Hội chứng “Chiếm lấy phố Wall”

ANTĐ - Lần đầu tiên, một phong trào phản kháng lan rộng tại 951 thành phố ở 82 quốc gia với khẩu hiệu “Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu”.

Dòng người biểu tình đổ về Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ

Xuất phát từ phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” tại thành phố New York (Mỹ) và “Những người phẫn nộ” tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), nhiều cuộc biểu tình đang xuất hiện trên khắp đường phố, từ châu Âu sang châu Á, từ châu Phi đến châu Mỹ. Người dân lên tiếng để đòi công bằng, chấm dứt tình trạng chính quyền chỉ phục vụ quyền lợi của một số ít giàu có mà quên đi nguyện vọng của đa số người dân.

Nhiều nơi, người biểu tình gồm đủ các thành phần, từ công chức, giáo viên, sinh viên, người thất nghiệp và cả những du khách qua đường, đã giơ cao và hô vang các khẩu hiệu: “Chúng tôi chiếm 99%”, “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”, “Phản đối cắt giảm ngân sách”, “Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng”, “Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh”...

Đây là hệ quả của nghịch lý đáng lo ngại đang ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Sau nhiều năm phát triển, chiếc bánh kinh tế toàn cầu đã nở phồng lên đáng kể. Nhưng đáng buồn là người giàu đang ăn hầu hết những lát bánh mới. Không những thế, họ còn dùng quyền lực của mình để bảo đảm chắc chắn là người làm bánh sẽ chuyển những lát bánh trên tới gia đình của họ trước khi chúng được chuyển tới những gia đình nghèo khổ hơn.

Đáng ra phải thực hiện vai trò điều tiết, kiểm soát sự bất bình đẳng xã hội, thì chính phủ nhiều nước lại bị các nhóm lợi ích chi phối, ngày càng ngả theo phái hữu, ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do quá mức, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Các chế độ thuế ít lũy tiến hơn, các chính sách tư nhân hóa đã đẩy các nguồn tài nguyên công cộng vào tay tư nhân làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi hơn cho những người giàu.

Chính vì thế mà biết bao nghịch lý xuất hiện. Chẳng hạn ở Mỹ, những người giàu nhất chiếm 1% của dân số Mỹ đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ mà lại bị đánh thuế thấp hơn hầu hết người dân Mỹ. Mức đền bù trung bình cho một tổng giám đốc điều hành (CEO) của Công ty trong nhóm S&P 500 gấp tới 141 lần mức đền bù tương tự dành cho một công nhân trung bình. Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ nổ ra, chính phủ lại bỏ tiền ra mua lại các tài sản xấu của các ngân hàng. Trong khi người dân Mỹ phải chống chọi với tình trạng thất nghiệp tăng cao, mất an ninh việc làm, thì họ lại chẳng nhận được sự giúp đỡ nào từ Washington. Ngay tỷ phú G. Soros cũng phải thốt lên là hành động của chính phủ “mang đến một sự giúp đỡ nhân tạo cho các ngân hàng và rồi tất cả đè nặng lên vai người nộp thuế”.

Hội chứng “Chiếm lấy phố Wall” đang lan khắp toàn cầu. Nó là lời cảnh báo nghiêm khắc cho mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa. Cựu Tổng thống Ba Lan L. Walesa, người chèo lái đưa Ba Lan theo hướng kinh tế thị trường, song nay cũng phải thừa nhận chủ nghĩa tư bản đang gặp khủng hoảng và có thể tàn lụi vào cuối thế kỷ.