Học giả quốc tế: Trung Quốc đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm để lập ADIZ phi pháp

ANTĐ - Sau công hàm phản đối của Việt Nam về việc Trung Quốc đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế đã đồng tình với ý kiến của Việt Nam và vạch trần mưu đồ xây dựng “Vùng nhận dạng phòng không” phi pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Việt Nam cương quyết phản đối hành động trái phép của Trung Quốc.

Ngày 19-02-2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Bắc Kinh xây dựng căn cứ trực thăng và đưa tên lửa lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, chà đạp lên luật pháp quốc tế.

Đồng thời cũng trong ngày 19-2, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng đã gửi công hàm cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon, đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.

Đây là lần thứ hai trong hơn một tháng qua, Việt Nam buộc phải gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để phản đối các hoạt động xây dựng, triển khai phương tiện quân sự trái phép, nhằm thay đổi hiện trạng, âm mưu độc chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc Trung Quốc thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là đá Vĩnh Thử) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vào ngày 2-1-2016.

Việc máy bay Trung Quốc bay ra và hạ cánh trên đá Chữ Thập không xin phép Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, vi phạm các luật lệ quốc tế, gây nguy hại cho an ninh, an toàn các tuyến đường bay trên không và tuyến hàng hải quốc tế.

Liên quan đến việc này, ngày 19-02-2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình đã kịch liệt phản đối những hành động đơn phương của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.

Truyền thông và các học giả trên thế giới cũng đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ Việt Nam, tố cáo hành động phi pháp của Trung Quốc là xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Học giả quốc tế: Trung Quốc đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm để lập ADIZ phi pháp ảnh 1Ảnh chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam

Học giả quốc tế tố cáo mưu đồ lập ADIZ trái phép của Trung Quốc

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ và quốc tế, động thái triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, của Việt Nam, có thể là bước chuẩn bị để Bắc Kinh tuyên bố lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) ở Biển Đông.

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói với tờ The Japan Times rằng, việc triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị tuyên bố ADIZ ở khu vực phía bắc của Biển Đông.

“Vùng nhận dạng phòng không” này có thể sẽ bắt đầu từ khu vực quần đảo Hoàng Sa đến giáp phía bắc quần đảo Trường Sa và sau này có thể được mở rộng thêm hàng trăm km xuống phía nam, khi các căn cứ phi pháp trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động.

Chuyên gia Tetsuo Kotani thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản cho rằng, để đạt được tham vọng này, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm radar và tên lửa đến Hoàng Sa.

Còn giáo sư June Teufel Dreyer, thuộc khoa chính trị học thuộc Đại học Miami (Mỹ) lật lại vấn đề, trước đây Trung Quốc đã từng úp mở về việc lập “Vùng nhận dạng phòng không” ở Biển Đông vào “một thời điểm phù hợp”.

Vị chuyên gia người Mỹ này nhận định, rất có thể hiện nay Trung Quốc thấy thời cơ đã “chín muồi” và “… có thời điểm nào phù hợp hơn, khi Bắc Kinh đang lớn tiếng phản đối ngược việc tàu chiến và máy bay Mỹ xâm phạm cái gọi là chủ quyền (phi pháp) của Trung Quốc?” - ông Dreyer nói.

Được biết, Trung Quốc đã cải tạo đường băng tại Phú Lâm vào nửa đầu năm 2015, đến tháng 10 năm đó, một số chiến đấu cơ J-11 đã được triển khai lên đảo trong một thời gian ngắn. 2 tháng sau, Tập đoàn dầu mỏ và hóa chất Sinopec của Trung Quốc thông báo xây dựng cơ sở xăng dầu lớn trên đảo.

Những hành động phi pháp mang tính hệ thống của Trung Quốc thể hiện rằng, Bắc Kinh đang thực hiện những bước đi đen tối, nỗ lực biến đảo Phú Lâm thành một tiền đồn chiến lược, nhằm thực hiện mưu đồ từng bước độc chiếm Biển Đông.