Hoang mang thông tin xuất hiện vi khuẩn gây bệnh chết người sau 48 giờ

ANTD.VN - Mới đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân 25 tuổi trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe. Bệnh nhân được kết luận nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore - loại vi khuẩn gây bệnh có thể khiến bệnh nhân tử vong sau 48 giờ nhập viện.

Thông tin này ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người hoang mang, lo ngại. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là căn bệnh không mới. Bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở Việt Nam nhưng người dân còn chủ quan và không để ý đến dấu hiệu của bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn Whitmore vẫn gặp rải rác và gia tăng vào mùa mưa

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi năm vẫn tiếp nhận 30-40 ca mắc bệnh này. Số người mắc và nhập viện tăng nhiều vào mùa mưa. Những người mắc do chủ yếu tiếp xúc với bùn đất hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn (trong bùn đất chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore).

Bác sĩ Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở người mắc có thể lên đến 40-60%. Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi. Bệnh gặp trên mọi đối tượng, tùy thuộc vào từng vùng. Về triệu chứng, khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.

Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, nếu người bệnh có bệnh cảnh và các triệu chứng kể trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh. Bác sĩ Cấp cho biết, việc điều trị bệnh này cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh kéo dài. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.