Hội không đăng ký vẫn được thừa nhận, bảo vệ

ANTD.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, quyền lập hội là quyền tự do của cá nhân, quyền của công dân. Dù đăng ký hay không, Nhà nước vẫn thừa nhận, vẫn bảo vệ, yêu cầu họ hoạt động theo pháp luật. 

Hội không đăng ký vẫn được thừa nhận, bảo vệ ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng bảo vệ quan điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập hội 

Hôm nay (ngày 9-9), các đại biểu tham gia Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến dự thảo Luật về hội. Quy định các hội muốn thành lập phải đăng ký và các hội ở nước ngoài hoạt động ở trong nước là những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Theo đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam), tất cả các hội đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Những hội có số lượng hội viên lớn, tác động xã hội rộng, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, có thể đăng ký với các cơ quan Trung ương. Còn các hội phạm vi tác động nhỏ có thể đăng ký với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí là cấp xã. 

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hội nào cần đăng ký phải nói rõ, tránh trường hợp lúng túng khi thực hiện. Đại biểu này nêu rõ, cần liệt kê những loại hội phải đăng ký để vừa đảm bảo quyền lập hội, vừa đảm bảo sự quản lý Nhà nước. Đối với hội không đăng ký, có thể bổ sung quy định thông báo với chính quyền sở tại.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng có nhiều cách phân loại hội, có thể theo tên, theo hình thức, theo pháp nhân hay không pháp nhân. Luật tiếp cận theo hướng có đăng ký hay không có đăng ký bởi tiếp cận theo hướng quyền lập hội là quyền tự do của cá nhân, quyền của công dân.

"Nhiều hội không đăng ký nhưng vẫn hoạt động tốt, không thể bắt họ đăng ký được. Khi họ không đăng ký vẫn hoạt động hợp pháp. Dù đăng ký hay không, Nhà nước vẫn thừa nhận, vẫn bảo vệ, yêu cầu họ hoạt động theo pháp luật", ông Định phân tích. 

Thảo luận về vấn đề chủ thể nước ngoài tham gia thành lập hội ở Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) lo ngại việc phải đối mặt với những vấn đề rủi ro chưa lường trước được, vì khả năng các hội có thể biến tướng, chuyển hóa lệch lạc.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Khắc Định lại bảo vệ quan điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền tham gia hội do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập và được thành lập hội theo quy định Chính phủ.

Ông Định nhấn mạnh: “Dứt khoát phải cho bởi đây là nhu cầu thực sự của họ, cũng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Thực tế Chính phủ đã có Nghị định 08/2008/NĐ-CP về việc thành lập hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở tự nguyện, phi Chính phủ, phi chính trị và phi lợi nhuận. Vấn đề này rất nhạy cảm nhưng không thể không cho”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, luật không thể quy định chi tiết, cụ thể về tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, nhưng phải quy định những vấn đề lớn có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc sau này Chính phủ quy định