Học trò được “chấm điểm” thầy cô?

ANTĐ - Ngày 11-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội tìm hiểu mô hình lấy ý kiến học sinh để giúp giáo viên nỗ lực tự thay đổi cả về trình độ chuyên môn lẫn thái độ ứng xử làm sao để “chạm vào trái tim học trò”.

Học trò được “chấm điểm” thầy cô? ảnh 1
Ý kiến đánh giá của học sinh giúp thầy cô ngày càng hoàn thiện hơn
về cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp


Mất 10 năm để được tôn vinh

Xuất phát từ ý tưởng của thầy hiệu trưởng cũ muốn tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng học trò trường mình khi thấy sự trái ngược giữa hai môi trường công lập với đầu vào cao, học sinh giỏi toàn diện và trường ngoài công lập đầu vào thấp, tuyển sinh khó khăn, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho biết, mô hình lấy ý kiến học sinh, tôn vinh giáo viên được nhà trường triển khai từ năm 1997 và hoàn thiện với 8 giai đoạn khác nhau tính đến thời điểm này. 

“Lúc đầu chúng tôi chỉ lấy ý kiến của cán bộ lớp, năm thứ 2 thì lấy ý kiến từ đoàn viên, rồi học sinh giỏi và tiên tiến. Sau năm 2008 thì mở rộng sang đối tượng học sinh trung bình và đến nay thì lấy ý kiến học sinh toàn trường” - Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết. Dù đạt được mục tiêu nắm bắt nguyện vọng của học sinh, tạo uy tín đối với học sinh, phụ huynh cũng như xây dựng được môi trường thân thiện, dân chủ giữa thầy và trò nhưng quá trình này cũng vấp phải không ít khó khăn.

Cô Ngô Thị Thành, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân trường THPT Phan Huy Chú đã phải tìm kiếm một phương pháp thích hợp hơn trong suốt 10 năm dạy học ở trường để đứng trong hàng ngũ những thầy cô được học sinh tôn vinh. “Hành trình tìm kiếm con đường đến với trái tim học sinh là hành trình dài, nhiều trăn trở. Tôi đã nhận được góp ý của học sinh là quá nghiêm khắc để học sinh sợ. Mỗi tiết học để đối phó với học sinh tôi thường lo âu, căng thẳng nên có khi vì đó mà bài giảng thiếu sức hút. 10 năm đứng lớp, năm học này được học sinh tôn vinh là từ nỗ lực học hỏi và tự thay đổi chính mình: học sự hồn nhiên, nồng nhiệt của học sinh, cười nhiều hơn, học sự cởi mở, biết trải lòng của đồng nghiệp, tham gia mọi hoạt động của nhà trường...” - Cô Ngô Thị Thành tâm sự.

Còn với người chủ trì việc lấy ý kiến học sinh, ban giám hiệu nhà trường thì áp lực không kém phần nặng nề. “Tôi đã phải vượt qua nhiều cảm xúc trái chiều. Vui vì thấy đồng nghiệp mình rạng ngời khi được tôn vinh nhưng buồn khi thấy còn số ít ý kiến bài xích việc góp ý của học sinh, gọi điện dò xét trò, cũng có chuyện cố tìm lỗi lẫn nhau và thậm chí nhận được những lời nói không tin tưởng của đồng nghiệp về số liệu thu thập” - Cô Nguyễn Thị Nhiếp tâm sự.

Trò nhận xét thầy là xúc phạm?

Đánh giá cao về mô hình trò góp ý thầy của trường Phan Huy Chú, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngay khi Bộ GD-ĐT đặt ra vấn đề này thì có ý kiến ủng hộ nhưng có ý kiến phản đối vì lo ngại sẽ xúc phạm người thầy. Tuy nhiên nếu người thầy vẫn giữ tâm lý luôn cho mình là đúng, là chân lý thì rất nguy hiểm, giáo dục sẽ lạc hậu, không thể đổi mới, Phó Thủ tướng khẳng định. Phát biểu về việc lấy ý kiến học sinh,  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, Bộ đã phát động việc lấy ý kiến sinh viên trong các trường đại học vài năm gần đây nhưng mới chỉ có vài chục trường triển khai, còn lại đa số vẫn chưa thực hiện được. 

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, học sinh rất may mắn nếu được học với thầy cô giáo giỏi, đặc biệt là học sinh tiểu học. Việc xây dựng giá trị người thầy quan trọng trong việc tạo nên giá trị của người học. Chính vì vậy việc lấy ý kiến học sinh trong các trường học ở Hà Nội đã được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Về cách làm của trường Phan Huy Chú, ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “đây là mô hình nên mở rộng và có lộ trình từng bước để xây dựng hình ảnh nhà giáo giỏi, đáng được tôn vinh”.

Với thực tế nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, việc xử lý, đổi mới cách thức lấy ý kiến học sinh giúp cho giáo viên trong trường nhận được sự quan tâm, chú ý của học sinh đồng thời bản thân giáo viên cũng xóa bỏ dần lối tư duy cố hữu “thầy cô luôn đúng”, có ý thức điều chỉnh mình và có nhu cầu mong muốn được trò tin yêu. Bên cạnh đó, cô Nhiếp cũng cho biết, những ý kiến đóng góp của học sinh về giáo viên cũng là một trong những tiêu chí để nhà trường căn cứ vào đó xếp bậc lương và sắp xếp chuyên môn. “Những giáo viên yếu kém, không đạt yêu cầu chuyên môn, không nỗ lực vươn lên cần phải hiểu rằng sẽ phải sàng lọc bởi nghề giáo đòi hỏi những tố chất bắt buộc và tính chuyên môn cao khi đóng dấu tri thức lên những thế hệ sau này” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.