Học tiếng Anh trong trường không đủ để giao tiếp

ANTD.VN - Muốn đạt yêu cầu thông thạo giao tiếp chưa kể là để thi lấy học bổng, để đi du học thì chỉ học tiếng Anh trong nhà trường không thể đáp ứng được. Đây là nhận định mà rất nhiều phụ huynh, học sinh đúc kết sau nhiều năm trông chờ vào việc cải cách, đổi mới học tiếng Anh trong trường phổ thông. 

Học tiếng Anh trong trường không đủ để giao tiếp ảnh 1Học tiếng Anh trong trường công lập bị hạn chế do quá tải về sĩ số

Sách “nội” giao cho thầy “ngoại”

Sách tiếng Anh mới bậc phổ thông do các tác giả Việt Nam biên soạn được chính thức đưa vào trường học với khẳng định  đổi mới về chất lượng, kiến thức, hình ảnh… Đây là chương trình bắt buộc với học sinh từ lớp 3 trở lên. Tuy nhiên, sau khi triển khai, một số trường, đặc biệt là khối ngoài công lập đã phải thực hiện đồng loạt 2 đến 3 giáo trình bao gồm sách tiếng Anh nhập khẩu và sách tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. 

Lý giải về vấn đề này, đại diện trường Tiểu học Pascal, quận Bắc Từ Liêm cho biết, mỗi bộ sách giáo khoa có thế mạnh riêng nhưng vì học tiếng Anh muốn bắt kịp cách sử dụng ngôn ngữ như người bản xứ thì vẫn nên dùng sách nhập khẩu. “Riêng với sách tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, trường chúng tôi bố trí giao cho giáo viên nước ngoài phụ trách. Lý do là với bộ sách này, giáo viên bản xứ sẽ tìm ra cách dạy tốt nhất, phù hợp với tư duy ngôn ngữ của họ. Còn sách tiếng Anh nhập khẩu thì giáo viên Việt Nam vẫn có thể dạy tốt vì đã đúng chuẩn ngôn ngữ bản xứ” - đại diện trường này giải thích.

Nếu như ở trường tư thục, điều kiện dạy và học tiếng Anh được đầu tư mạnh để có thể cùng một lúc “chạy” 2, 3 chương trình như vậy thì ở trường công, việc học tiếng Anh khó có thể duy trì song song nhiều giáo trình. Do vậy, nhiều phụ huynh vẫn phải tìm đến phương án tự đầu tư riêng cho con bằng các khóa học tiếng Anh bên ngoài nhà trường vì cho rằng chỉ bằng giáo trình của Bộ GD-ĐT với một lớp học quá đông, chưa nói đến trình độ giáo viên thì cho dù được đổi mới, cải tiến vẫn không thể đáp ứng được kỹ năng giao tiếp thông thạo.

Chậm phát triển về tiếng Anh

Đánh giá về kết quả khảo sát mới nhất của EF, công ty giáo dục quốc tế có tiếng của Thụy Điển với mạng lưới trường học rộng khắp hơn 100 quốc gia, bà Phạm Thị Diệp Linh, Giám đốc Marketing cho biết, năng lực Anh ngữ của Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm phát triển chậm nhất.

Bảng xếp hạng EF thường niên đánh giá năng lực Anh ngữ của 75 nước đánh giá cao nhất là Singapore. “Singapore có điểm số gia tăng mạnh trong một năm nay bởi Chính phủ và người dân có sự chú trọng đặc biệt với tiếng Anh dù họ đã rất thành công trong việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Trong khi đó, Việt Nam dù có tiến bộ kể từ năm 2011 đến nay nhưng không thực sự nổi trội” - bà Phạm Thị Diệp Linh cho hay.

Được biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã được đánh giá từ nhóm quốc gia có năng lực Anh ngữ thấp sang mức trung bình từ năm 2015. Tuy nhiên, mới chỉ có Hà Nội, TP.HCM được xếp ở mức năng lực trung bình còn các tỉnh miền Trung thì vẫn ở mức thấp.

Để có những nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện trình độ tiếng Anh của người dân, bà Phạm Thị Diệp Linh cho rằng, khối các trường công lập đang chiếm vai trò chủ đạo. Nếu muốn việc dạy và học trong khối công lập được nâng cao cần đặt ra kế hoặc cụ thể, trong đó có sự tham gia xã hội hóa bên cạnh đầu tư của Nhà nước.

“Yếu tố quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thứ hai là thay đổi định hướng giảm ngữ pháp, tăng kỹ năng giao tiếp…” - bà Phạm Thị Diệp Linh phân tích. 

Điều này dù nhiều người đã chỉ ra nhưng thực hiện như thế nào trong khối công lập thì vẫn là bài toán khó. Đến nay, phần nhiều người dân vẫn đang phải nỗ lực đầu tư tiếng Anh cho con em mình theo các chương trình ngoài nhà trường và cũng chỉ tập trung ở những tỉnh, thành phố có điều kiện  phát triển kinh tế.

Cũng theo nhận định của EF từ những so sánh xếp hạng trong các năm qua thì tiếng Anh được đánh giá là yếu tố đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

“Chúng tôi đã có khảo sát, so sánh giữa năng lực Anh ngữ với chỉ số phát triển kinh tế cùng các chỉ số phát triển con người. Năng lực Anh ngữ càng cao thì nền kinh tế nước đó càng mạnh, càng sáng tạo, chi tiêu cho chất xám nhiều hơn” - bà Diệp Linh nhấn mạnh.