“Sốc” vì cô giáo có học sinh hiểu “canh gà Thọ Xương” là món ăn xin nghỉ việc:

Học văn ngô nghê, tại cô hay trò?

ANTĐ - “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là câu tục ngữ nói về lao động, sản xuất. Con đường cứu nước của Bác Hồ được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lê tức là ông Lê học Mác...v.v và v.v, đó là những sai sót ngô nghê của học sinh trong môn Văn được giáo viên nhặt ra giống như món “canh gà Thọ Xương”. Giáo viên Văn tự hào đã góp phần tạo dựng chiều sâu văn hóa trong mỗi học sinh nhưng họ cũng buồn bởi nhiều em đang quay lưng với bộ môn này. 

“Ngồi ăn sáng cũng thấy phụ huynh chê cô giáo”

Sự việc học sinh hiểu câu ca dao “canh gà Thọ Xương” là một món ăn đang thổi bùng lên nhiều quan điểm, trong đó nặng về chê trách cô giáo đã không hướng dẫn đầy đủ. Nghiêm trọng hơn nhiều người nhận định rằng chính bản thân cô cũng hiểu sai câu ca dao nổi tiếng này. Lại có cách đặt vấn đề xuất phát từ thực tế rằng phụ huynh phát hiện sự thiếu trách nhiệm của cô giáo khi giao việc chấm bài kiểm tra cho con hay học sinh cũ thay vì trực tiếp chấm bài khi cô vẫn chấm điểm 8+ mà không chỉ ra lỗi sai nghiêm trọng đến vậy của học trò. Nhiều người còn suy rộng ra, nghi ngờ chất lượng giảng dạy của các trường sư phạm, nôi đào tạo ra những giáo viên có trình độ, kiến thức như vậy...

“Chúng tôi rất quan tâm đến thông tin về cô giáo Thủy, trường THPT Lomonoxop, dù không dạy cùng trường. Sự việc được nhà nhà bàn luận, thậm chí đi ăn sáng cũng thấy từ người bán hàng đến khách hàng cùng sôi nổi phân tích. Ai cũng đặt câu hỏi, giáo viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm loại giỏi, luận văn 10/10 mà lại dạy như thế? Tôi hiểu, phụ huynh bức xúc là đúng nếu cô giáo dạy con mình những điều như vậy. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm dạy học, tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến cách hiểu của học sinh như vậy và cần phải xem xét kỹ xem là do đâu” - Cô P.N Lai, trường THCS Minh Khai cho biết.

“Tôi khẳng định rằng không thể có giáo viên dạy Văn, tốt nghiệp ĐH Sư phạm mà lại có thể sai lầm đến mức như vậy. Đây chắc chắn là cách hiểu không đúng hay một cách đùa mà học sinh vẫn hay làm trên lớp. Sự việc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của giáo viên nói chung. Trong khi đó, hàng ngày vẫn có rất nhiều học sinh không nghe giảng hay cố tình nói lái, nói ngược để gây cười. Nếu những thông tin này cũng được phân tích theo cách thức trên thì giáo viên chúng tôi sẽ phải giải thích đến đâu để được thông cảm” - cô P.L.Phong, trường THCS Giảng Võ lo ngại.

Học sinh ngày càng ít quan tâm đến môn Văn

“Hiện tôi đang đứng lớp với cả 3 khối 6, 7, 8. Trong số gần 100 học sinh đang học tôi chỉ chọn ra được duy nhất 3 học sinh thực sự yêu thích môn Văn để bồi dưỡng và truyền cảm hứng cho các em đối với môn học này. Còn lại đa số các em chỉ học để đối phó, học với sự chểnh mảng, chỉ quan tâm đến điểm số chứ không hề có ý định theo đuổi môn học này theo đúng tầm của nó. Đấy cũng là lý do vì sao các con có những câu nói, cách hiểu khá ngô nghê” - cô Phong cho biết. 

Cũng chính vì tình trạng học sinh không yêu thích môn Văn nên có rất nhiều tình huống các em phát biểu rất tự do để gây sự chú ý của các bạn thay vì học tập nghiêm túc. “Chiếc lá cuối cùng là tác phẩm rất cảm động của nhà văn O’Henri, vậy mà khi cô giáo đọc đoạn kết truyện, một học sinh ngồi dưới nói vọng lên, nhân vật chính ông Bơ-men là người dại gái. Các em có thể lấy một câu chuyện cảm động như vậy ra để đùa thì cũng rất có thể gọi “canh gà Thọ Xương” là món ăn” – cô Lai phân tích thực trạng học sinh học Văn hiện nay.

“Khó có thể chấp nhận việc hiểu sai như thế ở học sinh thì càng không thể nói rằng giáo viên lại dạy sai kiến thức đến vậy. Nhưng ở đây cần phải nhìn nhận rằng khả năng cảm thụ văn học của học sinh bây giờ đi xuống nhiều. Điều này xuất phát một phần ở cách dạy của giáo viên nhưng có thực tế mà giáo viên có cố gắng mấy cũng không đi ngược lại được là xu thế thực dụng, coi trọng môn Toán, Tiếng Anh hơn là Văn học” – thầy P.M.Trung, trường Việt Hưng cho biết. Rất ít phụ huynh muốn con theo đuổi môn Văn trong khi không tiếc tiền đầu tư môn Toán và Tiếng Anh với quan điểm đây là những môn phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp tương lai.

Cũng không thể hoàn toàn trách học sinh thờ ơ với môn Văn bởi một thực tế là nhiều khi chương trình quá nặng và xa rời thực tế, tâm lý lứa tuổi. Mới lớp 7, chưa có hiểu biết về xã hội, các em đã được yêu cầu làm các đề văn nghị luận hay học và phân tích thơ Đường. Người lớn nhiều khi đọc còn không hiểu thì nói gì đến bắt trẻ con phải nghe, phải hiểu. Đây là ý kiến của khá nhiều giáo viên Văn phản ánh về chương trình môn Văn quá nặng ở bậc học này. Theo họ, đây cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng làm giảm hứng thú và sự quan tâm của học sinh với môn học này.

Món “canh gà Thọ Xương” đã đưa đến một kết cục buồn khi một cô giáo trẻ, được đánh giá cao về năng lực đã không trụ vững trước áp lực dư luận. Quyết định xin nghỉ việc đã được đưa ra và chưa biết đến khi nào cô giáo mới có đủ tự tin để quay về với trường, với lớp dù đã có rất nhiều lời động viên, chia sẻ của đồng nghiệp, học sinh. Đây cũng là lúc cần thiết phải có sự cảnh tỉnh về việc xa rời môn Văn cũng như các môn xã hội khác bởi tính thực dụng của người lớn đang khiến lớp trẻ trở nên ngô nghê, thiếu chiều sâu văn hóa. Chỉ còn cách nghĩ tích cực khác rằng từ câu chuyện này, học sinh, giáo viên và cả phụ huynh nữa sẽ cùng có trách nhiệm hơn với quá trình “trồng người” lâu dài vì chỉ một sai sót nhỏ về kiến thức dù là của ai cũng sẽ dẫn đến những hiệu ứng khôn lường.