Học làm thơ

ANTĐ - Đến một lúc thấy mọi chuyện đều ở ngoài mình, điều quan trọng lúc này là phải biết tiết kiệm chút năng lượng thời gian muốn sao cũng là đang mỗi ngày một cạn kiệt. Và tôi nhanh chóng trở thành một lão hà tiện tích cóp từng chút, từng chút làm đầy thêm cái túi tình yêu tôi với đất nước.

Tôi bắt đầu để râu và làm thơ, đánh liều mang đến Tạp chí Thơ ít bài nhờ ông Ngô Thế Oanh thường trực ở đó đeo kính vào đọc thử xem có nên làm nữa hay thôi. Bảo thôi thì thôi mà bảo làm nữa thì làm nữa. Ông Oanh là người ngay thực, việc đời cứng quèo như que củi nhưng nếu động đến thơ thì rất mực tinh tế khoáng đạt, sẵn lòng chấp nhận mọi trường phái miễn là thơ phải hay và rất ưa sự mới mẻ. Khi đeo kính vào bạn nhang nhác cụ Huỳnh tôi giật mình nghĩ bụng, thằng này dân miền trong, tính nết ương ngạnh lắm chứ không phải tay vừa. Ông Hữu Thỉnh đặt nó ngồi gác đền chắc là đã tính nát nước, muốn nhờ nó ngày ngày lăn vào giữ cho nền thơ nước nhà bớt đi những sự trà trộn phương hại tới tính hàn lâm của thi ca.

Bạn bỏ kính nhìn tôi cười khó hiểu làm tôi phát hoảng, thế nào? Còn thế nào nữa, có bài nên sửa vài chữ, có bài phải sửa nhiều nhưng nói chung là tạm được. Tôi toát mồ hôi, tưởng vậy mà hóa ra rộng rãi mới lạ chứ. Oanh cất chùm thơ vào túi xách, lửng khửng nói tôi còn phải đi đón cháu dưới trường, mai đọc lại lần nữa rồi mới nghĩ ra hướng sửa. Lại mai mới tìm ra hướng sửa, nhà ông này định bắt nạt ta rồi. Bắt nạt mình thì khó gì chứ, chẳng qua cũng chỉ là anh nghiệp dư tạt vào đây một lúc xem sao. Mai tôi lại làm một cuốc xe ôm, bước vào cái buồng hẹp như cái hòm mà đông chật đến nỗi không tìm nổi chỗ.

Ngồi lọt vào chiếc ghế mây Nguyễn Đức Mậu cao hứng đọc thơ Nguyễn Bính: “Em có biết rằng trong quán trọ, đầu tôi lại gối cánh tay tôi”. Một ông khác muốn bàn sang thơ hậu hiện đại, ông Mậu liền đốp một câu của nhà thơ Hoa Kỳ Paul Hoover: “Chủ nghĩa hậu hiện đại sinh ra là để làm rối chí và hăm dọa những tầng lớp viết chữ thông thường”. Trong không khí ồn ào quen thuộc ấy, góc kia là Ngô Thế Oanh đang cặm cụi với thơ tôi. Có bài tôi xổ ra ngổn ngang khiến người gác đền vất vả, chặt chém không thương tiếc. Ông bàn, phải chú ý tới việc ngắt câu xuống dòng, những khoảng lặng giữa hai chữ hai câu cũng là thơ. Đến cái tên bài cũng tiện thể thay luôn, nên gọi là “Hà Nội của tôi“. Nghe oách quá mình đã làm gì mà dám. Hà Nội không có tôi cũng đủ khốn khổ rồi. Nhưng ông ấy bảo nó xứng đặt vậy.

Mu mơ nhìn vào sóng hồ tìm mặt bạn mặt mình, tìm khuôn mặt ngày mai thành phố, hết con đường gặp nhiều đường, qua hàng cây lại có những hàng cây, đi thật xa đi mãi đời dài, không qua nổi cây cầu cong Thê Húc...

Có nhà khoa học từ xa về mò đến tôi mà nói, lâu quá không trở lại Hà Nội thấy gì cũng lạ. Dưới con mắt một nhà tâm thần học tôi nghĩ hiện tượng có quá nhiều người thích làm thơ, đâu cũng thơ không hẳn đã vui, đó cũng là một hội chứng.

Tôi mời bạn bát nước chè tươi vợ ủ trong giỏ tích trước lúc cùng mấy bà hàng xóm ra công viên tập 

thể dục.

Tôi nói sau Tết bạn còn ở nhà ta sẽ cùng đến Văn Miếu xem người Hà Nội thả những câu thơ hay lên trời. Rồi cuối Giêng như lệ thường, về bên Kinh Bắc dự lễ vào mùa. Ở nhà lâu hơn nữa ta làm thơ chơi. Thì đã làm sao, nhịn ăn làm thơ là cách sống có từ lâu đời, càng nghèo càng thấy cần phải có thơ. Đã có cả một tỉnh Cần Thơ.

Bạn ơi, kiếp người giọt sương lăn trên tầu lá, đời là cuộc chơi chỉ có một lần thôi, bước ra khỏi cuộc chơi ấy biết ai là thua ai là thắng. Hình như không ai có  thể giành giật được tất cả và cũng không ai tay trắng ra về. Rất có thể cái được lại là cái mất và ngược lại. Mà cũng khó nói thế nào là khôn thế nào là dại, cụ Nguyễn Gia Thiều viết: Cái quay búng sẵn trên trời, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...

Trong cuộc chơi dài dài này chỉ có thời gian được xem là chứng nhân vô tư nhất. Nó là phán quan, là sử quan. Một cách nghiêm minh nó biết ghi lại mọi nợ nần và đứng ra trang trải sòng phẳng mọi nợ nần.