Rất nhiều CLB thống nhất quan điểm cần phải giảm ngoại binh từ mùa tới, nhưng cũng cần phải có lộ trình và thống nhất cao để đảm bảo quyền lợi cho tất cả.
Đại diện CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh nêu hiện trạng: “Giá chuyển nhượng cầu thủ ngoại quá cao, xuất phát từ việc các doanh nghiệp đua nhau đẩy giá cầu thủ không đúng giá trị thực. Đa số ngoại binh đều chơi vị trí tiền đạo. Thực ra cầu thủ nội hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vị trí này nhưng do họ không được trao cơ hội”.
Ông Thanh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giảm ngoại binh là hợp lý; đồng thời đề xuất: “Trước mắt chỉ cho các CLB ở V.League đăng ký 3, thi đấu trên sân 3 ngoại binh. Ở hạng Nhất tỷ lệ này là 2-2, và không nên ký tiếp các năm sau nữa”.
GĐĐH Đồng Nai Nguyễn Văn Long thì cho rằng: “Cần phải xem xét kỹ số lượng giảm bao nhiêu, khi nào giảm. Nếu đùng 1 cái bỏ ngoại binh sẽ khó kéo khán giả đến sân và cầu thủ nội cũng mất đi cơ hội cọ xát, học tập”.
Trong khi đó, Chủ tịch CLB Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đệ thống nhất đề xuất phương án 3-3 (với V-League) nhưng cần lưu tâm đến cầu thủ nhập tịch để tìm phương án hài hòa nhất. “Nếu quy định 3-3 nhưng có đội có cầu thủ nhập tịch lên tới 7-8 thì rõ ràng thiếu công bằng. Tôi nghĩ nên theo phương án, 4-3 trong đó có cả cầu thủ nhập tịch”, ông Đệ đề xuất.
Sau thời gian thảo luận, 25/26 đại diện đội bóng có mặt tại Hội thảo thống nhất biểu quyết phương án ngoại binh, tại V-League là 3-3, trong khi tại hạng Nhất là, cúp Quốc gia, siêu cúp cùng chung tỷ lệ 2-2.
Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là vấn nạn “một ông chủ hai đội bóng”.
Có ý kiến cho rằng, trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc kêu gọi doanh nghiệp bỏ tiền vào bóng đá là rất khó, vì vậy không nên quá khắt khe với doanh nghiệp chịu đầu tư cho cả 2 đội bóng (cùng một giải đấu). Song ý kiến trên đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ VPF. Phía đơn vị tổ chức giải khẳng định, sẽ không chấp nhận tồn tại “một ông chủ hai đội bóng” và xử lý dứt điểm ngay từ mùa giải 2013 đúng như quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định.
Nhiều đại biểu đồng tính với quyết tâm của VPF, tuy nhiên, làm sao để giải quyết dứt điểm lại là vấn đề không đơn giản. Đại diện CLB K.Khánh Hòa – Lê Tiến Anh đặt câu hỏi: “Quy chế cấm người thân, đối tác với một ông bầu đầu tư cho một đội bóng chơi cùng giải với ông bầu đó. Nhưng giờ giả sử, họ nhờ bạn bè đứng tên mua đội bóng, về bản chất là “một ông chủ, hai đội bóng” nhưng về lý thì họ không sai, và cũng chẳng thế nào cấm được nếu họ cố tình “lách” kiểu đó. Tôi nghĩ, làm sao vừa giữ được những ông bầu say mê tiếp tục gắn bó với bóng đá, lại vừa để họ vẫn đảm bảo tính công bằng của luật chơi mới là khó”.
Về vấn đề này, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết sắp tới Công ty sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý tại các đội bóng, xóa tiêu cực từ nạn “một ông chủ 2 đội bóng” tồn tại lâu nay.
Ở một diễn biến khác, nguồn tin từ Ban Kiểm tra VFF cho hay, ban này đã thanh tra và xác định ông Đỗ Quang Hiển - “bầu” Hiển từng đầu tư cho cả HN T&T và SHB ĐN mỗi đội khoảng 50 tỷ/mùa giải. Được biết Ban Kiểm tra VFF sẽ sớm có báo cáo trình Bộ VH-TT&DL để ra kết luận chính thức về trường hợp gây bức xúc dư luận này.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thông qua một số sửa đổi trong quy chế như: Những CLB không chứng minh được kinh phí hoạt động sẽ phải chơi ở hạng dưới; từ mùa giải 2015, bắt buộc CLB phải có 4 đội bóng (U15, 17, 19, 21) tham dự giải trẻ; mức lương tối thiểu 10 triệu/tháng với cầu thủ V-League và 6 triệu/tháng với cầu thủ hạng Nhất; từ mùa giải 2012, trong danh sách đăng ký các đội phải có ít nhất 3 cầu thủ quốc tịch Việt Nam dưới 22 tuổi; cầu thủ ngoài 25 tuổi mới được phép chuyển nhượng… |