Hồi hộp như khám sức khỏe đi Trường Sa

ANTD.VN - Với hải trình kéo dài dự kiến khoảng hơn 20 ngày,  nhưng trong mùa biển động, thậm chí còn lâu hơn, nên công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn phóng viên xuống tàu ra đảo Trường Sa được Vùng 4 Hải quân chuẩn bị hết sức chu đáo. Từng phóng viên dù bất kỳ ở cơ quan, đơn vị nào nếu muốn được xuống tàu ra các đảo thì đều phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của việc kiểm tra sức khỏe.

Đi biển cuối năm điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải chiến đấu, chiến thắng với biển động, với mưa bão. Những cơn sóng cao tới vài mét, dồn dập liên tiếp cả đêm lẫn ngày khiến cho nhiều phóng viên, thậm chí cán bộ chiến sỹ tân binh dù được rèn luyện dưới nắng thép cũng phải nôn nao. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, bằng ý chí và nghị lực, tình yêu biển đảo, Trường Sa của Tổ quốc, đoàn công tác đã hoàn thành xuất sắc hành trình thay, thu quân, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên các đảo trong quần đảo Trường Sa đầu năm 2020.

Chuyến đi đầu tiên và cuối cùng

Do nhiều đồng nghiệp đã đến từ sáng 19-12-2019, thậm chí ngày hôm trước nên khi thấy tôi đến, chị lễ tân khách sạn Trường Sa làm thủ tục nhận phòng cho tôi rất nhanh. Cùng ở với tôi là anh bạn đồng nghiệp của Đài truyền hình Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên, tên là Hoàng Đình Chiểu. Anh Chiểu năm nay cũng ngót nghét 60 tuổi, khoe với tôi rằng đây là chuyến đi Trường Sa đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của cuộc đời làm báo, vì đến tháng 9-2020 anh được nghỉ hưu theo chế độ.

Cầm trên tay kết quả khám sức khỏe với cái dấu đỏ chót mà Quân y của Vùng 4 Hải quân đóng chứng nhận sức khỏe đủ để đi biển, anh Chiểu nói như khoe với tôi: “Để đi được Trường Sa, tớ phải cố gắng rất nhiều, nhất là rèn luyện sức khỏe, trị mấy cái bệnh mãn tính của tuổi xế chiều”.

Công tác kiểm tra sức khỏe cho phóng viên trước khi xuống tàu được Vùng 4 Hải quân làm rất chặt chẽ để đảm bảo tuyệt đối an toàn chuyến đi

Theo kế hoạch, tất cả các phóng viên muốn được xuống tàu để ra đảo thì đều phải qua khâu kiểm tra sức khỏe. Đương nhiên, anh nào đủ tiêu chuẩn sẽ có cái dấu của Vùng 4 Hải quân đóng vào tờ kết quả như anh Chiểu, còn không thì ở nhà, bất luận báo nào... Đối với một phóng viên có tuổi như anh Chiểu, có lẽ những bệnh như huyết áp, tim mạch sẽ là rào cản lớn nhất. Chả thế mà trong kết quả khám của anh Chiểu có tới 2 phiếu khám đo những chỉ số tim mạch, huyết áp ở những thời điểm khác nhau, để chắc chắn người phóng viên này có đủ sức khỏe xuống tàu.

Cũng giống như anh Chiểu, anh Trịnh Văn Vinh, phóng viên của Tạp chí Kiểm tra của UBKT Trung ương năm nay cũng đã bước vào tuổi U60 và đến tháng 9-2020 sẽ nhận sổ hưu. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên và có lẽ nói như anh Vinh là chuyến đi cuối cùng được ra quần đảo Trường Sa. Khi đứng xếp hàng với đám phóng viên trẻ như chúng tôi để chờ khám, dù cố gắng nhưng khuôn mặt anh vẫn không giấu nổi tâm trạng bồi hồi, lo lắng. Nhiều tuổi là vậy, song anh lại là người có sức khỏe khá tốt so với không ít phóng viên trẻ khi trong suốt hành trình, anh không hề bị say sóng, cơm ăn đủ 3 bữa, thậm chí còn lên cân.

Phóng viên Hoàng Đình Chiểu vui mừng kết thúc chuyến công tác biển dài ngày 

Việc đỗ vòng kiểm tra sức khỏe ấy đủ khiến người phóng viên kỳ cựu vui mừng như đứa trẻ được quà, gọi vội về khoe với đơn vị, vợ con, gia đình. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi ước mơ được một lần đặt chân đến với quần đảo Trường Sa không chỉ là mong ước cháy bỏng của riêng anh Chiểu mà có lẽ còn với tất cả những người con dân đất Việt.

Trong ngày đầu tiên kiểm tra, có khá nhiều phóng viên đã phải gác lại ước mơ ra Trường Sa bởi những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Chẳng ai giấu được cảm giác buồn bã đến tột đỉnh khi không được xuống tàu cùng đồng nghiệp, nhưng rõ ràng, quy định được ban hành không thể làm khác, nhất là yêu cầu đảm bảo an toàn cho thành viên đoàn luôn được chỉ huy đoàn đặt lên hàng đầu.

Vừa lấy vợ cũng xung phong đi Trường Sa

8h sáng ngày 20-12, chiếc xe 16 chỗ ngồi của Vùng 4 Hải quân đỗ tại trước sảnh khách sạn chờ chúng tôi, những phóng viên đang ngồi ăn sáng để đợi đón vào bệnh viện Vùng 4 Hải quâb khám sức khỏe. Ngồi trên xe, anh em phóng viên nào cũng nói cứng chỉ bị “viêm màng túi” chứ không hề có vấn đề gì về sức khỏe, hoặc khoe sáng nào cũng chạy, tập tạ nhưng trên khuôn mặt ai cũng lộ rõ vẻ lo lắng. Tất cả đều hiểu rằng, khi chưa cầm kết luận với dấu đỏ chót của Quân y Vùng 4 Hải quân triện vào đủ điều kiện xuống tàu đi đảo, thì những lời nói cứng trên cũng chỉ mang tính chất trấn an nỗi lo lắng đang dâng trào. Chỉ cần huyết áp, hay tim mạch “chạy nhanh” hoặc “chậm” một chút là bị loại ngay.

Chỉ sau ít phút, chiếc xe chở chúng tôi vào đến bệnh viện. Những tờ phiếu đăng ký họ tên, đơn vị của từng phóng viên được các y - bác sỹ trong bệnh viện cấp phát và theo đúng chỉ dẫn, đám phóng viên chúng tôi lần lượt đến các phòng để kiểm tra huyết áp, tim mạch, siêu âm, chụp Xquang…

Để ra được các đảo với cán bộ chiến sỹ, phóng viên phải có đủ sức khỏe vượt qua sóng gió, biển động cuối năm

Khỏi phải nói, khi phóng viên nào vào phòng khám, những người đứng ngoài chờ lo lắng và sốt ruột ra sao. Đối với những phóng viên tiên phong vào khám trước thì tâm trạng cũng bồi hồi, lo lắng không kém. Trong suy nghĩ lúc ấy, một là cầm kết quả vui vẻ bước ra khỏi phòng, sang khám tiếp ở những phòng khác, hai là xác định không đạt sẽ quay về khách sạn thu dọn đồ đạc, đứng ở trên bờ nhìn Hoàng Sa, Trường Sa từ xa, trước khi trở lại gia đình, cơ quan.

Phòng đầu tiên tôi vào kiểm tra sức khỏe là phòng chụp Xquang. Mấy phút đứng để chụp Xquang tim, phổi là khoảng thời gian chờ đợi cũng khá dài. Khi xong và ra ngoài, câu đầu tiên tôi hỏi bác sỹ là em có đi đảo được không và nhận lại cái gật đầu cùng nụ cười kèm theo câu chốt của bác sỹ: “Sức khỏe quá ổn để xuống tàu”.

Ước mơ ra Trường Sa dù chỉ một lần luôn cháy bỏng trong trái tim của bất cứ con dân đất Việt nào

Nhưng đó cũng chỉ là một trong số rất nhiều những phòng phải khám trong buổi sáng ngày 20-12-2019. Lần lượt tiếp theo là các y  - bác sỹ kiểm tra huyết áp, đo tim mạch, siêu âm ổ bụng… Mấy anh em phóng viên đã vượt qua được vòng khám sức khỏe tiếp theo cố gắng nói cứng nhưng cũng chỉ là động viên tinh thần để chờ đợi vòng kết luận cuối cùng. Khi cầm tờ kết luận trên tay của chỉ huy xác nhận sức khỏe của tôi đủ tiêu chuẩn để xuống tàu đi đảo, cảm giác vui mừng trào dâng trong lòng.

Nhiều anh em phóng viên khác cũng có cảm giác vui như tôi, bởi trong chuyến đi Trường Sa lần này, đây là chuyến đi đầu tiên ra Trường Sa của khá đông anh em báo chí. Phóng viên Cao Viết Đào, báo Hòa Bình vừa lấy vợ được 1 tuần, nhưng vẫn hăng hái xung phong đi Trường Sa. Có đồng nghiệp khi cầm kết luận đủ sức khỏe đi đảo, đã vui mừng nói to: “thích như là lấy vợ”, đủ để thấy khao khát đến với Trường Sa dù chỉ một lần trong đời nó cháy bỏng, mãnh liệt, tha thiết đến nhường nào trong mỗi phóng viên, mỗi người dân đất Việt.  

Sau này, khi chúng tôi xuống tàu lênh đênh trên biển đảo trong suốt 20 ngày, mới hiểu hết giá trị của việc sàng lọc sức khỏe cho phóng viên trước khi bắt đầu hải trình dài ngày. Dù tất cả đều có “chứng nhận đỏ” nhưng ngày đầu tiên và thứ 2, sóng biển cao vài mét, dữ dội ầm ập đánh vào hai bên mạn tàu, con tàu lắc lư, chao đảo suốt ngày đêm đã khiến không ít phóng viên bị say sóng.

Nhiều người nằm bẹp trên giường, dưới sàn tàu mà nôn đến mật xanh, mật vàng vì sóng dữ, "quên" ăn cơm là chuyện hàng ngày. Mặc dù vậy, bằng trái tim yêu biển đảo và sự cố gắng, đoàn phóng viên chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc chuyến hải trình đi thay, thu quân, tặng quà quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.