Học nghề… để dành

ANTĐ - Mặc dù dốc tiền đầu tư để xây dựng một nông thôn mới có hạ tầng hoàn thiện, kết nối đường sá, chợ, nhà văn hóa hoành tráng, nhưng thu nhập của người dân nông thôn so với thành thị vẫn quá thấp. Gần 87% hộ nghèo nằm ở nông thôn, nếu không đào tạo nghề cho lao động nông thôn để họ có thể nâng cao thu nhập và mức sống thì học nghề chỉ… để dành. Đó là ý kiến của một vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với kinh phí lên tới 26.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu đến năm 2020 đào tạo mỗi năm 3 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động nông thôn. Trong 1 triệu người có cả nông dân làm ruộng và nông dân chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp, có thể ly hương hoặc bất ly hương. Thực tế là đa số nông dân không có nghề gì khác ngoài xoay xở trên đồng ruộng, những làng nghề chung quanh Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn cũng ít có cơ hội thu hút nhiều lao động theo học và hành nghề. Cần phải xác định rõ dạy nghề gì cho họ và nhu cầu sử dụng ra sao nếu không thì sẽ là duy ý chí. Không nên suy nghĩ rằng, cứ dạy cho biết nghề rồi “ném” họ ra đường tự tìm việc làm. Còn khuyến nông, dạy cho nông dân làm ruộng có hiệu quả thì chằng cần tốn quá nhiều tỷ đồng.

Từng là hiệu trưởng một trường dạy nghề nông nghiệp, một vị tiến sỹ nhận xét, chỉ mới qua 1 năm thực hiện Chương trình đào tạo nghề sắp “chạy” theo phong trào vì không sát thực tế và thiếu chất lượng. Nguyên nhân là do “làm từ trên xuống” chứ không phải từ dưới lên. Tức là không đánh giá đúng nhu cầu của các nhóm đối tượng nông dân theo các tiểu vùng sinh thái và địa lý dẫn đến đào tạo không có địa chỉ. Nông dân được đào tạo nghề không kiếm được việc làm hoặc kiếm được thì lại không trúng nghề. Dạy nghề cho lao động ở các đô thị lâu nay đã lúng túng, khó gỡ như “gà mắc tóc”, nay dạy nghề cho lao động nông thôn càng bế tắc hơn. Phải có cơ sở vật chất như trường, xưởng hoặc cơ sở sản xuất để người học được bắt tay vào hành, đâu phải chỉ nghe giảng, xem hình ảnh hoặc “ngắm” mô hình rồi tưởng tượng trong đầu.

Cũng không thể chỉ nghe thầy nói mà không thấy thầy thị phạm từng động tác, quy trình hành nghề. Câu hỏi đặt ra là hiện nay cần dạy những nghề gì ở nông thôn? Cựu chủ tịch UBND một tỉnh nông nghiệp phía Nam cho rằng, phải có nơi đang cần nghề thì mới có nhu cầu học nghề. Đào tạo theo kiểu “đón đầu”, “thợ dự trữ” rồi chờ mãi mới có cơ sở sản xuất thì người ta đã quên hết nghề. Nên hợp tác với các khu công nghiệp, chế xuất hoặc cụm công nghiệp xem nơi nào thực sự có nhu cầu lâu dài, ký hợp đồng rõ ràng rồi tổ chức dạy nghề cung ứng, vừa thuyết thực, vừa tránh lãng phí.

Theo ông cựu chủ tịch tỉnh, để hỗ trợ dạy nghề nông thôn nên giải tán những trường đại học “rởm” bởi thí sinh “mơ việc làm ảo”, trong khi không ai tuyển người có bằng cấp ở những trường này. Cuối cùng, nguồn nhân lực “chất lượng cao” thì quá thấp, còn nguồn lao động nghề thì lại chẳng có nghề trong tay. Trước thực trạng 82% lao động nông thôn chưa qua đào tạo sơ cấp, đại bộ phận cán bộ cơ sở chưa đào tạo Chương trình đào tạo nghề ở nông thôn phải “lấp đầy” được bốn cái “thiếu”. Đó là thiếu các trung tâm dạy nghề có nơi thực tập, thực hành; Thiếu giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp; thiếu khảo sát nhu cầu ngành nghề và chưa gắn kết giữa đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; Thiếu liên kết vùng để có trung tâm đào tạo nghề có chất lượng.

Kinh phí 26.000 tỷ đồng là khoản đầu tư không nhỏ cho một chương trình đào tạo nghề. Hậu quả cuối cùng, kết quả đào tạo có cho “ra lò” những người thợ - nông dân thạo việc, giỏi nghề hay học nghề xong rồi chỉ để… cất đi”?