Học tiếng Anh nên là động lực chứ không phải áp lực

ANTĐ - Tiếng Anh từ bậc phổ thông tới đại học đang trở thành yếu tố cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập nguồn nhân lực. Việc dạy và học tiếng Anh một lần nữa được Bộ GD-ĐT rà soát lại để đưa ra định hướng trong 5 năm tới.

Học sinh cần thêm nhiều chương trình học tiếng Anh cộng đồng thay vì chỉ học chính khóa trên lớp 

Một mình trường học không đủ lực đào tạo tiếng Anh

Trao đổi về khó khăn trong việc triển khai dạy tiếng Anh chương trình đại học, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thực tế trường này cũng như nhiều trường đại học khác đều chưa đủ năng lực triển khai đại trà bởi khó khăn từ đội ngũ giảng viên tới sinh viên.

Có tới 50% sinh viên ĐH Bách khoa sau khi trúng tuyển phải đào tạo lại tiếng Anh cơ bản. Bên cạnh đó, học phí chương trình học đại trà mới chỉ có vài triệu đồng/năm, nếu dạy bằng tiếng Anh thì học phí lên tới vài chục triệu đồng/năm. Điều này sẽ là gánh nặng kinh tế với nhiều gia đình có con học đại học. 

TS Trần Xuân Thảo, ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, nếu chỉ có trường học thực hiện phổ cập tiếng Anh thì không đủ. Việc phổ cập tiếng Anh đã rất cấp bách và phải tăng cường theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng như các điều kiện phục vụ phổ cập tiếng Anh hiện nay. Bên cạnh việc tổ chức và nâng cao chất lượng hệ thống dạy - học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là các em đáp ứng được yêu cầu về đầu ra.

Bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với việc làm thế nào để dạy và học tiếng Anh có chất lượng. Theo đó, Hội đồng Anh sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn, phương pháp dạy - học và kiểm tra, đánh giá trong đào tạo tiếng Anh.

Đưa ra biện pháp nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, TS Hồ Thị Mỹ Phương - Giám đốc Trung tâm SEAMEO RETRAC cho rằng, muốn đạt được mục tiêu thanh niên Việt Nam có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh cần tạo ra nhiều cơ hội giao lưu quốc tế cho thanh niên. Không cần tăng giờ dạy chính khóa vì sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nhà trường mà nên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy học ngoài giờ, phát triển cộng đồng học tập tiếng Anh. 

Tăng cường hợp tác trong dạy và học ngoại ngữ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phải được đặt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là khi chúng ta tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh, vì thế cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực và đẩy nhanh việc phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng đối tượng nào, địa phương nào chưa chuẩn bị kịp thì không nên tạo áp lực mà cần phải chuẩn bị tốt trước khi triển khai hiệu quả, không làm vội, làm ẩu. Theo đó, các địa phương, đơn vị chủ động đề xuất lộ trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy - học ngoại ngữ của địa phương, đơn vị.

Định hướng việc dạy và học ngoại ngữ giai đoạn tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ yêu cầu tăng cường hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các quốc gia đã thành công trong việc phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai như Singapore.

Bộ trưởng khẳng định sẽ ưu tiên trước hết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị các tổ chức Đoàn, Đội, Hội xây dựng và tổ chức các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Các trường/khoa chuyên ngữ cần xây dựng chương trình đào tạo để khi sinh viên ra trường có thể đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.

Đồng thời với đào tạo giáo viên, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng của Việt Nam cập nhật với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn, trung tâm khảo thí quốc tế.

“Cần đánh giá thường xuyên năng lực của các trung tâm khảo thí, đặc biệt là 10 trung tâm được Bộ GD-ĐT giới thiệu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; đẩy nhanh xây dựng trung tâm đánh giá ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để hỗ trợ và giám sát công tác khảo thí ngoại ngữ trong cả nước. Cương quyết đóng cửa các trung tâm khảo thí không đảm bảo chất lượng, có biểu hiện tiêu cực” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục