Hơi ấm lúc hoàng hôn

ANTĐ - Trước đây, tôi vẫn chỉ nghĩ rằng “tình yêu” chỉ dành cho những con người trẻ tuổi. Chỉ có họ mới có những phút xao xuyến, những rung động của con tim. Nhưng trong một lần đến công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, TP Hà Nội, được tận mắt chứng kiến câu chuyện tình cảm của những con người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm tôi mới hiểu rằng tình yêu mãi mãi vẫn là một ẩn số mà chưa một ai có thể lý giải chính xác nhất về nó.
Hơi ấm lúc hoàng hôn ảnh 1

Hai mảnh đời dang dở

Đang mải mê thăm thú, chụp ảnh quanh trung tâm bỗng dưng ống kính máy ảnh “chộp” được một cảnh có thể nói là “lạ” khiến tôi rất tò mò. Đó là hình ảnh hai cụ già móm mém đang ngồi trò chuyện, đấm lưng cho nhau rất vui vẻ. Điều đặc biệt, đây là hành động của một cụ ông đối với một cụ bà. Họ là cặp đôi duy nhất thể hiện sự quan tâm chăm sóc cho nhau, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cử chỉ rất tình tứ. Nhìn họ trong đầu tôi chợt nghĩ chẳng lẽ cả hai vợ chồng cụ cùng nhau xin vào trung tâm hay sao? Thấy chuyện “lạ” tôi bèn thắc mắc với chị Lê Thị Kim Thanh (SN 1971), Phó phòng Y tế của Trung tâm.

Nghe câu hỏi của tôi chị Lê Thị Kim Thanh chỉ mỉm cười rồi phân trần: “Em mới đến đây lần đầu nên thấy cảnh đó có vẻ lạ so với những cảnh trong trung tâm vậy thôi. Chứ ở đây ai cũng biết họ không phải là vợ chồng nhưng đã tự nguyện gắn bó, chăm sóc nhau gần 10 năm nay rồi đấy. Chuyện tình của hai cụ khiến cho mọi người ở đây đều cảm phục và hiểu ra rằng tình yêu không kén hình hài, tuổi tác, nó tồn tại ở khắp mọi nơi…”.

Thật sự, câu chuyện về tình yêu của hai cụ già đều đã gần 90 tuổi đã hấp dẫn trí tò mò của tôi. Vì thế mà không chần chừ một phút tôi quyết định nhờ chị Thanh tạo cơ hội giúp mình được trò chuyện với “cặp tình nhân” đặc biệt này. Qua lời giới thiệu ban đầu tôi được biết cụ ông tên Nguyễn Văn Tỵ (84 tuổi, người Hà Nội gốc), còn cụ bà Nguyễn Thị Tâm (86 tuổi, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ). Cả hai cụ đều vào trung tâm được gần 10 năm nay và họ cũng gắn bó với nhau ngay từ những ngày đầu gặp mặt.

Sự xuất hiện của một chàng thanh niên lạ mặt như tôi cũng không khiến hai cụ mất đi vẻ tự nhiên. Cụ Nguyễn Văn Tỵ  vui vẻ chia sẻ: “Bà ấy mấy hôm nay bị ốm, kêu đau lưng đau người suốt nên tôi phải đấm lưng giúp bà ấy. Cùng cảnh già cả với nhau cố gắng giúp nhau được ít nào trước khi về với các cụ là tốt ít đó. “Khổ tận cam lai” của cuộc đời mình đã trải qua hết rồi, nay còn sống được ngày nào thì cố gắng sống thật vui vẻ và có ích…”.

Cụ Tỵ bắt đầu lần mò trí óc về một thời trai trẻ đầy sóng gió của mình: “Là một chàng trai đất Hà thành tôi cũng có những hoài bão lớn lao như bao bạn trẻ khác. Nhưng vì đất nước chiến tranh liên miên, kinh tế gia đình thời đó cũng khó khăn nên việc học hành cũng chẳng đến đâu. Đến năm 27, 28 tuổi gì đó tôi cũng lập gia đình với một cô gái gần nhà. Cả hai rất yêu thương nhau, cùng nhau quyết tâm sẽ làm mọi việc để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhờ chịu thương chịu khó, vợ chồng đồng lòng nên kinh tế gia đình cũng không đến nỗi nghèo túng nhưng đã 3 năm chung sống với nhau mà vợ tôi vẫn chẳng có tin vui. Khi hai vợ chồng đưa nhau đi khám mới phát hiện mình bị vô sinh”.

Nhận tin sét đánh khiến cho những viễn cảnh về một gia đình hạnh phúc bấy lâu nay sụp đổ ngay trước mắt ông Tỵ. Mặc dù vợ ông nhất quyết sẽ gắn bó với ông và hai người sẽ nhận con nuôi nhưng vì thương vợ còn quá trẻ mà bắt cô ấy gắn bó cả cuộc đời còn lại của mình với một người không có thiên chức “làm cha” thì thật nhẫn tâm. Với ý nghĩ đó ông Tỵ đã tìm mọi cách khuyên vợ không nên vì mình mà khổ cả cuộc đời mà hãy đi tìm cho mình một cuộc sống mới. Ông sẽ không trách cứ gì cả mà còn cảm thấy vui nếu vợ mình hạnh phúc. Rồi ngày người vợ quyết định đi tìm một chân trời mới mà không có ông Tỵ cũng đến. Kể đến đây, ánh mắt của ông cụ bỗng nhiên buồn xa xăm: “Ngày biết mình vô sinh tôi đau khổ bao nhiêu thì ngày vợ ra đi tôi buồn gấp nhiều lần. Nhưng vì hạnh phúc của bà ấy nên đành kìm nén để những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Cố gắng để người ra đi không cảm thấy áy náy, có lỗi...”.

Cũng từ ngày ấy chàng thanh niên bắt đầu cuộc sống lang bạt “nay đây mai đó” của mình, nó cũng là một cách giúp ông quên đi những nỗi đau. Vì không muốn giáp mặt với những người thân, bạn bè nên ông Tỵ đã bỏ nhà ra Quảng Ninh làm nghề bốc vác. Cuộc sống của ông có thể nói như một chàng trai du mục “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” vẻ ngoài tuy yên ả, phẳng lặng nhưng trong lòng thì đang dậy sóng. Thời gian thấm thoắt trôi, ngoảnh lại bất chợt ông nhận ra mình đã ở cái tuổi mà bạn bè đã lên chức ông nội, ông ngoại rồi còn mình thì vẫn một thân một mình. Một ngày, ông nhận được tin là vợ cũ mình hiện đã có gia đình, cùng với 3 người con khiến ông cũng vui lây. 

Còn về hoàn cảnh của bà Tâm cũng éo le không kém gì ông Tỵ khi lập gia đình hai vợ chồng bà cũng không có khả năng sinh con. Vợ chồng bà cũng ra sức chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả chưa thấy đâu thì chồng bà đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Một lòng son sắt với người chồng đã khuất nên bà Tâm nhất quyết không đi bước nữa mà xin nhận con nuôi. Bao năm vất vả nuôi con khôn lớn đến ngày con gái vu quy cũng chính là ngày bà trở thành người cô đơn. Vì lo tuổi già sức yếu, lại không có người bên cạnh chăm sóc những lúc “trái gió trở trời” nên bà quyết định xin vào ở hẳn trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 3.

Hạnh phúc trước hoàng hôn

Người ta thường nói những ai cùng cảnh ngộ thì sẽ dễ thông cảm cũng như thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau. Và câu nói đó đã đúng trong trường hợp của ông Tỵ, bà Tâm. Ngay từ những ngày đầu gặp nhau trong trung tâm, hai tâm hồn cô đơn chẳng biết từ bao giờ đã tự nguyện gắn bó với nhau. Và họ đã trở thành một cặp “tình nhân” đặc biệt khiến cho mọi người đều cảm thấy thán phục.

Ông Tỵ kể lại những ngày đầu tiên gặp mặt bà Tâm: “Vì thường xuyên ngồi trò chuyện với nhau về những chuyện ngày xưa, chuyện về gia đình nên tôi và bà ấy (tức bà Tâm) đều biết rất rõ hoàn cảnh éo le của nhau. Vì có cảnh ngộ tương đồng nên càng dễ thông cảm cho nhau, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của nhau. Đặc biệt, vì phải sống cuộc sống thiếu thốn tình cảm gia đình từ khi còn trẻ nên lúc về già tôi mới khao khát cái hạnh phúc đó vô cùng. Tôi đã chủ động bày tỏ quan điểm của mình nhưng bà ấy nhất quyết từ chối và cho rằng đã ở cái tuổi này rồi làm thế người ta cười cho”.

Không vì bị từ chối thẳng thừng mà ông Tỵ nản chí ngược lại ông kiên trì giải thích cho bà Tâm hiểu rằng cả hai người tuổi đều đã cao mà các cụ ta vẫn có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Bà cứ để tôi chăm sóc bà những lúc ốm đau và ngược lại như thế vừa tốt cho bản thân lại không phải làm phiền nhiều đến cán bộ trung tâm. Không chỉ dùng lời nói, ông Tỵ cũng cố gắng thể hiện bằng hành động đơn giản nhưng ý nghĩa đó là thường xuyên giúp bà Tâm đi lấy cơm, nước. Những lúc bà mỏi mệt thì chủ động xoa bóp cho bà.

Những hành động chân thành của ông Tỵ cuối cùng cũng được bà Tâm hiểu và chấp nhận. Hai người chẳng ai bảo ai cứ thế gắn bó cuộc sống của mình với nhau như một gia đình. Bà Tâm cũng đã hứa: “Dù có khó khăn gì cũng sẽ giúp đỡ và ở cạnh nhau đến lúc trở thành người thiên cổ”. Mới đó, mà họ đã bên nhau, chăm sóc cho nhau được gần 10 năm trời. 

Dù là “tình trẻ” hay “tình già” thì tình yêu vẫn có chung một điểm chung muôn thuở đó là những phút giận hờn.

Chuyện tình cảm của ông Tỵ - bà Tâm cùng không nằm ngoài quy luật đó. Ông Tỵ chia sẻ: “Có lần tôi làm bà ấy giận, không chịu cho tôi đi lấy cơm giúp hay nói chuyện với tôi. Những lần như thế tôi luôn phải chủ động tìm cách để làm lành trước. Với bản tính điềm đạm lại luôn ghi nhớ lời dặn của mẹ là phải giúp đỡ những người khó khăn hơn mình nên mỗi lần bà ấy cáu giận là tôi phải tự nhún nhường. Rồi đợi đến khi bà ấy bình tĩnh mới ra tỷ tê, nói chuyện phải trái cho bà ấy hiểu”.

Một thứ nữa cũng không thể thiếu để tạo nên tình yêu đó là những món quà. Nhưng quà của ông Tỵ thì phải nói là “độc nhất vô nhị”, đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Nó đơn thuần chỉ là những lời động viên, an ủi: “Bà cứ cố gắng sống thật khỏe tôi sẽ phục vụ bà…”. Có tận mắt chứng kiến tôi mới dám tin là ở cái tuổi “cổ lai hy” thì con người ta vẫn có thể yêu. Và tình yêu vẫn vậy, không có biên giới, nó luôn tồn tại quanh chúng ta dù là những miền đất hứa hay nơi khổ cực cô đơn nhất.