Học sinh quay lưng với văn chương

ANTĐ - Đó là thực trạng đáng buồn trong việc dạy và học Ngữ văn ở các cấp phổ thông hiện nay. Học trò buồn ngủ, nhàm chán, còn thầy cô “bất lực”, dạy theo khuôn mẫu.

Nhiều tác phẩm trong chương trình không gần gũi với cuộc sống là lý do khiến môn Ngữ văn kém hấp dẫn 

(ảnh minh họa)

Học một cách thực dụng

Theo tìm hiểu tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội, tình trạng giờ dạy và học Văn nhàm chán, khô khan, đọc – chép còn học sinh làm việc riêng diễn ra phổ biến. Thực tế, có nhiều học sinh còn ghét môn Văn, thấy buồn ngủ, nặng nề trong giờ học, thậm chí không có vở ghi, đến giờ kiểm tra thì mở văn mẫu ra chép.

Phương Anh (HS 12 Toán, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) thú nhận: “Cấp 2 em rất thích môn Văn vì các tác phẩm văn học rất hay. Nhưng bắt đầu lên cấp 3, sức ép học 3 môn khối A và 6 môn thi tốt nghiệp khiến em không thể đầu tư thời gian để học Văn như trước. Hiện tượng học “lệch” xảy ra đa số ở lớp em”, Phương Anh nói.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh chuyên khối D, C cũng không có đam mê thực sự với môn Văn, mà học thực dụng, để thi đại học, để giành điểm cao như nhận xét của bạn Duy Anh (HS 12 Văn, THPT Chuyên Amsterdam Hà Nội) về môn học thêm của mình.

Đánh giá thực trạng học Văn phổ thông, Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết (GV trường THPT Chu Văn An Hà Nội) cho biết, hiện tượng ngày càng nhiều những bài văn lạ cũng cho thấy vấn đề đang đặt ra khá nhức nhối trong việc cảm thụ và diễn đạt văn chương của các em.

Bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ninh - giáo viên Văn THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam lo lắng: “Tình trạng chung là học sinh quay lưng với văn chương, không còn đam mê, không còn những rung động hồn nhiên trong trẻo với văn chương như các thế hệ trước mà học thực dụng, học đối phó, học để thi đại học, học những môn để đi du học… Hơn nữa, các em ít đọc sách tham khảo nên thiếu cái nhìn tổng quan, đánh giá, so sánh”.

Nói về văn hóa đọc hiện nay, nhiều học sinh thừa nhận rằng, họ chỉ đọc những tác phẩm truyện ngắn hiện đại của một số nhà văn trẻ, đôi khi đọc theo số đông, thấy “hot” trên mạng là tìm đọc chứ không phải đọc để phục vụ việc học trên lớp. 

Nhiều tác phẩm chưa phù hợp

Theo cô Ninh, văn hóa đọc hiện nay thiên về sở thích còn những tác phẩm trong trường thì ít đọc, đọc qua loa, đại khái, bài soạn sơ sài. Thậm chí nhiều học sinh lớp chuyên cũng không ham mê lắm. 

“Bên cạnh những tác phẩm giáo dục gần gũi, gắn với đời thường, đề cập đến những vấn đề nhức nhối hiện nay thì vẫn còn một vài trích đoạn, tác phẩm (30 – 40%) không phù hợp với học sinh dẫn đến các em học theo khuôn mẫu, cảm thấy khô khan, cao siêu khó hiểu. Trên thực tế, đa phần các em thích nghị luận xã hội hơn là nghị luận văn học bởi học trò được nói lên ý kiến của mình ”, cô Ninh lý giải.

Chia sẻ về lý do này, Duy Anh thành thực: “Một số tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa không gần với đời sống ví dụ những bài thuộc văn học trung đại lớp 10 không hấp hẫn, không hứng thú với chúng em nên xảy ra tình trạng học đối phó”.

Việc dạy và học Văn ở phổ thông hiện nay bộc lộ nhiều bất cập và vẫn chưa có lối thoát. Trong hội thảo khoa học quốc gia về Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam tổ chức gần đây, một Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một ở nhà trường phổ thông và không bị bất kỳ quốc gia nào coi nhẹ.

Tuy nhiên, làm thế nào để môn Văn trở nên hấp dẫn học sinh vẫn đang là câu hỏi khó đối với giáo viên Văn, nhà quản lý giáo dục và những nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa Ngữ văn.