Học cách sẻ chia

ANTĐ - Lẽ ra tôi không định viết bài báo này bởi đây là bài báo mà “chúng tôi nói về chúng tôi”, hơn nữa người tôi nói đến trong bài báo là lãnh đạo của tôi - ông là chỉ huy, còn tôi là lính. Song nghĩ ra, tôi thấy mình cần phải viết, nhất là khi tờ báo của chúng tôi đã đi qua một chặng đường dài 35 năm. Tôi hiểu được rằng trên chặng đường đó có nhọc nhằn, có hy sinh, có những điều thầm lặng, có sự sẻ chia và luôn có khát vọng. Và tôi là người may mắn được đồng hành trên hành trình đó. Hành trình đã cho tôi có cơ hội học được cách chia sẻ, để tôi trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc sống này.

“Cụ để con đỡ cụ!” - Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô khám chữa bệnh cho

bà con nghèo xã Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội

Ngày tôi mới bắt đầu về công tác tại Báo ANTĐ, cách đây đã gần 20 năm. Lúc đó, tôi đã thấy Báo ANTĐ có quỹ xã hội tình nghĩa “Bầu ơi thương lấy bí cùng” để giúp đỡ đồng bào khó khăn ở khắp mọi miền đất nước. Và những chuyến công tác của Báo ANTĐ vẫn cứ đều đặn lên đường. Trong những chuyến đi như thế thường có đại diện Ban biên tập, song bao giờ cũng có những phóng viên trẻ. Tôi từng rất buồn vì không thấy tên mình trong những chuyến công tác như vậy. Song tôi lại tự trả lời rằng chắc vì sức khoẻ của tôi không thể đáp ứng cho những chuyến đi dài. Nhưng rồi cũng đến lượt tôi, và cũng từ đó mà tôi đã nhận ra một điều rằng, những chuyến đi công tác tình nghĩa của Báo ANTĐ không đơn giản chỉ là nhiệm vụ của một phóng viên, điều lớn lao hơn đó là cách mà Ban biên tập Báo ANTĐ truyền “lửa” cho cánh phóng viên trẻ chúng tôi.

Lần đó, tôi cùng đồng chí Phó Tổng biên tập Vũ Kim Thành và các đồng nghiệp khác Báo ANTĐ đi Hà Tĩnh để bàn giao 6 ngôi nhà tình nghĩa cho những bà con khó khăn ở nơi đây. Xe rời Hà Nội từ rất sớm, Hà Nội vẫn còn trong giấc ngủ yên, trên đường phố vẫn còn những cơn gió gai gai lạnh, chỉ thỉnh thoảng thấy mấy người đi chợ sớm đạp xe mải miết cho kịp trước khi trời sáng. Sự háo hức của một phóng viên lần đầu được đi công tác xa làm cho tôi bừng tỉnh khi xe đến Hà Tĩnh. Đi qua những địa danh mà tôi nghe rất thân thương qua những bài hát về vùng đất phía Đông của dãy Trường Sơn, này con sông La, sông Ngàn Phố, này đỉnh Hồng Lĩnh, Can Lộc, Đồng Lộc, này Hương Khê, Thạch Hà… Mỗi lần đi qua những địa danh như vậy, tôi lại thấy đồng chí Phó Tổng biên tập nhắc nhớ về những kỷ niệm của Báo ANTĐ gắn với những địa danh đó. Nhớ năm nào, mưa lũ ngập hết thân xe, đoàn công tác mang mỳ tôm cứu trợ đồng bào gặp lũ, đã phải dừng lại giữa đường; Nơi này, năm 1996, nước ngập thẳng băng, vút cả cột mốc, xe cứu trợ nghiêng ngả, phải khó khăn lắm mới vượt qua được; Khắp các huyện của Hà Tĩnh, từ nơi sâu nhất đến nơi xa nhất, chưa có nơi nào mà Báo ANTĐ chưa đặt chân đến với những bà con nghèo khó.

Chuyến đi ấy, tôi nhớ nhất điểm đến Thạch Đồng - Thạch Hà. Đó là gia đình ông Bùi Văn Vượng, thương binh hạng 4/4 bị nhiễm chất độc da cam, vợ ông Vượng cũng là một thanh niên xung phong. Vợ chồng ông sinh được 6 người con mà không hay biết gì, cho đến khi đứa con gái đầu lòng 20 tuổi phát bệnh chết thì ông mới biết rằng cái chất độc đó không chỉ tàn phá thân thể ông mà còn tàn phá cả phần đời còn lại của ông. Hôm đến thăm gia đình ông trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây khang trang rộng rãi, ông Vượng vào nhà lấy ra tấm ảnh của cô con gái đầu lòng, tôi thấy môi ông rung lên bần bật, rồi hai hàng nước mắt chảy xuống. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy những giọt nước mắt, nhưng giọt nước mắt của một người đàn ông, một người cha già buồn bã lăn xuống làm cho tôi cảm thấy lúng túng vô cùng. Giây phút lặng phắc, chỉ có những ánh mắt nhìn nhau không nói.

Cuộc chia tay của đoàn công tác chúng tôi với gia đình ông Vượng thật là bịn rịn, tôi có cảm giác như phải rời quê nhà mình, phải rời những người nhà quê là bà con họ hàng cô bác của tôi. Mọi người trong gia đình cùng bà con chòm xóm đến chơi đều ra tiễn chúng tôi, lúc đó, cụ ông là bố của ông Vượng cũng ra tiễn đoàn về Hà Nội mạnh giỏi. Cụ ông đã già và yếu nên cụ không đi theo đoàn ra ngoài ngõ mà đứng lại sân nhìn theo đoàn công tác chúng tôi. Khi mọi người đã đi cả, bất chợt, tôi thấy đồng chí Phó Tổng biên tập của mình nán lại, rồi ông lấy tiền túi của mình, đưa hai tay nắm lấy tay cụ già và nói rất khẽ: “Con biếu cụ để cụ ăn quà sáng!”. Câu chuyện này tôi đã không đưa vào bài viết của mình sau chuyến đi công tác, và cho đến bây giờ đồng chí Phó Tổng biên tập chắc cũng không còn nhớ nữa. Nhưng với tôi, đó là một bài học cho riêng tôi về sự chia sẻ.

 Một lần khác, đoàn công tác của Báo ANTĐ, phối hợp cùng bệnh viện CATP Hà Nội về khám bệnh cho những gia đình chính sách của xã Mỹ Lương - huyện Chương Mỹ - Hà Nội, sau trận mưa lũ lịch sử. Mỹ Lương là một xã nghèo và cũng là rốn nước của huyện. Khi nước ngập, đoàn công tác của Báo ANTĐ đã đến cứu trợ, nhưng để phòng dịch bệnh sau lũ nên Ban biên tập Báo quyết định tổ chức khám bệnh cho bà con. Và cũng như mọi lần, đoàn công tác chúng tôi chuẩn bị sẵn mỳ tôm để ăn trưa và xe rời Hà Nội từ rất sớm. Khi đến Mỹ Lương nước còn chưa rút hẳn, cả cánh đồng trơ phếch những gốc rạ đã úng thối vì nước lũ, những bức tường lở vỡ, còn in lên ngấn bùn nước, đường làng vẫn phải lội bì bõm, uỷ ban, trường học nhiều nơi vẫn chưa thể hoạt động. Hôm đó, chúng tôi tổ chức khám bệnh ở trung tâm văn hoá xã, ngay gần trường tiểu học xã Mỹ Lương. Đây là ngày đầu tiên sau đợt mưa lũ, các em học sinh tiểu học mới được tới trường. Thấy đoàn cán bộ mặc áo công an về xã, bọn trẻ trong trường ùa ra tíu tít như đàn chim sẻ. Và tôi lại thấy Phó Tổng biên tập Vũ Kim Thành trò chuyện với những đứa trẻ cứ như thể ông là một người thầy giáo thân thiết của chúng vậy. “Mấy hôm rồi, các cháu có được ăn cơm no không?”; “Nhà cháu nào bị ngập sâu nhất”, “Có cháu nào bị lạnh ốm không?”… Cứ mỗi lần ông hỏi, bọn trẻ lại nhao nhao thi nhau giơ tay trả lời.

Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Vượng - thương binh hạng 4/4 ở Thạch Hà, Hà Tĩnh

Không khí thật vui và ấm áp. Bà con xã Mỹ Lương hôm đó đến khám bệnh đông ngoài sức tưởng tượng của đoàn, phần lớn là các cụ già yếu, có người mẹ cõng con đến, có cụ ông phải chở đi khám bệnh bằng xe… cải tiến, có cụ lần đầu tiên trong đời được đi khám bệnh vì nhà nghèo không có tiền đến bệnh viện. Nhưng ai cũng vui và yên tâm sau khi được khám bệnh và phát thuốc. Đồng chí Vũ Kim Thành vẫn luôn ân cần: “Cụ để con đỡ cụ”, “Cụ đau chỗ nào”. Nhìn những bà con nghèo nơi cơn lũ vừa đi qua, nhìn những đôi bàn chân bợt đi vì lội nước, những đôi bàn chân mà đôi dép đi không được lành lặn, rồi lại nhìn những cử chỉ chân thành của đồng chí Phó Tổng biên tập, khiến tôi thấy mình như có lỗi. Tôi đã có rất nhiều đôi giày đẹp, nhưng bây giờ tôi mới biết còn có nhiều người không có nổi lấy một đôi dép nguyên vẹn để đi. Lại thêm một bài học nữa cho tôi về sự chia sẻ!

Và còn nhiều câu chuyện nữa chưa từng được nhắc đến trên Báo ANTĐ. Một chuyến đi tình nghĩa khác của Báo đến với bà con nghèo Quảng Trị. Có một cụ ông, sau khi khám bệnh được biếu một hộp sữa nhỏ. Ông cụ đã hỏi đồng chí Vũ Kim Thành rằng: “Thứ này trẻ con có uống được không?”. Ông hỏi vậy vì muốn dành phần quà đó cho đứa cháu của mình. Khi đồng chí Vũ Kim Thành hỏi lại : “Thế cháu của cụ mấy tuổi”. Ông cụ thật thà trả lời: “Cháu vẫn còn ở trong bụng mẹ, nhưng tôi sẽ để dành cho nó”. Ông cụ trả lời thật tự nhiên, còn đồng chí Phó Tổng biên tập của chúng tôi thì cứ bần thần mãi, câu chuyện đó dường như đã ám ảnh ông suốt cả chuyến đi.

Những chuyến đi công tác của tôi chỉ là một quãng đường rất ngắn trong cả hành trình dài làm công tác tình nghĩa của những người làm Báo ANTĐ. Tiếp sau tôi, những phóng viên trẻ khác lại lên đường. Và tôi tin họ sẽ có những bài học về sự chia sẻ cho riêng mình.