Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác hành pháp

ANTĐ - Luật Thủ đô nếu được thông qua và đi vào cuộc sống, thì không chỉ cơ quan quản lý mà cả người dân đều sẽ được hưởng những yếu tố tích cực từ Bộ luật, theo tinh thần “sống và làm việc theo pháp luật”. 

Đối với ngành Tòa án và công tác hành pháp nói riêng, tôi tin Luật Thủ đô sẽ tạo ra được những tiền đề, điều kiện giúp khắc phục những tồn tại, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với xã hội, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân cũng như công tác thực thi pháp luật đối với cơ quan công quyền.

Thứ nhất, Luật Thủ đô sẽ gợi mở, định hướng cho việc xây dựng hệ thống đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật ở ngay cấp cơ sở. 

Thứ hai, khi có Luật Thủ đô, nhất định sẽ có những giải pháp được đưa ra để phòng ngừa tiến tới làm giảm hiện tượng người tỉnh ngoài về Hà Nội gây án. Riêng năm 2012, các vụ án hình sự, kinh tế, ma túy mà TAND quận Long Biên đã xét xử, có trên 50% số vụ án - bị cáo liên quan đến người tỉnh ngoài.

Vấn đề thứ ba mà tôi kỳ vọng nếu Luật Thủ đô được thông qua ở kỳ họp Quốc hội lần này, đó là chất lượng và cả số lượng đối với cán bộ ngành Tòa án, cũng như công tác xét xử sẽ được nâng lên. Giống như nhiều Tòa án cấp quận, huyện ở Hà Nội, chúng tôi mỗi năm đều phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn. Năm 2012, thụ lý, xét xử trên 1.000 vụ án các loại. Đảm đương từng ấy công việc chỉ vẻn vẹn không quá 40 cán bộ, nhân viên của Tòa. Đó là chưa kể những thiếu thốn về phương tiện, vật chất để phục vụ công tác xét xử, như việc vận chuyển, đảm bảo an toàn tài liệu, phương tiện vận chuyển vành móng ngựa đến các điểm xét xử lưu động.

Điều chúng tôi canh cánh lâu nay là các phiên tòa xét xử lưu động, mục đích để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, nhưng không phải địa bàn nào cũng phối hợp chặt chẽ với Tòa án. “Lỗi” ở đây là chúng ta đang thiếu và rất cần bổ sung quy chế phối hợp giữa các địa phương với Tòa án. Hạn chế này sẽ được khắc phục khi Luật Thủ đô trở thành hiện thực.