“Hội chọi mi” trên Cao nguyên đá

ANTĐ - Chơi chim họa mi hót, họa mi chiến là một trong những thú chơi rất phố biến của người vùng cao miền núi phía Bắc. Ở vùng Bắc Hà, Lào Cai gần như tuần nào cũng có chợ phiên mua bán, trao đổi chim họa mi. Theo đó, tuần nào cũng có những cuộc thi chim do người dân tự tổ chức như một thú chơi vui ngày cuối tuần. 

“Hội chọi mi” trên Cao nguyên đá ảnh 1

Trên cao nguyên đá bao la ấy, có một nơi thú chơi chim họa mi rất phát triển dù không có những phiên chợ, những hội thi theo tuần mà vẫn vô cùng nổi tiếng. Ấy là tại thị trấn Mèo Vạc, thị trấn vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi năm chỉ tổ chức một lần Hội chim họa mi. Cũng bởi vậy mà Hội chim nơi đây luôn được coi là lớn nhất của cả vùng cao phía Bắc.

Khó có thể tìm được ở đâu ở vùng núi phía Bắc, Đông Bắc hay Tây Bắc lại có một ngày Hội chọi chim họa mi lớn như vậy. Hội là một phần không thể thiếu của Lễ hội Chợ tình Khau Vai nổi tiếng. Vào buổi sáng ngày diễn ra phiên chợ, tại Quảng trường trung tâm thị trấn Mèo Vạc, người chơi chim họa mi từ khắp các tỉnh vùng cao biên giới lại đổ về. Có người từ Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu cũng mang chim về dự thi, mua bán trao đổi những chú chim thắng trận vô cùng náo nhiệt. Người Mèo Vạc có những kỹ thuật riêng độc đáo để nuôi và thuần chim họa mi, luyện cho chim họa mi hót hay, đấu giỏi. Tại các bản làng người Lô Lô, người Mông, Nùng, Tày… hầu như nhà nào cũng treo vài lồng họa mi trước cửa. Cũng bởi vậy mà họa mi ở đây luôn có tiếng hót rất hay, có tài chiến đấu. Vì thế mà sau mỗi lần Hội chọi chim, những người miền xuôi phải lên đây bỏ ra hàng chục, thậm chí vài chục triệu đồng để có thể mua được chú chim như ý của vùng cao nguyên này.

Một lần tới Hội chọi chim ở Mèo Vạc, tôi được nghe câu chuyện về loài chim đặc biệt này và đó cũng là lời giải thích vì sao người vùng cao lại yêu và thích chơi chim họa mi đến vậy. Họa mi vốn là loài chim rất chung tình, khi một con chim trống đã chọn cho mình một bạn tình, nó sẽ không bao giờ bỏ và sẽ bảo vệ bạn tình tới kiệt sức mới thôi. Chính vì vậy mà chim họa mi trống thường chiến đấu rất hăng, đặc biệt là khi có bạn tình bên cạnh, cổ vũ cho nó chiến thắng những con chim trống khác. Nếu một con họa mi trống bại trận trước bạn tình, có thể nó sẽ tự phá giọng hót, thậm chí tự kết liễu bằng cách làm rách họng của mình. Nhiều con khác sau khi bại trận sẽ chỉ sống một mình, không bao giờ đi tìm bạn tình mới, cũng không bao giờ hót nữa. Yêu mến tính cách đặc biệt của họa mi mà rất nhiều người dân vùng cao nuôi loại chim này, tính cách của loài chim cũng thẳng thắn, mộc mạc, chung tình và mạnh mẽ như tính cách của những chàng trai, cô gái vùng cao. 

Nuôi chim họa mi đã khó, chăm sóc còn khó hơn. Đặc biệt để luyện cho một chú họa mi trở thành chim chiến, ngoài việc luyện cho nó có những kỹ năng chiến đấu tốt, có sức khỏe để đánh được lâu, việc huấn luyện cho chim mái biết cách cổ vũ chim trống bằng những màn xòe cánh, những tiếng gù gru gru động viên, khích lệ chim trống cũng là một công việc đòi hỏi nhiều công sức, nhiều thời gian. Nếu có một đôi chim trống - mái ăn ý và hợp nhau thì khi mang đôi chim đi chọi, chim trống sẽ dễ giành phần thắng.

 Hàng năm, Hội chọi chim họa mi ở Mèo Vạc hấp dẫn với những trận chiến căng thẳng và độc đáo. Thú chơi họa mi và những kỹ thuật nuôi, thuần, huấn luyện chim của người Mèo Vạc thường cho những chú chim hót hay, đấu giỏi. Cũng bởi vậy mà mỗi năm một lần, Hội chọi chim ở Mèo Vạc luôn thu hút được đông đảo người chơi và du khách tham quan.

Tin cùng chuyên mục