Học để thích ứng với hoàn cảnh

ANTĐ - Trong khi ngành giáo dục chưa có một chương trình quốc gia về dạy và học kỹ năng sống (KNS), thì để đáp ứng nhu cầu xã hội, hàng loạt trung tâm dạy KNS đã  ra đời với đủ chiêu tiếp thị, đủ kiểu giáo trình… Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc phỏng vấn chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, giọng nói quen thuộc của chương trình tư vấn “Cửa sổ tình yêu” - Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Là chuyên gia tâm lý, ông có thể đánh giá tầm quan trọng của giáo dục KNS ở nước ta?

- Theo tôi, vấn đề giáo dục KNS không phải là mới. Có nhiều con đường để học KNS, mà quan trọng nhất là học qua trải nghiệm thực tế, chứ không phải là học bài bản trên lớp học. Không phải thông qua một số buổi học, một khóa học mà trẻ em có KNS ngay. Không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng phải liên tục học KNS để thích ứng với hoàn cảnh sống mới. Ngày nay, xã hội phát triển, trẻ em ít có cơ hội trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh, nên mất đi cơ hội được phát triển bản năng vốn có một cách tự nhiên vì vậy phải nghĩ cách bổ sung. Theo tôi, hiện nay các lớp dạy KNS như là chúng ta bổ sung vi-ta-min cấp tốc thôi chứ không phải là giải pháp triệt để. 

- Việc dạy lồng ghép KNS trong nhà trường cũng đã được quan tâm trong những năm gần đây, nhưng chưa thấy hiệu quả thật sự. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Hiện nay KNS được lồng ghép vào các môn học trong nhà trường, song đây chưa phải giải pháp tốt nhất. Thứ nhất, các thầy cô giáo cũng chưa phải là những người có KNS hoàn hảo. Khi trao đổi với một số giáo viên, chính họ cũng thú nhận rằng các KNS như tự tin trước đám đông, ứng xử trước những thất bại, ứng phó với cảm xúc tiêu cực, sức ép từ cuộc sống, giải quyết mâu thuẫn, từ chối, nhận thức bản thân… thì chính các thầy cô còn thấy khó. Thứ hai, tài liệu, chương trình dạy KNS cũng mới chỉ là những gợi mở, chưa có gì là thống nhất. Thứ ba, khi Bộ chỉ đạo các nhà trường, thầy cô chủ động, tích cực lồng ghép giáo dục KNS trong những giờ ngoại khóa, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt tập thể, song trong thực tế, các em học sinh… đâu có giờ ra chơi! Ngoại khóa thì mỗi học kỳ được một lần, thấm tháp gì. Đối với các trường và thầy cô, dạy văn hóa vẫn là việc chính, nhà trường đánh giá chất lượng học sinh dựa vào kết quả thi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa… chứ có ai thi KNS đâu. Thứ tư, nhận thức của phụ huynh học sinh về giáo dục KNS cũng còn chưa thực sự đầy đủ. Chính tôi là người tổ chức các lớp dạy KNS để đưa vào các trường cấp ba nhưng phụ huynh lại không ủng hộ nhiều lắm, lý do là KNS có thi tốt nghiệp đâu, có thi đại học đâu, KNS thì sau này ra đời tự khắc các em sẽ biết. 

- Trong khi vấn đề dạy và học KNS trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, thì xã hội (nhất là các bạn trẻ) phải “đối phó” thế nào để có được cho mình những kiến thức quan trọng ấy?

- Điều đáng mừng là một số bạn trẻ hiện nay sau khi ra trường đi làm bắt đầu có ý thức trau dồi KNS cho bản thân bằng cách đi học ở những trung tâm. Tuy chưa thể đánh giá kết quả của việc học này, song dù sao đó cũng là những dấu hiệu tích cực. Điều này bước đầu tác động đến hướng tư duy của thế hệ trẻ. Ngày xưa cứ tưởng có bằng đỏ, có Tiếng Anh, có tin học thì làm cái gì cũng được, nhưng hiện nay đời sống ngày càng phức tạp đòi hỏi phải thành thạo KNS thì cơ hội nghề nghiệp và làm việc sẽ có hiệu quả hơn, thành công hơn.

Nhân đây tôi muốn nói về việc các trung tâm đào tạo KNS. Kỹ năng là gì, là cái được trải nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần, đến một lúc đạt được cái đỉnh của nó, thì đặt vào bất cứ tình huống nào người ta cũng tự tin và hoàn thành xuất sắc. Bây giờ phần lớn các lớp học là nói về kỹ năng chứ chưa phải rèn kỹ năng. Kỹ năng phải là đẩy vào hoàn cảnh thực tế... chứ hiện nay các lớp thường là thuê hội trường lớn để học kỹ năng thì học viên sẽ rất thụ động.

- Vậy phải làm gì để chúng ta hết lúng túng, học cách cùng chung sống tốt hơn?

- Thứ nhất, người lớn thiếu kỹ năng nên trước hết phải tự bổ trợ mình đã. Gia đình hiện nay có biết cách tiếp cận con mình đâu, nếu trẻ có mắc khuyết điểm gì thì hỏi như hỏi cung ấy, mà nhu cầu được giãi bày thì ai cũng có. Người lớn cần nhận thấy mình cũng thiếu KNS, cũng cần học tập. Chương trình giáo dục là phải nhất quán từ mục tiêu, chương trình, nội dung. Giao nhiệm vụ cho nhà trường là phải cho các nhà trường, cho các thầy cô điều kiện để triển khai hoạt động. Để đưa được giáo dục KNS vào nhà trường, phải tinh lọc và loại bớt những kiến thức chưa cần thiết (chưa dám nói là thừa) thì mới không tạo thêm áp lực cho học sinh. Hiện nay, các thầy giáo cô giáo rất khổ với những chủ trương lồng ghép. Hết lồng ghép giáo dục sức khỏe sinh sản, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ma túy, tai nạn thương tích, nay lại lồng ghép KNS, giá trị sống nữa thì… đây quả là gánh nặng khó thực hiện.