Hoàn toàn có cơ sở để xem xét

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về đề xuất điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Liễu Giai - Núi Trúc -  Giang Văn Minh của người dân, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về quy hoạch - kiến trúc cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để xem xét.

- Một số hộ dân ở tổ 9C ngách 210/41 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) đang kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tuyến đường Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh theo hướng lấy đất GPMB về phía tổ chức, cơ quan Nhà nước, hạn chế lấy đất của dân, giúp tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỷ đồng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Khi người dân đề nghị như thế để phù hợp hơn với thực tế cuộc sống thì hoàn toàn có thể coi đó là một căn cứ để xem xét việc điều chỉnh. Theo quy định của pháp luật, sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác quy hoạch là hết sức quan trọng. 

Nhiều năm trước đây, khi tôi làm đoạn đầu của dự án Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh (là phố Vạn Phúc hiện nay, dài khoảng hơn 1km, từ nút giao với đường Liễu Giai đến khách sạn La Thành - PV), cũng có nhiều ý kiến người dân, các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia đầu ngành đề nghị là nên thế này, thế kia...

Chúng tôi đã ghi nhận đầy đủ những ý kiến đó, họp lại với các cơ quan chuyên môn để bàn bạc. Có ý kiến đúng, có ý kiến chưa đúng nhưng chúng tôi phải xem xét hết và giải thích với từng người cho tới khi đạt được sự đồng thuận mới thôi. 

Tương tự, trong trường hợp này, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, ở đây là Sở QH-KT và quận Ba Đình cần tiếp xúc với người dân, lắng nghe ý kiến của họ. Nếu họ nói đúng, có lợi thật thì cơ quan chức năng phải tiếp thu, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. 

- Quy hoạch hiện hành đã có từ 19 năm trước, đến nay, nếu các điều kiện ban đầu đã thay đổi, thì việc xem xét điều chỉnh cũng là phù hợp?

- Trình tự, thủ tục điều chỉnh những quy hoạch mang tính cục bộ như thế này sẽ theo quy định của pháp luật. Cơ quan có trách nhiệm phải xây dựng một đề án cụ thể so sánh phương án quy hoạch cũ và mới, xem lợi, hại như thế nào, tính khả thi, hiệu quả ra sao và tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch đó xem xét, quyết định. Sau khi điều chỉnh quy hoạch rồi thì sẽ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình đó, phải cân đối đầy đủ lợi ích của các bên liên quan như Nhà nước, cộng đồng dân cư, đối tượng bị thu hồi đất… Trong đó, ý kiến của cộng đồng dân cư là đặc biệt quan trọng vì nói cho cùng, làm quy hoạch hay dự án cũng vì lợi ích của nhân dân.

Phải tôn trọng ý kiến của dân vì họ sống ở khu vực đó, họ sâu sát hơn, có nhiều thông tin hơn về sự biến động của tình hình kinh tế - xã hội trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch so với các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà quy hoạch ở địa phương. Quy hoạch tuyến phố này đã có cách đây 19 năm, được vẽ theo các thông tin kinh tế - xã hội từ thời đó, nay nếu các thông số đầu vào đã thay đổi thì việc đề xuất xem xét lại cũng là hợp lý.

- Tại dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Bộ Quốc phòng đã ủng hộ Hà Nội, đồng ý “cắt” đất làm đường để không phải GPMB nhà dân, tiết kiệm ngân sách, dự án Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh có nên làm theo, thưa ông?

- Trong công tác quy hoạch hay làm dự án không thể áp dụng một cách máy móc. Phải tùy từng trường hợp cụ thể chứ không thể lấy mô hình ở đường Lê Trọng Tấn để nhân rộng ra với tất cả các dự án khác. Ở mỗi dự án khác nhau, cơ quan chức năng cần lắng nghe một cách cầu thị, xem xét, cân nhắc, đặt lên bàn cân tất cả các yếu tố để đưa ra được phương án khả thi, hiệu quả nhất chứ không thể có công thức chung.

- Trách nhiệm trả lời của các sở ngành thành phố khi tiếp nhận kiến nghị điều chỉnh quy hoạch của người dân như thế nào, thưa ông?

- Khi người dân có kiến nghị bằng văn bản như thế thì cơ quan quản lý Nhà nước phải trả lời nghiêm túc. Ở đây, Sở QH-KT là cơ quan tham mưu cho UBND TP Hà Nội về quy hoạch - kiến trúc trên địa bàn thành phố sẽ trả lời dân.

UBND quận Ba Đình quản lý địa bàn cũng có trách nhiệm phối hợp với Sở QH-KT để giải quyết vấn đề người dân nêu. Thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thì tùy theo mức độ của dự án và quy định pháp luật, nếu thuộc thành phố thì thành phố điều chỉnh, hoặc quận Ba Đình có thể điều chỉnh. 

- Từng công tác lâu năm trong ngành quy hoạch - kiến trúc, cá nhân ông thấy việc xem xét, điều chỉnh quy hoạch này có khó khăn không?

- Tôi cho rằng, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch dự án Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh không quá phức tạp, hoàn toàn khả thi nếu chúng ta thực sự lắng nghe dân. Trong thực tế cuộc sống, việc điều chỉnh như vậy diễn ra rất nhiều, cơ bản là phải đúng pháp luật và phù hợp thực tiễn.