Học càng cao, thất nghiệp càng nhiều?

ANTĐ - Nghe qua thì đúng là nghịch lý, vậy mà số liệu thống kê lại đang chứng minh cho điều nghịch ấy là đúng. 
Học càng cao, thất nghiệp càng nhiều? ảnh 1

Trung bình mỗi quý, nước ta có thêm khoảng 22.000-25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp - một con số khổng lồ khiến ai cũng phải giật mình được đưa ra tại Hội thảo “Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3-2015” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra trong tuần qua.

 Bản tin còn cho thấy những con số đáng lo ngại như tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao là 7,3%, gấp 3 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Chưa hết, giật mình hơn khi một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều (?!) Nghĩ cũng lạ, một người học hết bậc đại học trung bình mất 4 năm, học tiếp lên trình độ thạc sỹ mất 2 năm, tổng cộng là 6 năm đèn sách, tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ của gia đình, ngoài chuyện tiền bạc còn là thời gian, sức lực cộng thêm sự hy sinh của không ít người để có cái bằng rồi… thất nghiệp? Thật lãng phí “tài nguyên” con người của quốc gia khi họ được học hành, có sức trẻ để cống hiến, vậy mà cái chuyện lạ lùng càng học càng dễ… đứng đường lại xảy ra. Vậy là căn cớ vì sao?

Thất nghiệp, lỗi tại ai? Có phải chúng ta đang kiểm soát rất chặt chẽ đầu vào nhưng đầu ra lại không kiểm soát? Do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động? Do quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường?... Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng có lẽ mọi chuyện nên hãy hỏi những người thất nghiệp lẫn các trường đào tạo. Bởi các nhà tuyển dụng đều chung một nhận định rằng, nguồn nhân lực sau khi ra trường chưa thể đáp ứng được công việc, họ yếu và thiếu nhiều thứ từ kinh nghiệm đến kỹ năng dù đầy đủ bằng cấp từ cử nhân hoặc cao hơn nữa.

Thị trường lao động rộng mở nhưng cũng hết sức khắc nghiệt ở sự cạnh tranh, các nhà tuyển dụng thì cần người làm việc chứ không cần người nhiều bằng cấp mà không biết việc. Thế nên nhiều cử nhân, thạc sĩ khi ra trường thì thất nghiệp cũng chẳng có gì lấy làm lạ.

Trong một quý mà có đến 22.000-25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp là một con số báo động và đáng suy ngẫm. Cũng đã đến lúc chúng ta - từ nhiều phía cần nhìn thẳng vào vấn đề một cách nghiêm túc để điều chỉnh, để thay đổi. Rất cần một sự gắn kết giữa doanh nghiệp - hệ thống giáo dục - người lao động với hy vọng rằng đến quý sau không còn những con số đáng giật mình ấy được đưa ra, lặp lại và tái diễn. 

Tin cùng chuyên mục