Học sinh học trung cấp được giảm 50% học phí

ANTĐ - Theo thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia có 1.004.484 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 279.001 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp. 
Học sinh học trung cấp được giảm 50% học phí ảnh 1

Trong tổng số hơn, 725.000 thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ 2015. Tổng số chỉ tiêu vào đại học năm 2015 của cả nước là khoảng hơn 439.000. Như vậy sẽ có khoảng 286.000 thí sinh sẽ trượt đại học năm 2015. Như vậy, năm 2015 sẽ có gần 600.000 học sinh học xong chương trình phổ thông không có chỗ trong trường đại học. Cùng với hàng trăm nghìn em học xong chương trình trung học cơ sở nhưng không vào được lớp 10 (THPT), con số các em đứng ở ngã ba đường, một hướng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội học tiếp hay chọn con đường đi làm với vị trí lao động phổ thông hay học các trường trung cấp nghề là cực kỳ lớn. 

Năm học 2015-2016 trên toàn TP Hà Nội có hơn 80.000 học sinh đã học xong chương trình trung học cơ sở, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường phổ thông trung học công lập chỉ tuyển có 56.840 học sinh. Các trường dân lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên dù có cố gắng cũng không giảm số lượng các em không có chỗ học. Trong khi đó, theo một số báo chí phản ảnh đang có hàng trăm nghìn người đã tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học nhưng không kiếm được việc làm phù hợp với nghề nghiệp mình học.

Theo con số thống kê mới của Bộ LĐ-TB&XH được công bố, hơn 178.000 cử nhân hiện đang thất nghiệp - là con số đáng báo động nhưng giấc mơ đại học chưa bao giờ “nguội” trong các bậc phụ huynh và học sinh. Cay đắng hơn cả, theo một cuộc điều tra gần đây của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ khó có thể tuyển dụng được kỹ thuật viên lành nghề và đến 89% cho rằng họ sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng này trong tương lai. Giải quyết những mâu thuẫn đó như thế nào?

Quá thiếu lao động lành nghề

Việt Nam là một quốc gia trẻ, có lực lượng lao động dồi dào, ham học hỏi, là một trong những nhân tố quan trọng phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cơ cấu nhân lực là không bền vững. Nếu như trên thế giới, số nhân lực có trình độ đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 4 và công nhân kỹ thuật là 10 thì ở Việt Nam nếu số nhân lực có trình độ đại học là 1  thì trung học chuyên nghiệp là 3 và công nhân kỹ thuật còn chưa được 1. Cơ cấu nhân lực như vậy không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Báo cáo của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết: “Trong tổng số nhu cầu chỗ làm từ nay đến cuối năm, lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm khoảng 20%; trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 40%. Đặc biệt, nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp, lao động phổ thông chiếm đến 40%. Vì vậy, mặc dù rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực nhưng thực trạng nguồn nhân lực TP HCM hiện nay cũng như cả nước vẫn đang còn rất nhiều bất cập.

Các quốc gia có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật đều đặt nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa bằng sự phát triển một tầng lớp đông đảo những người thợ có tay nghề cao. Những người này không nhất thiết phải được đào tạo chính quy, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng có kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững các công nghệ nền tảng và là cầu nối không thể thiếu để biến các ý tưởng sáng tạo thành những sản phẩm thương mại hóa.

Hiện nay ở Nhật, có những công ty nhỏ, ít được biết đến nhưng gần như không thể thay thế vì nắm công nghệ chế tạo một số chi tiết có yêu cầu kỹ thuật khắt khe cho các hãng máy bay nổi tiếng thế giới như Boeing và Airbus. Như vậy, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao chính là lực lượng lao động mà Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng còn thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng này chính là nhân tố nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình bằng khả năng sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. Nói cơ cấu nguồn nhân lực của ta không bền vững chính là như vậy.

Tuy nhiên, trên thực tế, lâu nay bậc học cao đẳng, trung cấp luôn bị phụ huynh và học sinh xem nhẹ. Nhiều gia đình sẵn sàng cho con học đại học dân lập, đại học tại chức chứ nhất định không theo học cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Trong khi đó, rất nhiều cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Nhiều năm nay hệ thống trường nghề dù luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới nhưng mỗi mùa tuyển sinh luôn phải “ăn đong” thí sinh.

Tâm lý sính bằng cấp khiến cha mẹ và học sinh không nhận ra thực tế: Rất nhiều học sinh tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp tìm được việc làm phù hợp và thu nhập cao. Tổng cục Dạy nghề đã triển khai chương trình xây dựng 45 trường nghề trọng điểm trong cả nước để đón đầu trình độ đào tạo tương xứng với nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên những mùa tuyển sinh gần đây đều rất khó khăn, nhiều trường nghề không tuyển nổi học sinh, có ngành không có học sinh theo học”.

Càng khó khăn hơn, khi chính các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đã không quan tâm tới cơ cấu nguồn nhân lực, không quan tâm đến chính số phận của các “sản phẩm” của hệ thống giáo dục. Mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH trên 400.000, CĐ gần 300.000 và TC khoảng 300.000 (tỷ lệ ĐH-CĐ và TCCN là 7/3), cho thấy sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực cũng như thị trường lao động, đi ngược xu hướng của các nước phát triển.

Nhiều bậc phụ huynh hiện nay xác định được lực học của con cái, muốn định hướng cho con học ngành nghề mình đã chọn, nhưng lại sợ con cái không thích ngành nghề đó, nhỡ đang trong quá trình học lại bỏ dở ngang chừng thì thật sự đáng tiếc và mất công sức, tiền bạc. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh phải trao đổi, định hướng nghề nghiệp cho con mình trước khi quyết định, phải biết được con mình cần gì và thật sự thích làm gì? Nỗi lo lớn nhất của các phụ huynh và cả học sinh chính là học phí học nghề quá cao và cơ hội việc làm chưa chắc chắn. Chính vì vậy, những chính sách mới của Chính phủ đối với học sinh học trung cấp nghề sẽ giảm bớt nỗi lo lắng cho phụ huynh, học sinh và là cú hích để phát triển đào tạo lao động lành nghề, cải thiện cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta. 

Từ 1-9 học sinh đi học trung cấp được giảm 50% học phí

Đây là nội dung của Thông tư số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 16-7-2015. Nhằm sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30-5-2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của NĐ 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Phòng giáo dục các địa phương chịu trách nhiệm trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả. Cách làm này vừa thuận tiện, vừa tạo điều kiện để học sinh theo học bậc trung cấp có thêm động lực học tập.

Với chính sách mới, trong vòng 30 ngày kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) học sinh phổ thông, học viên học chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên; học sinh, sinh viên, học viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi cơ sở giáo dục.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Giám đốc các trường đại học, thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên. Đồng thời, các đơn vị này cần lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.

Thông tư liên tịch số 14/2015 của liên Bộ Tài chính - Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực chính thức từ ngày 1.9.2015 - thời điểm kỳ xét tuyển ĐH, CĐ cơ bản khép lại - sẽ là thời điểm thích hợp để học sinh và phụ huynh có thêm lựa chọn phù hợp cho tương lai con em mình.  

Ngoài đối tượng tham gia học trung cấp được miễn giảm học phí, Thông tư 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH cũng quy định: Giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định. Giảm 50% học phí cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.