các nước phát triển trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, việc ngày càng có nhiều chính trị gia Australia - thuộc cả đảng cầm quyền và đối lập - ủng hộ chế độ bảo vệ nền công nghiệp trong nước, cũng như quan điểm phản đối toàn cầu hóa của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump cũng được dự đoán sẽ đặt ra những thách thức đáng kể. 

APEC không chỉ có hợp tác kinh tế

Mặc dù ban đầu APEC chỉ được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ và có những trao đổi mang tính ngoại giao, song các thành tựu của APEC, dựa trên nền tảng hợp tác sâu rộng giữa các Chính phủ và doanh nghiệp, đã cho phép diễn đàn kinh tế này mở rộng hơn nữa vai trò của mình, thúc đẩy sự ổn định của toàn khu vực. 

APEC được thành lập năm 1989. Tuy nhiên, khía cạnh hội nhập kinh tế của APEC chưa thực sự có những tiến triển đáng chú ý dù kỳ vọng ban đầu là rất cao. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, những kỳ vọng về hội nhập kinh tế của APEC nhanh chóng tiêu tan. Sự quan tâm mà người ta dành cho APEC càng phai nhạt vào những năm 2000, khi vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bắt đầu, cùng với việc các thỏa thuận thương mại tự do nở rộ ở châu Á. Kể từ đó, APEC đã triển khai một chiến lược ở mức độ vừa phải, tập trung vào các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác kỹ thuật. Tuy nhiên, các cam kết ràng buộc về tự do hóa thương mại không đạt nhiều tiến triển trong giai đoạn những năm 2000. Vòng đàm phán Doha kết thúc vào năm 2015 song việc thông qua thỏa thuận đã bị trì hoãn, hiện vẫn chưa rõ số phận của nó sẽ như thế nào. 

Đối lập với bối cảnh u ám ấy, cách tiếp cận thực dụng linh hoạt của APEC trong vấn đề tự do hóa thương mại đã thành công trong nhiều lĩnh vực như thủ tục thuế quan, hoạt động kinh doanh linh hoạt, cùng nhiều tiêu chuẩn hợp lý, có tính thống nhất cao. APEC đã đạt nhiều thành công đáng chú ý như đạt mục tiêu cắt giảm 5% các chi phí giao dịch thương mại vốn được đề ra tại Hội nghị Cấp cao APEC Thượng Hải năm 2001 và thêm 5% khác sau Hội nghị Cấp cao APEC Busan năm 2005.

APEC đã giúp xây dựng một chương trình hợp tác kinh tế, kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự phát triển trong các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, tạo nền tảng cho các biện pháp tái cơ cấu, giúp đảm bảo an ninh lương thực - những điều mà các thể chế kinh tế khác chưa đạt được. APEC cũng đã đóng góp rất nhiều cho tiến trình toàn cầu hóa của châu Á, bắt đầu từ những năm 1980, tiền đề cho “điều kỳ diệu kinh tế Đông Á” trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam cũng là một minh chứng cho sự thành công của APEC.

Không chỉ vậy, APEC cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của khu vực. Thịnh vượng là một trong những nền tảng của hòa bình. Bởi vậy, trong quá trình thúc đẩy hoạt động kinh tế ngày càng mạnh mẽ, APEC đã góp phần củng cố hòa bình, ổn định khu vực thông qua thịnh vượng và kết nối kinh tế, dù họ không trực tiếp giải quyết các vấn đề về an ninh. 

Cơ chế mở về thành viên của APEC cho phép diễn đàn này đóng vai trò trong việc hàn gắn những mâu thuẫn về tư tưởng và chính trị của nhiều nước tại châu Á - Thái Bình Dương sau giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Việc các nước như Trung Quốc (năm 1990), hay Nga và Việt Nam (năm 1998) gia nhập APEC đã giúp các thị trường này phát triển theo hướng tự do, mở cánh cửa dẫn họ tới WTO.

Không chỉ vậy, các khuôn khổ đối thoại trên nhiều lĩnh vực của APEC cùng sự linh hoạt trong vấn đề các thị trường tự do đã giúp diễn đàn này tạo dựng một nền tảng chính trị cho hợp tác khu vực sâu rộng hơn. Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực đang đứng trước nhiều thách thức về mặt an ninh, như nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang và quân sự hóa, những xung đột chưa có hồi kết trên Bán đảo Triều Tiên, khúc mắc trong vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông. Có thể nói, cách APEC giải quyết những bất đồng có thể là nền tảng để tìm lời giải cho các mâu thuẫn về an ninh, chính trị trong khu vực.