Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (5)

Hoàng thành Thăng Long - “nhân chứng sống” lịch sử dân tộc qua 13 thế kỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gắn liền với bề dày lịch sử 1010 năm của Thăng Long - Hà Nội là sự tồn tại bền bỉ và kiêu hãnh của Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - địa danh cách đây 10 năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu. Cho tới bây giờ, nơi này vẫn đang giữ vai trò “nhân chứng sống” ghi nhận những thăng trầm, biến động và cả sự tiếp nối lịch sử xuyên suốt gần 13 thế kỷ (từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XX) của một quốc gia. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô để hiểu hơn về giá trị lớn lao của việc phát lộ ra khu di tích nghìn năm tuổi này.
Việc phát hiện ra khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã tìm được một bộ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội cũng như của cả lịch sử dân tộc Việt Nam

Việc phát hiện ra khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã tìm được một bộ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội cũng như của cả lịch sử dân tộc Việt Nam

Bộ sử bằng hiện vật thật

- Phóng viên: Trong chiều dài lịch sử 1010 năm của kinh thành Thăng Long thì không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là dấu vết duy nhất còn sót lại cho tới ngày nay. Giáo sư đánh giá thế nào về giá trị và ý nghĩa lịch sử của việc phát lộ ra khu di tích này vào năm 2002-2003?

- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Tôi nhớ rằng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo khoa học có sự tham gia đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế. Tất cả đều thống nhất rằng, việc phát hiện ra khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã tìm được một bộ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội cũng như của cả lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết tinh các giá trị của dân tộc bằng hiện vật thật, bằng những thứ chúng ta có thể sờ thấy được, cảm nhận được và thật đến mức độ không thể cãi được. Điều đó đáng quý vô cùng.

Bản thân chúng tôi nghiên cứu về lịch sử, cuốn sách mà tôi viết cũng có thể gọi là cuốn sử, nhưng những tư liệu mà tôi ghi chép lại, người ta vẫn có thể nghĩ: “À, cái này chưa chắc đã có, có khi chỉ là ghi chép cảm tính, chắc gì đã đúng”. Tức là người ta vẫn có thể băn khoăn về độ chuẩn xác của thông tin. Nhưng ở đây chúng ta có cả một khu di tích, có thể mang hiện vật rồng, phượng, phù điêu, mảnh vỡ có chạm khắc họa tiết… rồi biết bao những hiện vật được tìm thấy ở sâu dưới lớp đất dày hàng mét, ai không tin có thể đến mà nhìn, mà sờ vào để thấy. Đấy chính là bộ sử bằng hiện vật thật. Chính vì thế mà Giáo sư Phan Huy Lê khi còn sống từng gọi việc phát hiện ra khu di tích Hoàng thành Thăng Long là thắng lợi “kép” của dân tộc Việt Nam.

- Trên thế giới cũng có nhiều khu di tích, di sản cổ hơn, có tuổi đời lâu hơn 1000 năm tuổi, vậy theo ông sự khác biệt lớn nhất giúp khu di tính Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi nhận có giá trị nổi bật toàn cầu và vinh danh Di sản văn hóa thế giới là ở chỗ nào?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

- Tôi cho rằng, cái đặc biệt nhất chính là bề dày của truyền thống, lịch sử và văn hóa. Ít ra nhìn vào khu di tích này, chúng ta cũng trông thấy lịch sử 1.300 năm và các tầng văn hóa của nó được tiếp nối một cách liên tục. Trên mặt là thời hiện đại, rồi phía dưới là thời Nguyễn, thời Lê, thời Trần, thời Lý… và dưới cùng là văn hóa Đại La. Mà tính đến nay, việc khai quật các tầng văn hóa này sâu đến 4,5m, có chỗ sâu tới 5m là “kinh khủng” lắm chứ. Phải nói đây chính là “trang sách đất” của dân tộc ta và “trang sách đất” này thậm chí dày bằng hàng chục lần “trang sách đất” của nhiều di sản văn hóa. Tôi từng sang di tích thành Nara ở Nhật Bản, nơi đây cũng là kinh đô cũ, trải dài trên một diện tích rộng khoảng 100ha, có chiều sâu về văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên di sản văn hóa mà chúng ta thấy được ở đây chỉ có 1-2 triều đại thôi, trong khi ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long có biết bao nhiêu triều đại, mỗi triều đại kéo dài tới mấy trăm năm. Tôi cho đấy là điều đặc biệt nhất, như tôi nói là những “trang sử đất” liên tục từ thế kỷ thứ 7, 8 đến tận ngày hôm nay.

Chúng ta cần nhớ rằng, sau này ngay trong chính khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn căn hầm chỉ huy nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội làm việc, chỉ huy các trận chiến quan trọng trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Căn hầm này còn có khả năng chống được sức công phá của bom tấn và tên lửa. Những quyết định đưa ra từ căn hầm này có thể nói là làm thay đổi cả thời đại. Như vậy, tất cả những dấu tích còn lại có thể nói là đầy đủ hết. Tôi tin rằng, chỉ cần đi trong khu di tích này 1 ngày là có thể ôn lại được toàn bộ lịch sử của đất nước, của dân tộc Việt Nam và đặt nó trong mối quan hệ với thế giới nữa, điều đó quả thực quá đáng quý!

- Theo ông thì sau gần 20 năm phát lộ và khai quật ra được rất nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử to lớn, thì liệu có còn nhiều giá trị văn hóa mà chúng ta chưa được biết và có thể khai quật trong tương lai không?

- Tôi xin nói luôn rằng, những gì chúng ta biết về Hoàng thành Thăng Long hiện vẫn còn rất ít. Nói là khai quật lớn nhất từ trước đến nay thì theo tôi cũng mới chỉ bằng vài phần trăm của toàn bộ Cấm Thành thôi chứ chưa nói đến những nơi khác. Cấm Thành diện tích tính ra cũng gần 100ha, bây giờ chúng ta mới khai quật được vài chục nghìn m2, thử nhẩm tính xem chúng ta đã biết được bao nhiêu? Chỗ nào chưa khai quật, chỗ đấy vẫn còn là bí mật. Chúng ta có thể đoán chỗ này có cung điện, chỗ kia có hiện vật, chỗ đấy ngày trước là sông hay là công trình gì đó, nhưng chỉ là đoán thôi. Như tôi đã nói, muốn thấy được hết giá trị của các trang sử thì cách tốt nhất là phải sờ, phải nhìn tận mắt. Mà để làm được như vậy thì còn nhiều việc phải làm lắm. Thành Nara ở Nhật Bản tôi được biết họ khai quật liên tục từ năm 1953 đến nay, năm nào cũng có đợt khai quật lớn và gần như đã khai quật được toàn bộ, do đó họ gần như biết hết. Cách họ làm là khai quật xong, quay phim chụp ảnh xong thì lại lấp và bảo tồn nguyên vẹn như cũ. Cho nên xin được nói là còn rất nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa phát hiện ra ở khu Hoàng thành Thăng Long. Tôi cho rằng, đấy cũng là cái hay để cho các thế hệ mai sau tiếp tục nghiên cứu, khám phá và hoàn thiện nhận thức của mình. Chắc chắn thế hệ sau này sẽ biết nhiều hơn chúng ta bây giờ về Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn trong lòng đất.

Để bảo tồn và quảng bá Di sản văn hóa thế giới

- Trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn một số kiến trúc quân sự được quân đội Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Đây cũng là “chứng nhân” cho một giai đoạn lịch sử. Ông nhận định thế nào về sự có mặt của những công trình kiến trúc này?

- Chúng ta không phủ nhận giá trị của nhiều công trình kiến trúc mà người Pháp khi đô hộ đã xây dựng ở Hà Nội. Những công trình đó không chỉ điển hình cho kiến trúc Pháp ở Đông Dương mà còn làm đẹp thêm cho đô thị của chúng ta, ví dụ như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử, khu Tràng Tiền... Chúng ta cũng phải thừa nhận những công trình kiến trúc Pháp còn sót lại trong khu Hoàng thành Thăng Long hiện nay là dấu vết của cả một giai đoạn lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua. Tuy nhiên tôi cho rằng, những công trình mà người Pháp xây trong Hoàng thành Thăng Long không điển hình cho vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, cũng không ăn nhập với không gian khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhất là ở phần trung tâm điện Kinh Thiên vốn được xem là không gian thiêng. Vì thế tôi nghĩ rằng không nên để dãy nhà sỹ quan Pháp ở trước mặt và chúng ta nên có giải pháp di dời hoặc giải tỏa để bảo tồn, gìn giữ không gian Hoàng thành Thăng Long đúng với ý nghĩa Di sản văn hóa thế giới.

- Hiện khu di tích Hoàng thành Thăng Long được coi là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Hà Nội. Ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng, giá trị du lịch của điểm hẹn văn hóa - lịch sử - kiến trúc đặc biệt này?

- Phải nói rằng trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến, điểm hẹn quan trọng bậc nhất Việt Nam. Không chỉ du khách quốc tế mà người dân trong nước cũng ao ước có dịp đến Hà Nội để vào thăm thành Thăng Long. Có lẽ chúng ta ai cũng biết 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long chính là “đất Thăng Long”, là hiện thân của Thăng Long nghìn năm đấy. Khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội, muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử nơi đây thì đương nhiên phải chọn Hoàng thành Thăng Long là số 1 rồi. Cho nên, tôi mong những người làm công tác về văn hóa, du lịch có trách nhiệm cần thấy rõ được vai trò, vị trí của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Để từ đó có cách giới thiệu, quảng bá xứng tầm để du khách đến 1 lần còn muốn đến lại nhiều lần khác nữa. Rõ ràng việc tìm hiểu cả một bề dày lịch sử văn hóa như vậy không phải câu chuyện nói một lúc, nói một lần là hiểu hết được. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để làm được việc đó, nhưng hiện tại chúng ta vẫn làm ít quá. Ví dụ như bây giờ chúng ta khai quật khảo cổ học, đưa hàng triệu hiện vật lên, trong đó có những hiện vật có thể nói là có giá trị không thể tính hết được, thì chỉ công bố thôi chưa đủ mà còn cần phải có bảo tàng trưng bày để người ta đến xem, đến nghiên cứu học hỏi nữa. Chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng xem ra chưa cố gắng hết sức để có thể quảng bá được giá trị văn hóa vô cùng đặc trưng, đặc biệt và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ra toàn dân cũng như thế giới.

Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn trong lòng đất

Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn trong lòng đất

- Dành tâm huyết cả cuộc đời cho những trang sử Việt, ông cảm thấy thế nào khi đứng trước bề dày và chiều dài lịch sử của những “trang sử đất” này?

- Thật ra mà nói, cảm giác của tôi là rất phấn khởi khi chúng ta phát lộ ra khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tôi bắt đầu quan tâm tới việc nghiên cứu về thành Thăng Long cũng lâu lắm rồi, nhưng cũng có những lúc hoang mang. Ví dụ như có người bảo trung tâm Hoàng thành Thăng Long chỉ quy gọn lại ở Ba Đình bây giờ. Lại cũng có người bảo khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trước đây ở chỗ “thập tam trại”, tức là quần thể các làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Có người lại bảo ở cả 2 nơi trên. Cho nên khi chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, mọi người cũng thảo luận về việc này nhiều lắm, nhưng không ai dám chắc thành Thăng Long nằm ở đâu và như thế nào. Về tư liệu sử sách thì chép khá rõ, nhưng bảo có hiện vật nào minh chứng cho tư liệu lịch sử ấy không thì làm gì có. Những nghiên cứu của chúng ta trước đây không có khai quật, giờ khai quật đào lên, có hiện vật rõ ràng thì đấy chính là thành tựu kỳ diệu nhất.

Bác Hồ khi chuẩn bị nguồn lực cho Cách mạng tháng Tám có viết cuốn lịch sử nước ta năm 1941 và nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ngay từ lúc đó, Bác đã coi các di tích lịch sử văn hóa là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Trong Đại hội văn hóa năm 1945, Bác còn nói văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Như vậy nó quyết định cả tương lai phát triển của đất nước nữa. Thế nên, phải nói việc nghiên cứu, học hỏi, hiểu biết về những giá trị lịch sử văn hóa của tổ tiên, mà Hoàng thành Thăng Long chính là kết tinh tất cả các giá trị văn hóa của cả nước như vậy, thì đấy chính là những nguồn lực lớn, cơ sở đặc biệt quan trọng cho tương lai phát triển của đất nước dân tộc, trong đó có con người và thành phố Hà Nội.

- Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc!