Hoành tráng nhưng lãng phí

ANTĐ - Sau khi dành khá nhiều thời gian thảo luận, cuối cùng Quốc hội đã quyết định không ban hành một nghị quyết riêng về đề án nền kinh tế của Chính phủ. Thay vào đó, Quốc hội sẽ giám sát ba trụ cột được ví như “chân kiềng” của nền kinh tế, đó là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công là để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí đã bị nhân dân phê bình nhiều năm nay. Chúng ta đã đầu tư dàn trải thì phải khắc phục.

Trong hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư mới đây, Thủ tướng nghiêm khắc đặt câu hỏi: “Đầu tư dàn trải là ai làm dàn trải? Chính chúng ta ngồi đây làm dàn trải”. Ông đưa ra một số bằng chứng không chỉ điển hình mà còn là phổ biến ở nhiều địa phương. Có những tỉnh xây dựng nhà thi đấu thể thao 2.000 chỗ, mà chỉ sử dụng 1-2 lần trong suốt 5 năm. Có những ngôi trường, trạm bơm thi công kéo dài hàng năm.

Có những tỉnh “vẽ” ra dự án xây dựng đường tới 6 làn xe mà không biết nguồn vốn ở đâu. Thậm chí có những địa phương tiếp tục xây dựng bệnh viện 2.000 giường dù không có vốn và đang có một dự án 500 giường dang dở. Không có ý thanh minh về thực trạng đầu tư dàn trải; Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, từ năm 2006, khi Chính phủ quyết định phân quyền cho địa phương và bộ, ngành, các dự án đầu tư công quy mô hoành tráng nhưng dở dang, gây lãng phí bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện cả nước có tới 38.420 dự án đầu tư công đang thực hiện trong năm 2012. Trong số đó, gần 12% dự án đang chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư.

Ở một cấp rộng hơn, tình trạng này bị quy kết là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế rơi vào bất ổn trong nhiều năm qua. Ông Bộ trưởng cũng giải thích thêm khi Chỉ thị cắt giảm đầu tư được ban hành, lúc đầu được các địa phương hoan nghênh, nhưng đến khi thực hiện, các địa phương lại muốn tiếp tục “dàn trải” vì đã trót… dàn trải từ trước. Vì vậy muốn thay đổi phương thức đầu tư từ dàn trải thành tập trung là điều không đơn giản. Thực tế cũng phải “thông cảm” nhiều tỉnh cũng phải chịu sức ép lớn vì đã triển khai nhiều dự án, nay chỉ được cấp tổng vốn cho cả giai đoạn 3 năm. Không thu xếp được vốn cho cả dự án, có thể dẫn đến kiện tụng. Tất nhiên lãnh đạo tỉnh không muốn thế, họ sẽ “kiên trì” xin vốn nhiều hơn. Cả Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đều tỏ ra quyết liệt, áp dụng nguyên tắc: phải hoàn thành nốt những hạng mục đã thi công rồi để “treo” đó. Đành phải chấp nhận như vậy vì không có cách nào khác. Nếu không lại phải tiếp tục đầu tư dàn trải.

Khi hàng loạt công trình đã khởi công phải dừng lại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thủ tướng Chính phủ bày tỏ bức xúc: Lúc nào nhân dân cũng đánh giá đầu tư của Trung ương cũng như của tỉnh dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Không lẽ chúng ta cứ bị kêu mãi như thế này. Những dự án “hoành tráng” nhưng lãng phí đến năm nào thì kết thúc?