Học trực tuyến kéo dài, hiệu trưởng ở Hà Nội mong phụ huynh kiên trì, giáo viên không nóng vội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng dạy học trực tuyến vẫn có thể kéo dài, hiệu trưởng một trường phổ thông Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi phụ huynh, giáo viên học sinh đang có dấu hiệu hết kiên trì.

Việc dạy học trực tuyến vẫn phải kéo dài ở một số địa phương đang gây tâm lý bất an khi đa phần phụ huynh phải đi làm trở lại trước yêu cầu bình thường mới.

Sau khi đọc bài “Nhiều thứ ‘oái oăm’, phụ huynh xin ‘buông’ việc học online của con” và bài “Ông bố Hà Nội ‘đập nát’ iPhone, cho con nghỉ học online”, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường phổ thông Marie Curie, Hà Nội chia sẻ ông rất lo lắng và thông cảm với các vị phụ huynh.

Thầy cho biết đã suy nghĩ nhiều về sự việc được nêu và cảm thấy sự thôi thúc phải viết thư chia sẻ với phụ huynh, học sinh và giáo viên khi thời gian tạm dừng đến trường kéo dài quá lâu.

Theo thấy Khang, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (27/4/2021) đến nay đã 5,5 tháng. Học sinh Hà Nội cũng chừng ấy thời gian không được đến trường. Các trường phải hoàn tất chương trình năm học 2020 - 2021 và khai giảng năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực truyến, theo chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Thời gian “tạm dừng đến trường” quá lâu, việc học chuyển sang hình thức online đã nảy sinh nhiều vấn đề.

Việc học chuyển sang hình thức online kéo dài đã nảy sinh nhiều vấn đề.

Việc học chuyển sang hình thức online kéo dài đã nảy sinh nhiều vấn đề.

"Lúc bình thường, sáng sớm hằng ngày, cả nhà thức dậy, bố mẹ chuẩn bị đi làm, các con chuẩn bị đi học. Suốt cả ngày, công việc cuốn hút bố mẹ, học hành cuốn hút các con. Sau một ngày làm việc và học tập, cuối chiều, cả nhà đoàn tụ trong bữa tối ấm áp, vui vẻ…

Dịch bệnh bùng phát, phải giãn cách xã hội; bố mẹ, con cái đều ở nhà, cả ngày “ra đụng, vào chạm” nên dễ phát sinh những “vấn đề” không mong muốn. Phòng, chống dịch bệnh đã áp lực, công việc trở nên khó khăn, thu nhập giảm sút… khiến tâm lý của người lớn trong gia đình luôn căng thẳng, lo lắng, không mấy được vui vẻ, thảnh thơi. Con lớn, con bé đều ở nhà nên bố mẹ vừa lo ăn, lo ngủ, lại còn lo kèm cặp học online. Con ngoan thì còn đỡ, con bướng bỉnh thì chịu không nổi.

Trẻ con vốn hiếu động, bị “nhốt” nhiều tháng trong nhà, không được giao lưu với bạn bè nên cảm thấy bức bí, khó chịu. Học online là tình huống bắt buộc, đường mạng thì phập phù, bài giảng của thầy cô thì khó tiếp thu, bài tập thì nhiều, muốn hỏi thầy, hỏi bạn thì có ít cơ hội.

Nền nếp học hành, ăn, ngủ, vui chơi như ở trường bị phá vỡ. Một vài tuần thì không sao, mấy tháng liền thì tâm lý biến chuyển xấu. Ai cũng biết, nhìn nhiều vào màn hình máy tính/điện thoại sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt, thị lực bị suy giảm.

Tôi vừa hỏi một lớp 8, trong số 31 học sinh thì có 21 con thường xuyên đeo kính (68%). Sau nhiều tháng học online, rất có thể số học sinh phải đeo kính sẽ tăng nhiều, số học sinh phải đi thay kính do tăng độ cận thị cũng sẽ nhiều lên.

Dịch bệnh chưa kiểm soát được, việc học sinh đến trường chưa thật sự an toàn, vì thế phải tiếp tục ở nhà học online. Dự kiến ở hai thành phố lớn nhất, có thể đón học sinh trở lại trường: Hà Nội vào tháng 11/2021, TP. Hồ Chí Minh vào tháng 01/2022. Như vậy, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần vững vàng để học online một thời gian khá dài nữa.

Tôi mong quý vị phụ huynh kiên trì hơn nữa, chịu khó hơn nữa, bình tĩnh hơn nữa trong việc chăm sóc, giúp đỡ các con học hành ở nhà.

Thầy mong các con học sinh quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn nữa, hết sức thông cảm với bố mẹ trong giai đoạn vô cùng khó khăn này. Bên cạnh việc học, các con tranh thủ làm một số việc nhỏ trong nhà để đỡ đần bố mẹ. Lúc bố/mẹ nóng giận thì ôm lấy bố/mẹ và nói: “Con xin lỗi, con yêu bố mẹ lắm!”, bố mẹ sẽ nguôi giận ngay.

Tôi đề nghị các thầy cô không nóng vội “chạy chương trình” mà hãy xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, có nhiều tương tác với học sinh để tiết học ngắn lại, buổi học ngắn lại so với học trực tiếp, đồng thời giao ít bài tập (vì còn nhiều môn khác nữa). Tiếp đến là thường xuyên hỏi han học sinh và phụ huynh để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, mỗi người chúng ta cần cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn này"- thầy Nguyễn Xuân Khang nhắn nhủ.