Hồi hộp bước vào cuộc

ANTĐ - Trong buổi sáng 3-7, PV Báo ANTĐ đã gặp gỡ các sĩ tử để ghi lại những cảm xúc và hình ảnh đầu tiên trước khi họ bước vào kỳ thi ĐH, CĐ đầy cam go…

Thí sinh hồi hộp chờ làm thủ tục thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự


Muốn suôn sẻ phải… sờ đầu rùa

Có thể nói chưa bao giờ Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại đông đến vậy, sáng 3-7, để vào đến cổng Văn Miếu từ cuối phố Nguyễn Khuyến chúng tôi phải mất 20 phút để nhích từng  tí một. Đây được coi là “điểm nóng” của các sĩ tử đến cầu may. Hầu hết các bãi gửi xe xung quanh khu Văn Miếu đều kín xe. Phòng vé và khu vực gửi xe cho khách tham quan đều bị quá tải. Để vào được bên trong, khách phải xếp hàng dài chờ mua vé. Chen lẫn trong dòng người đông đúc, một thí sinh đi sau chúng tôi vui vẻ nói với cậu bạn đi cùng: “Vào Văn Miếu cốt sờ được đầu cụ rùa thôi”. 

Tại khu vực sân sau của khu Văn Miếu, chúng tôi càng cảm thấy không khí đông đúc, ngột ngạt. Để bảo vệ các hiện vật, Ban quản lý đã có quy định cấm khách tham quan sờ đầu rùa. Song, dù lực lượng bảo vệ đứng rải rác khắp nơi nhắc nhở và “canh chừng”, nhưng chỉ chờ họ lơ là một chút là các sĩ tử lại nhảy vào khu vực cấm cốt sờ đầu cụ rùa lấy “may”. Bác Nguyễn Thanh Bùi, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương tay lăm lăm máy ảnh, ngó nghiêng xung quanh rồi thúc giục cô con gái: “Nhảy vào đi để bố chụp cho cái ảnh đang sờ đầu rùa làm kỷ niệm”. 

Mặc dù, lực lượng bảo vệ khu di tích tích cực hỗ trợ trong những ngày cao điểm này, song tình trạng vi phạm quy định vẫn diễn ra. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết phụ huynh và thí sinh đều nghĩ rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên chẳng mấy ai quan tâm đến những tấm biển “Cấm sờ vào hiện vật”. Bác Trần Thị Hoài, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đưa con gái đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương, chia sẻ: “Bao nhiêu năm đèn sách chỉ trông chờ vào hai ngày thi đại học này nên tôi đã lặn lội cùng con đến đây để cầu xin các bậc thánh nhân phù hộ thi đỗ vào ĐH Kiến trúc”. Chẳng biết kết quả thi của các thí sinh có được như mong muốn hay không, chỉ thấy những địa chỉ văn hóa đã trở nên nhếch nhác, lộn xộn do tình trạng vượt rào chắn, vứt rác bừa bãi, ném tiền, tạo điều kiện cho hành vi nâng giá gửi xe, mất an ninh trật tự xung quanh khu di tích…

Còn bạn Nguyễn Quỳnh Hoa, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho hay: “Trước khi lên Hà Nội, mẹ có đưa em một tờ giấy khi đầy đủ bài khấn để đỗ đại học và bảo em đến đây để thắp hương, có như vậy thánh mới nghe hết lời cầu khấn và phù hộ cho em vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ”. 

Vẫn khá nhiều thí sinh tranh thủ sờ đầu rùa lấy may

Áo xanh ướt đẫm mồ hôi

Có thể nói đội ngũ tình nguyện viên là lực lượng có đóng góp không nhỏ trong những ngày diễn ra kì thi ĐH, CĐ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn thí sinh tại các bến tàu xe, các tình nguyện viên đã được di chuyển về các cổng trường ĐH, nơi tổ chức các địa điểm thi và một số điểm công cộng các sĩ tử hay lui tới trong những ngày diễn ra kỳ thi như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Quán Sứ…

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do đây là nơi tập trung đông thí sinh đến để cầu may trong những ngày này nên có khá nhiều sinh viên tình nguyện chia thành nhừng nhóm ở khu vực bãi để xe, cổng Văn Miếu, bên trong khu vực đặt bia Tiến sỹ… để hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng giao thông, hướng dẫn khách để xe và ngăn không cho thí sinh và người nhà vào… xoa đầu rùa. Trong không khí nóng nực và chật chội, những lưng áo xanh ướt đẫm mồ hôi.

Cũng trong sáng 3-7, có mặt tại cổng trường ĐH Bách khoa, chúng tôi gặp nhiều tình nguyện viên đang nhiệt tình hướng dẫn thí sinh về vị trí phòng thi, thời gian diễn ra từng môn thi. Khi được hỏi: “Điều gì khiến em cảm thấy thú vị nhất khi làm tình nguyện viên”, Thanh Nhung - sinh viên tình nguyện trường ĐH Bách khoa chia sẻ: “Có đứng ở bến xe mới thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin của những bạn thí sinh và người nhà khi lần đầu tiên chân ướt chân ráo lên Thủ đô lớn đến mức nào. Thậm chí có những bạn do gia đình điều kiện kinh tế khó khăn chỉ đi thi một mình, trong túi chỉ có vài trăm nghìn đồng và mù tịt về thông tin. Với những trường hợp này, không chỉ tận tình hướng dẫn, chúng em còn giúp đỡ hết mức có thể như đưa về nhà trọ giá rẻ, chỉ nơi ăn uống đảm bảo VSATTP, giá cả phải chăng. Một số bạn thí sinh từ năm trước sau khi đỗ ĐH còn liên lạc lại để cảm ơn. Với em đó là điều đáng quý nhất”…

“Tuy vậy, do trong những ngày diễn ra kỳ thi lượng người đổ về Hà Nội rất đông nên đã tạo điều kiện cho đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp. Trước tình trạng này, nhiều thí sinh và người nhà luôn có tinh thần cảnh giác cao độ với người lạ nên đã tỏ ý nghi ngờ đối với các tình nguyện viên khi được đề nghị giúp đỡ. Trong khi đó, để hỗ trợ sĩ tử, chúng em có nhiệm vụ phải chia nhau để trò chuyện, hỏi han với tất cả thí sinh đi thi xem họ đã thuê được chỗ ở chưa, có thắc mắc gì không. Thế nhưng, không ít lần, khi em vừa bước đến hỏi thăm “bác và em ở đâu đến ạ”, thì cả thí sinh và người nhà lắc đầu, xua tay và nhanh chóng đi ra chỗ khác. Thậm chí, có phụ huynh khi thấy con mình nói chuyện với các tình nguyện viên còn quát mắng. Những người làm nghề “xe ôm” thì luôn nhìn bọn em như những kẻ đi cướp cơm của người khác vậy” - Thanh Nhung tâm sự. 

Hy vọng với sự giúp đỡ của đội ngũ sinh viên tình nguyện và mong mỏi từ phía người thân trong gia đình, các thí sinh sẽ có một kết quả thi như mong đợi.