Hoảng hồn ma trận đồ chơi Trung thu Trung Quốc

ANTĐ - Đồ chơi cho trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng. Những dịp dành riêng cho trẻ em như Tết Trung thu này, các cửa hàng, con phố bán đồ chơi cho trẻ luôn rực rỡ sắc màu với đủ chủng loại, từ bình dân đến cao cấp. Nhưng sự đa dạng và thiếu kiểm duyệt chặt chẽ lại đẩy các bậc phụ huynh vào một ma trận, không biết đằng nào mà lần khi chọn cho con một món quà. 
Hoảng hồn ma trận đồ chơi Trung thu Trung Quốc ảnh 1

Tràn lan đồ chơi Trung Quốc nguy hiểm

Con phố bán đồ chơi trẻ em lớn nhất Hà Nội - phố Hàng Mã - những ngày gần đây luôn rực rỡ, tấp nập người qua lại. Ở đây, khách hàng có thể tìm được đủ loại đồ chơi, mặc dù năm nay đồ chơi có ghi xuất xứ Việt Nam đã chiếm ưu thế, nhưng những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn tràn lan và được nhiều người lựa chọn, do hình dáng, màu sắc bắt mắt, giá rẻ lại có nhiều chức năng.

Chỉ cần vài chục nghìn đồng, khách hàng có thể mua được những thứ đồ chơi bạo lực mà trẻ con rất dễ bị dụ dỗ như gươm, đao, giáo, mác, lưỡi hái tử thần, búa, chùy, gậy phát sáng, tay đấm nhựa, súng… Những đồ kinh dị như mặt nạ quỷ, phù thủy, đầu lâu, yêu tinh, quái thú, xương người... cũng rất nhiều. Cao cấp hơn có súng bắn đạn lửa, bắn ra máu, phun ra tia laze, roi điện, lựu đạn “nổ giòn tai”. Các loại ô tô, xe máy bằng nhựa giá rẻ nhưng có nhiều chức năng cũng rất thu hút trẻ. Hầu hết những sản phẩm này đều bằng những chất liệu không an toàn như nhựa cứng, có nguồn gốc Trung Quốc nhưng các bậc phụ huynh vẫn dễ dàng chiều theo khi con đòi hỏi.

Việc cách đây vài ngày khi một bé trai 7 tuổi ở Hải Dương bị tử vọng do đạn nhựa khi nghịch đồ chơi Trung Quốc là một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc chọn mua đồ chơi không an toàn cho con. Món đồ chơi là một chiếc xe máy nhỏ bằng ngón tay cái người lớn nhưng một đầu có thể lắp đạn bằng cao su, có cần nảy làm cò bắn đạn. Vì tranh giành nhau, một viên đạn cao su đã lọt vào khí quản cháu bé dẫn đến tử vong. Trước đó, một chiếc ô tô điều khiển từ xa xuất xứ Trung Quốc cũng đã khiến một cháu bé khác ở Quảng Ninh gặp tai nạn thương tâm. Khi chiếc xe đang điều khiển gặp trục trặc, cháu đã tháo cục pin trong điều khiển ra thì cục pin phát nổ khiến cháu bé bị mất 3 ngón tay, thủng thủy tinh thể và rách giác mạc mắt phải. 

Theo các chuyên gia, các đồ chơi không an toàn xuất xứ từ Trung Quốc ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp để giảm giá thành, dễ gia công, tạo hình… Trong các nguyên liệu này có rất nhiều chất hóa học, kim loại nặng, độc hại đối với con người. Vì vậy khi trẻ chơi rất dễ xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc da, đường miệng làm giảm khả năng miễn dịch, suy giảm sức khỏe, thậm chí nếu tiếp xúc nhiều có thể gây bệnh ung thư, vô sinh…

Choáng váng với... đồ chơi trí tuệ

Tránh xa đồ chơi bạo lực, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn các sản phẩm được quảng cáo là đồ chơi thông minh, phát triển trí tuệ cho trẻ, nhưng không ít người đã ngã ngửa, vì thông minh đâu chưa thấy nhưng những món đồ chơi này đã gieo rắc vào đầu trẻ những nhận thức lệch lạc.

Những món đồ chơi theo kiểu ghi âm chữ cái, các bài hát, câu chuyện xuất hiện ngày càng nhiều như mèo Talking Tom, mèo máy Doreamon, iPhone, gối thông minh kể chuyện, quả táo thông minh… là ví dụ điển hình. Những món đồ chơi này được quảng cáo với những mỹ từ như “thành tựu tương lai của con bạn”, giúp “khai sáng trí thông minh”, “nâng đỡ tâm hồn con bạn”… “Không ít phụ huynh đã mua mà không bận tâm đến nội dung bên trong đồ chơi. Thế nên khi nghe kỹ những nội dung được phát ra từ những món đồ chơi này họ không khỏi choáng váng.

Chẳng hạn như một món đồ chơi mang tên “quả táo thông minh” được bày bán ở nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trong đó có những câu chuyện vô bổ, phản cảm, có thể gieo vào đầu trẻ những nhận thức lệch lạc. Trong mục truyện cười có nhiều câu chuyện được ghi âm sẵn, trong đó có câu chuyện được kể như sau: “Tôi lập gia đình được 2 năm, vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc. Nhưng tuần rồi tôi đi coi bói, thầy bói nói tôi với vợ không hợp tuổi, sống với nhau có thể chia ly.

Tôi có cô em vợ xinh đẹp và rất có cảm tình với tôi. Thầy bói nói tôi với cô em vợ rất hợp tuổi nhau, nên chung sống với nhau. Cô em vợ cũng đồng ý như vậy. Xin hỏi tôi có nên bỏ vợ để lấy cô em vợ không. Trả lời: Không nên dị đoan nghe lời thầy bói mà bỏ cô chị lấy cô em, tốt nhất là nên lấy cả 2 chị em”. Hay như một ví dụ về cách gieo vần làm thơ có câu: “Em tên Mai anh sẽ hôn vào vai/ Em tên Mít anh sẽ hôn vào…”. Rồi chuyện về một ông bác sỹ bắt bệnh nhân chửi thề 20 lần: “Tiên sư mày” trước khi khám bệnh. 

Một món đồ chơi khác mang tên “bảng chữ cái thông minh” cũng có câu chuyện gây choáng váng không kém. Câu chuyện có tên Thỏ trắng say thuốc lắc như sau: “Thỏ đang chạy trong rừng thì thấy một chú sói đang hít heroin, Thỏ bèn nói: Anh sói ơi hãy nghe em từ bỏ những thứ độc hại đó, đi theo em quanh rừng sẽ thấy nhiều cảnh đẹp lắm. Cả hai đang chạy thì lại gặp con cáo đang hút á phiện, thỏ lại nói: Anh cáo ơi, hãy từ bỏ những thứ độc hại theo em ngắm cảnh rừng. Đi một lúc lại gặp con cọp đang chích thuốc kích thích. Thỏ lại nói: Anh cọp ơi… Cọp gầm lên: Con mẹ mày thỏ, lần nào mày say thuốc lắc cũng rủ tao chạy khắp rừng, cút xéo…”.

Món đồ chơi Mèo máy Doreamon kể chuyện cũng không kém phần gây sốc với câu chuyện vô bổ: “Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng. Thà chết! Thà chết quách một lần cho rồi. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi. Và chúng ta chạy ra hồ để tự tử đi…”.

Câu chuyện trong những món đồ chơi “thông minh” trên đến tay trẻ em hết sức nguy hại, vì không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, sự hình thành tư duy mà còn ảnh hưởng đến cả nhân cách sau này của trẻ. Bởi ở lứa tuổi các em, việc tiếp nhận thông tin rất nhanh, ghi nhớ rất sâu những thông tin mới.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội), câu chuyện trong các đồ chơi kể chuyện như trên hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ. Trẻ sẽ nhớ rất nhanh, rất lâu nên ngôn ngữ cần đơn giản, trong sáng và chọn lọc. Chẳng hạn như câu chuyện Thỏ chơi thuốc lắc, các em sẽ dễ dàng cho rằng hút heroin, chích thuốc kích thích, hút á phiện, uống thuốc lắc… là đúng và được phép. Khi chơi những đồ chơi có nội dung thiếu lành mạnh, trẻ sẽ có xu hướng xuất hiện cáu gắt, bất an… lâu dần ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ.

Cẩn thận đồ chơi Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Theo quan sát tại các địa điểm bán nhiều đồ chơi trẻ em dịp Trung thu, có thể thấy năm nay lượng đồ chơi có gắn mác “made in Vietnam” chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số chủ hàng thì đa phần đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong vai người mua đồ chơi đến một cửa hàng trên phố Lương Văn Can, chúng tôi được chủ hàng giới thiệu cho nhiều đồ chơi cả của Trung Quốc lẫn Việt Nam. Khi nghe khách phàn nàn về những món đồ chơi kể chuyện dù ghi “made in Vietnam” mà nội dung không đâu vào đâu, bà chủ cho biết: “Chủ yếu là hàng Trung Quốc thôi, kể cả ghi “made in Vietnam” nhưng đều đặt Trung Quốc làm hết. Người ta “copy” nội dung trên mạng rồi đưa vào nên mới thế”.

Tương tự, một chủ cửa hàng đồ chơi khác cũng thành thật: “Bọn chị đi nhập hàng nên biết chứ, muốn mua đồ Việt Nam thì chỉ có mấy cái đèn lồng, đèn kéo quân, chú Tễu, con rối… và một số món đồ đơn giản thôi. Còn thì những đồ chơi “thông minh” hay mẫu mã bắt mắt thế này toàn các người Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất hết. Năm nay tiêu thụ những món đồ này chậm hơn nên chị không nhập nhiều, chứ như năm ngoái đủ các loại, cái gì, con gì cũng biết kể chuyện hết”.

Theo quan sát của chúng tôi, năm nay nhiều phụ huynh đã quan tâm hơn đến những món đồ chơi do Việt Nam sản xuất, vì vậy trên những con phố cũng có nhiều đồ chơi truyền thống hơn. Chẳng hạn những chiếc đèn ông sao, đèn  đèn kéo quân được làm thủ công, các loại đèn với đủ hình thù như hình con cá, gà, lợn, con bướm, bông hoa… Nhiều loại đồ chơi khác có nguyên liệu an toàn như mặt nạ giấy bồi với nhiều nhân vật đặc trưng của Việt Nam như chú Tễu, thằng hề, chú Cuội… có mẫu mã đa dạng hơn.

Theo các chủ hàng, năm nay nhu cầu của khách hàng mua các loại đèn truyền thống của Việt Nam nhiều hơn năm ngoái: “Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đặt chúng tôi các mặt hàng truyền thống của Việt Nam lên tới cả trăm, nghìn chiếc” - một chủ hàng cho biết.

Tuy nhiên những món đồ chơi của Trung Quốc vẫn thu hút những đứa trẻ hơn, vì vậy nhiều phụ huynh phải giải thích kỹ để thuyết phục trẻ mua đồ chơi Việt Nam.

Khi mua những đồ chơi hay sách vở cho trẻ, phụ huynh nên tìm hiểu xem đồ chơi có an toàn cho trẻ hay không, quan tâm đến nội dung của đồ chơi đó để tránh việc vô tình đưa tới trẻ những suy nghĩ, kiến thức tiêu cực.
Lưu ý chọn đồ chơi cho con:
- Xem kỹ xuất xứ và chất lượng sản phẩm khi mua.
- Kiểm tra đồ chơi có phù hợp với lứa tuổi con mình hay không đồ chơi phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ phát huy hết khả năng của trẻ.
- Đồ chơi có gắn chương trình ca nhạc, kể chuyện, thu âm... phụ huynh nên nghe nội dung trước khi mua.
- Cha mẹ cũng có thể tự tay làm cho trẻ các món đồ chơi bằng tay, như vậy vừa tiết kiệm, vừa an toàn cho trẻ hoặc dạy trẻ những trò chơi dân gian.